Như Sputnik thông tin, cảng nước sâu Vũng Áng ở Hà Tĩnh là cảng biển gần nhất với Thủ đô Vientiane, Lào. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Lào, Thái Lan và Myanmar với cảng Vũng Áng.
Dự án đường sắt Vũng Áng – Vientiane cũng tạo lợi thế rộng mở cho các doanh nghiệp Việt – Lào hợp tác phát triển các lĩnh vực nhiều tiềm năng như du lịch, dịch vụ.
Đường sắt Lào-Việt Nam
Tờ Nhật báo Kinh tế Lào (Lao Economic Daily) vừa đưa tin về buổi lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU), được tổ chức vào ngày 30/6 giữa Chính phủ Lào với đại diện lãnh đạo Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án mang tên “Đường sắt Lào-Việt Nam” (LVRP), được kỳ vọng là tuyến đường sắt kết nối giữa Lào và Việt Nam. Như vậy, Hà Nội đã góp phần giúp một quốc gia nội lục ở khu vực Đông Nam Á như Lào hướng ra biển lớn.
Tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam là lối ra biển gần nhất và thuận lợi của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, có Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 5 khu kinh tế ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư.
Theo đó, đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện, cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả Việt Nam, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.
Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 8 tuyến quốc lộ kết nối giữa các địa bàn nội tỉnh, liên vùng và quốc tế. Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có 2 tuyến cao tốc, gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh dài 108 km được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và tuyến cao tốc Vũng Áng từ Khu kinh tế Vũng Áng đến cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) kết nối với Lào và các nước trong khu vực, dự kiến đầu tư sau năm 2030.
Như Sputnik đã thông tin, đường sắt Vientiane – Vũng Áng là tuyến đường sắt điện tốc độ cao trị giá 5 tỷ USD theo kỳ vọng của lãnh đạo hai nước dài khoảng 452 km và sẽ cho phép vận hành các đầu máy điện khí hóa.
Trong giai đoạn đầu, tuyến đường sắt sẽ nối huyện Thakhek ở tỉnh Khammouane, Lào, với Cảng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh Việt Nam, dài khoảng 139 km.
Giai đoạn thứ hai sau đó sẽ nối tuyến đường sắt từ Thakhek đến Thủ đô Vientian (Viêng Chăn), kéo dài thêm 312 km.
Kỳ vọng có cảng biển
Theo truyền thông Lào, biên bản ghi nhớ do bà Khamchanh Vongseneboun, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ Lào và ông Viengkhone Sitthixay, Phó Chủ tịch PetroTrade trước sự chứng kiến của các quan chức Chính phủ và địa phương.
Phát biểu tại buổi ký kết, ông Viengkhone Sitthixay cho biết PetroTrade rất vinh dự khi nhận được sự tin tưởng của Chính phủ Lào lựa chọn làm doanh nghiệp tham gia đầu tư và phát triển một số dự án trọng điểm của đất nước, trong đó có tuyến đường sắt Vũng Áng – Vientiane.
“Mục tiêu tổng thể của dự án đường sắt Vũng Áng - Vientiane là góp phần đạt được tầm nhìn của Chính phủ trong việc biến Lào từ một quốc gia không giáp biển thành nước sở hữu những tuyến đường thông thương nối đất liền và cảng biển, qua đó, góp phần phát triển kinh tế biển”, - lãnh đạo PetroTrade khẳng định.
Dự án Đường sắt Lào-Việt, vốn đã được xem xét từ năm 2015, cho phép kết hợp cung cấp dịch vụ hậu cần giữa Lào và Việt Nam như một phần của dự án Trung tâm Liên kết Logistics Lào (LLL), nối Cảng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) với Đường sắt Lào-Việt, Cảng cạn Thanaleng, và Công viên Logistics Viêng Chăn.
Nhờ vào kết nối với trung tâm hậu cần ở Thủ đô Viêng Chăn, tuyến đường sắt mới cũng sẽ cho phép kết nối hàng hóa và vận tải giữa Việt Nam, Lào, Thái Lan và Trung Quốc thông suốt, chặt chẽ hơn.
Sự bắt tay giữa PetroTrade và FLC
PetroTrade cho hay doanh nghiệp sẽ thuê các công ty tư vấn độc lập trong nước và quốc tế kết hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ để thực hiện các khâu dự án tuyến đường sắt Lào – Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành và được phê duyệt trong vòng 24 tháng tới đây.
Petro Trade là doanh nghiệp hàng đầu tại Lào, hoạt động chính trong lĩnh vực xăng dầu, xây dựng, thương mại, logistics; đồng thời là đối tác chiến lược của Chính phủ Lào trong việc đầu tư, phát triển và quản lý nhiều dự án hạ tầng, hậu cần quan trọng tại đất nước này, trong đó có đường sắt Vientiane - Vũng Áng.
Đặc biệt, tập đoàn mẹ của PetroTrade là Phongsavanh, tập đoàn kinh doanh hàng đầu tại Lào trong các lĩnh vực bao gồm tài chính - ngân hàng, xây dựng, dầu khí, hàng không, hậu cần và vận tải. Là thành viên của Tập đoàn Phongsavanh, PetroTrade được thành lập vào năm 2008 với số vốn đăng ký 28,8 tỷ kip Lào (LAK), tương đương 56,3 tỷ đồng. Nhà đầu tư chính của công ty lúc ấy là các công dân Lào.
Từ năm 2017, Chính phủ Lào đã phê duyệt dự án tuyến đường sắt Lào – Việt Nam (theo hình thức liên doanh tư nhân - nhà nước (PPP) để phát triển dự án Cảng biển Vũng Áng sau khi người anh em láng giềng tốt là Việt Nam cho phép Lào được cùng khai thác, sử dụng cảng biển tại Hà Tĩnh để kết nối ra biển.
Từ cuối tháng 3/2022, trước khi đại gia Trịnh Văn Quyết bị bắt thì tập đoàn FLC và Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án tuyến đường sắt Vientiane (Viêng Chăn) – Vũng Áng kết nối Lào - Việt Nam.
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, tập đoàn FLC và PetroTrade sẽ cùng hợp tác để tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng và phát triển Dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng, đoạn từ Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình).