TP Đà Nẵng: “Nga là thị trường rất tiềm năng”
Trong hơn 2 năm qua, nhờ công tác chống dịch hiệu quả, kinh tế - xã hội năm 2021 và 6 tháng năm 2022 của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu cơ bản. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2022, Nga đã đầu tư vào Việt Nam 151 dự án với tổng giá trị lên đến 953 triệu USD, đứng vị trí thứ 24/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3%.
Nếu như trước đây dầu khí, năng lượng là các mặt hàng cơ bản, quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Nga, thì nay đã đẩy mạnh thêm những ngành và lĩnh vực đầu tư mới như chăm sóc sức khỏe, ô tô, công nghệ nông nghiệp,...
Bên cạnh “đầu tàu” kinh tế lớn của cả nước như TP HCM và Hà Nội, Đà Nẵng hiện nổi lên là tâm điểm đầu tư “sáng giá” khi kiểm soát tốt dịch bệnh, có nhiều lợi thế về giá thuê cơ sở hạ tầng cùng nguồn nhân lực dồi dào.
Trong những năm qua, TP Đà Nẵng có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhiều địa phương của Nga như Yaroslavl, Nhizegorod, Briansk. TP cũng tổ chức nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao sang Nga xúc tiến hợp tác đầu tư.
Kết quả cụ thể của nỗ lực xúc tiến kêu gọi đầu tư từ Nga là việc Tập đoàn GAZ của Nga quyết định đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tải tại Đà Nẵng. Việc hợp tác này đã mở ra triển vọng đầu tư, phát triển không chỉ cho ngành ô tô mà thêm nhiều ngành, lĩnh vực khác tại Đà Nẵng.
Và mới đây nhất, trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, đại diện TP Đà Nẵng một lần nữa khẳng định với Sputnik rằng, Nga vẫn là thị trường rất tiềm năng để thu hút đầu tư tại Đà Nẵng.
“Đối với Đà Nẵng, Nga là thị trường rất tiềm năng. Hiện nay, TP vẫn đang triển khai dự án với công ty GAZ. Đây là công ty đã đầu tư tại Đà Nẵng về lĩnh vực sản xuất xe buýt. Tuy dự án còn tương đối nhỏ, song chúng tôi kỳ vọng, sau một thời gian Nga bước chân thăm dò thị trường, các doanh nghiệp Nga có thể mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng trong tương lai”, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương chia sẻ.
Trao đổi thêm với Sputnik, bà Phương cho hay, hiện thành phố vẫn tập trung vào 3 trụ cột thu hút đầu tư gồm: kinh tế biển, công nghệ cao, du lịch - dịch vụ và 5 lĩnh vực then chốt. Trong đó, các dự án hạ tầng như cảng biển, sân bay, các trung tâm logistics đang được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Với những dự án như vậy, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thu hút các doanh nghiệp tiềm năng đến từ Nga.
Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, Việt Nam
© Sputnik / Ha Linh
Doanh nghiệp Nga được hưởng lợi gì khi đầu tư vào Đà Nẵng?
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022” trở thành tâm điểm khi chứng kiến sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương đến người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính.
“Chúng tôi cam kết xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai để các nhà đầu tư tới Việt Nam với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, các bên đều chiến thắng. Chúng tôi biết sức mạnh của mình ở đâu để phát huy và nhân lên. Và cũng biết chỗ yếu của mình ở đâu để cùng nhau và cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kịp thời khắc phục”, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm.
Theo đó, 7 dự án lớn mà Đà Nẵng giới thiệu đến các nhà đầu tư, gồm: Cảng Liên Chiểu; Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; Không gian sáng tạo Đà Nẵng; Trung tâm thương mại quốc tế; Bệnh viện quốc tế; Viện dưỡng lão và Trường liên cấp quốc tế.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài đến đầu tư tại Đà Nẵng, trong đó có các DN Nga, TP đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào Khu công nghệ.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
© Sputnik / Ha Linh
Cụ thể, DN thực hiện dự án đầu tư mới; DN thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua đối với người lao động làm việc tại các DN trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm.
Đáng nói, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm.
Ngoài ra, ưu đãi về tiền thuê đất: các dự án được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng còn được hưởng các chính sách ưu đãi về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuế nhập khẩu; ưu đãi về xuất nhập cảnh...
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được hưởng các ưu đãi về tiền sử dụng hạ tầng, việc xuất nhập cảnh đối với chuyên gia, người lao động và thành viên gia đình.
Với những ưu đãi hấp dẫn cùng những cam kết mạnh mẽ, Đà Nẵng kỳ vọng trong tương lai gần, TP sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và DN Nga đến với TP hơn nữa, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho TP cũng như thúc đẩy, mở rộng môi trường hợp tác, đầu tư song phương.