Ngoài ra, với tốc độ già hóa dân số nhanh, nếu không nỗ lực phủ bảo hiểm, đến 2030, Việt Nam có thể phải đối mặt với thực trạng, khoảng 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu.
Điểm sáng
Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay, ngày 28/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc và nghe chuyên gia ILO trình bày về vấn đề chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tham dự có bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; các chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, nhìn tổng quát, chính sách của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt, mang lại nhiều thành tựu đã được quốc tế ghi nhận là điểm sáng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Việt Nam vẫn còn khoảng 34 triệu lao động phi chính thức có nguy cơ “rơi” khỏi lưới an sinh xã hội.
Bộ trưởng Dung mong muốn trong giai đoạn sắp tới, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam sẽ phát triển một cách bao trùm hơn, toàn diện hơn.
Ông Đào Ngọc Dung và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mong các chuyên gia phân tích, khuyến nghị thẳng thắn và thực tế từ các chuyên gia độc lập.
Thực tế, đây là khu vực có dư địa lớn để tăng mức huy động tham gia bảo hiểm xã hội, để đảm bảo an sinh bền vững trong tương lai nhưng chính sách nào để quản lý, khuyến khích nhóm lao động này tự nguyện tham gia.
Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Làm việc với các đại diện quốc tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt ra 6 vấn đề và mong muốn các chuyên gia của ILO giúp sáng tỏ, chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ nhất là về vấn đề rút bảo hiểm một lần. Trên thế giới có quốc gia nào có chính sách rút bảo hiểm một lần như thế này không? Dưới góc độ là nhà quản lý, Bộ trưởng muốn nghe các chuyên gia chia sẻ, đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, có nên tiếp tục duy trì rút BHXH một lần hay không? Tiếp tục duy trì thì thiết kế lại chính sách theo hướng nào?
Thứ hai, hiện nay còn dư địa rất lớn với 34 triệu người lao động phi chính thức, các nước khác trả lương cho người lao động qua tài khoản, còn Việt Nam thì trả lương bằng tiền mặt nên khó quản lý, vậy cần có giải pháp gì? Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích như thế nào để người lao động tham gia BHXH?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các chuyên gia chia sẻ thêm về kinh nghiệm của các nước về vấn đề này.
Thứ ba, Việt Nam có khoảng 600 – 700 nghìn doanh nghiệp. Tuy vậy, hiện nay đang có tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng BHXH. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung băn khoăn không biết các nước khác có tình trạng như thế này không? Giải quyết bài toán này như thế nào? Bộ trưởng mong muốn các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm xử lý vấn đề này.
Thứ tư là vấn đề nguồn lực để chi cho an sinh xã hội. Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ở khu vực Đông Nam Á, nguồn lực chi cho an sinh xã hội của Việt Nam không hề thấp - trung bình Việt Nam dành khoảng 20% tổng chi ngân sách cho an sinh xã hội. Chủ trương của Nhà nước là không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Vậy kinh nghiệm của các nước trên thế giới muốn nâng mức chi cho ASXH là như thế nào?
Thứ năm, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội mong muốn các chuyên gia chia sẻ, dự báo về mức độ bao phủ của an sinh xã hội của Việt Nam đến năm 2030.
Vấn đề thứ sáu, Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia khuyến nghị trong tổng thể chính sách xã hội, đến năm 2025, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết những vấn đề nào trước?
Chia sẻ tại cuộc làm việc, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, trong Tuyên bố 100 năm thành lập ILO, ILO tuyên bố sẽ hỗ trợ các quốc gia trong việc phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh vào cam kết hỗ trợ về an sinh xã hội trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cũng khẳng định, với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn về an sinh xã hội, ILO cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam một cách tối đa bằng cách trao đổi, chia sẻ thông tin và đưa ra các khuyến nghị một cách thẳng thắn và cởi mở.
Hàng triệu người Việt Nam sẽ không có lương hưu?
Theo ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO thông tin, hiện nay mới có khoảng 16,5 triệu người lao động Việt hiện tham gia bảo hiểm xã hội tức chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người.
Tính trong 11,4 triệu người cao tuổi cũng mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2,6 triệu từ bảo hiểm xã hội và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội).
“Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực phủ bảo hiểm, đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt vấn đề quan ngại khi có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đó sẽ là gánh nặng xã hội, gánh nặng chính sách an sinh rất lớn”, chuyên gia lưu ý.
Liên quan đến việc tăng cường nguồn lực cho an sinh xã hội, chuyên gia ILO chia sẻ, trong vòng 15 năm qua, tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á có xu hướng tăng tỷ lệ GDP với mức trung bình là 0,2% từ việc chính thức hóa thị trường lao động khi nền kinh tế dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Về chuyện rút bảo hiểm một lần, ông Cunha cho biết, trên thế giới “không phổ biến”, tuy nhiên, có một vài quốc gia đã và đang gặp vấn đề tương tự. Chẳng hạn như Malaysia, trong vòng 6,7 năm vừa qua, Malaysia chưa thể thay đổi được hiện trạng này; một số nước châu Âu cũng có một phần trong các chế độ BHXH được hưởng dưới dạng một lần.
Singapore cũng gặp vấn đề về rút BHXH một lần nhưng đang từng bước điều chỉnh chính sách theo hướng nâng dần điều kiện rút BHXH một lần để giải quyết vấn đề này và đã có nhiều chuyển biến.
Phân tích của ILO cho thấy đối tượng rút BHXH một lần hầu hết là phụ nữ sinh con lần đầu, họ rút BHXH một lần trong thời gian nghỉ sinh. Ông Nuno Cunha khuyến nghị nên từng bước thay đổi điều kiện hưởng BHXH một lần, bên cạnh đó xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, triển khai chế độ về trợ cấp trẻ em trong hệ thống BHXH cho những người phụ nữ sinh con lần đầu trang trải chi phí nuôi con, qua đó vừa giải quyết vấn đề rút BHXH một lần, vừa giải quyết được vấn đề phát triển thể chất của trẻ em Việt Nam.
Do đó, ông Nuno Cunha khuyến nghị, đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam cần tăng mức chi cho an sinh xã hội từ 4% GDP hiện nay lên mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 8% GDP.
Cùng với quá trình này là các biện pháp chính thức hóa khu vực việc làm phi chính thức, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng với mức độ phối hợp và liên kết đáng kể giữa các tầng.
“Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm hợp đồng đủ điều kiện tham gia vào bảo hiểm xã hội bắt buộc”, chuyên gia khuyến nghị.
Ông Nuno Cunha cũng dự báo, đến năm 2045, hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam sẽ là hệ thống hỗn hợp bao gồm cả đóng góp và không đóng góp. Trong đó, hệ thống đóng góp bao phủ toàn bộ người lao động ở mức độ chính thức hóa cao và là một hệ thống được thiết kế thích ứng với các cú sốc (môi trường, y tế, kinh tế).
“Và quan trọng hơn cả, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam sẽ giúp cho xã hội không có ai bị bỏ lại phía sau”, chuyên gia cao cấp của ILO nhấn mạnh.