Đại dịch COVID-19

Vì sai mà sợ, ngành y điêu đứng khi vừa thiếu thuốc, vừa thiếu nhân sự

HÀ NỘI (Sputnik) - Mới đây, Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Song những chỉ đạo từ Bộ này vẫn mang tính chất “chung chung”. Người bệnh sẽ đi đâu về đâu khi tình trạng này vẫn xảy ra tại nhiều bệnh viện lớn nhỏ? Làm gì để loại bỏ tâm lý e ngại khi thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc?
Sputnik

Cán bộ sợ sai, bệnh nhân chịu thiệt

Trong những tuần qua, tại nhiều bệnh viện (BV), cơ sở y tế từ tuyến địa phương tới Trung ương đã xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm, một số trang thiết bị y tế chuyên sâu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của bệnh nhân. Nhiều người bệnh thậm chí phải tự đi mua cả dây truyền dịch, bông gạc…, tự bỏ tiền túi để chi trả cho những dịch vụ đáng ra được bảo hiểm y tế thanh toán.
Bên cạnh lý do nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, Bộ Y tế cũng thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra. Do vậy, một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu và mua sắm.
Không những thế, sau đại dịch COVID-19, sức chịu đựng và tâm lý của nhiều cán bộ y tế đã đến giới hạn. Áp lực thì nhiều, mức lương lại thấp, cơ sở vật chất không đủ để triển khai những kỹ thuật mới tiên tiến, vô hình chung khiến các bác sỹ giỏi nản lòng. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn càng thiếu hơn.
Đại dịch COVID-19
Nhân viên y tế đồng loạt nghỉ việc trước bối cảnh Việt Nam phát hiện biến thể BA.5 Omicron
Hơn nữa, những vụ việc liên tiếp xảy ra trong ngành y tế, điển hình là vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội hay vụ Việt Á,...đều có ảnh hưởng đến tâm lý người trong ngành. Tâm lý sợ vướng, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của các nhà quản lý cũng đang tồn tại.
Hoang mang, lo sợ vẫn là tâm trạng chung của cán bộ nhân viên y tế thời điểm hiện tại. Bởi đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, khiến những người mới nhận nhiệm vụ bối rối, loay hoay không biết phải làm sao cho đúng.
Phân tích nguyên nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay:
“Hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao”.
Trao đổi với Sputnik, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) nêu quan điểm, để xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện nay phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung còn phức tạp. Cả quy trình gồm gần 20 bước, nếu mỗi cơ quan liên quan làm việc chậm vài ngày, chắc chắn kết quả đấu thầu sẽ chậm.
Ngoài ra, quy định hiện hành giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó là quy định cứng nhắc. Bởi quy định này không tính đến yếu tố lạm phát khi nguyên liệu gia tăng, rồi giá xăng dầu tăng, nhiều chuỗi cung cấp bị đứt gãy sau đại dịch Covid,...

Cần xem lại cơ chế mua bán, “lại quả” trong đấu thầu, mua sắm trong ngành y

Không thể phủ nhận lợi ích của việc xã hội hoá liên doanh, liên kết, chủ trương đấu thầu tập trung. Thế nhưng, vẫn tồn tại sự bất hợp lý trong các quy trình, quy định và chưa có luật mang tính đặc thù cho ngành y, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm ở nhiều bệnh viện công gặp trở ngại.
Hành lang pháp lý thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ gây rủi ro. Đặc biết, rất dễ bị lợi dụng, câu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và cho Nhà nước. Điều đáng buồn là lỗ hổng trong cơ chế tạo cơ hội cho lòng tham của một số cá nhân có ham muốn trục lợi.

“Đầu tiên, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc trong toàn ngành yên tâm làm nhiệm vụ. Trước mắt, cần sớm củng cố đội ngũ lãnh đạo trong bối cảnh ngành y tế đang thiếu từ lãnh đạo Bộ lẫn các vụ chức năng. Hơn nữa, cần phải xem lại cơ chế mua bán, “lại quả” trong đấu thầu, mua sắm trong ngành y. Sau đó, cần có văn bản hướng dẫn (thấp nhất là Nghị định) nhằm tạo ra thể chế để các đơn vị tham gia đấu thầu. Đặc biệt, cần có cơ chế bảo vệ họ, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, - TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) nói.

Trong khám, chữa bệnh "cứu người như cứu hỏa". Trong khi chờ những thay đổi về cơ chế, trước mắt, ngành y vẫn phải tự xoay sở để ứng phó thời cuộc. Ngay lúc này, cần lắm sự dũng cảm của các cán bộ ngành y, nhất là trong việc loại bỏ tâm lý e ngại khi thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc.
Thảo luận