Tình hình lạm phát tại Việt Nam là không lường được

HÀ NỘI (Sputnik) - Mặc dù GDP quý II tăng 7,72%, nhưng nội dung được quan tâm nhất sau khi Tổng cục Thống kê (GSO) công bố số liệu là lạm phát.
Sputnik
Theo VnExpress, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở gần 200% GDP, từng được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng lạm phát nặng nề. Tuy nhiên, trong thời điểm mà các nền kinh tế lớn khốn đốn, mức độ lạm phát của Việt Nam vẫn trong phạm vi "kế hoạch".
Theo thông tin của GSO, bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Mức tăng này không chỉ khác với các nền kinh tế phát triển, mà cũng khác với cảm nhận của người tiêu dùng, khi giá cả nhiều loại hàng hóa gần đây tăng không dưới hai chữ số.

CPI của Việt Nam được tính thế nào?

CPI của Việt Nam được tính toán dựa trên việc quan sát biến động giá của 750 mặt hàng đại diện, với hơn 4.000 điểm lấy giá tại 63 tỉnh thành. Lý do số tương đối tăng không cao chủ yếu do sự khác biệt về quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI, theo Tổng cục trưởng Thống kê.
Nếu lạm phát chỉ ở mức 2,44%, vậy tại sao người dân phải 'chật vật' thế?
Ví dụ, xăng dầu tăng giá ảnh hưởng rất lớn với lạm phát của các nước phát triển bởi chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa (8-10% tại Mỹ, còn châu Âu trên dưới 7%). Trong khi đó, tại Việt Nam, mặt hàng này chỉ chiếm gần 3,6%.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố làm tăng CPI cũng có những yếu tố giúp kiềm chế CPI trong 6 tháng đầu năm. Đó là giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trong đó giá thịt lợn giảm 20,1% đã giúp kiềm chế CPI. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua các địa phương đã miễn giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch nên đã làm cho giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56%.

Lạm phát đã tác động ngay từ con số tăng trưởng của quý II.

Mặc lạm phát, GDP quý II của Việt Nam tăng 7,72%, cao nhất 10 năm qua
Thực tế, GDP tăng cao là điều đã được dự báo bởi mức nền thấp sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, nếu bóc tách con số này, có thể thấy GDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp - xây dựng đều tăng thấp hơn.
Một trong những áp lực lên tăng trưởng của hai khu vực đầu tiên là chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II tăng gần 2,2% so với cùng kỳ. Với khu vực công nghiệp, mức tăng còn lớn hơn với 5,11%.
Nếu tính riêng biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, quý II tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất thập kỷ.
Bài toán bình ổn giá cả trong bối cảnh lạm phát leo thang
Trong rổ tính chỉ số CPI, nhóm giao thông trong riêng tháng 6 tăng hơn 21% và tính chung 6 tháng đã tăng hơn 17% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đà tăng giá xăng.

"Lạm phát trong giai đoạn hiện tại là không lường được và kịch bản ở mức dưới 4% trong năm nay rất khó khăn", người đứng đầu cơ quan thống kê cho biết.

Lo ngại về rủi ro lạm phát ở Việt Nam gần đây cũng được nhiều tổ chức quốc tế đề cập. IMF dự báo chỉ số này đạt 3,9% cuối năm nay, còn Standard Chartered Bank đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào 2023. Nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng khó giữ mục tiêu lạm phát 4%.
Thảo luận