Việt Nam là điểm tựa của Nga tại khu vực Đông Nam Á

Bình luận về chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư Vladimir Mazyrin đặc biệt lưu ý rằng trong cuộc đàm phán tại Hà Nội, Việt Nam đã khẳng định lập trường là điểm tựa của Nga tại khu vực Đông Nam Á.
Sputnik
Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Vladimir Mazyrin cho rằng, xét từ quan điểm lợi ích kinh tế Nga, đây là nội dung quan trọng nhất của chuyến thăm. Bởi vì Nga đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong điều kiện hiện nay - bù đắp cho sự giảm sút ngoại thương do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra và hiện thực hóa hy vọng của mình đối với các nước phương Đông.

Quan hệ đối tác kinh tế cần tương xứng với lĩnh vực chính trị

“Đáng tiếc là hiện nay, hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam còn thua kém hơn nhiều so với hợp tác trong lĩnh vực chính trị, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và lĩnh vực kỹ thuật-quân sự. Trong lĩnh vực kinh tế, chỉ có hợp tác trong lĩnh vực năng lượng là ở mức đủ cao. Trong quá trình đàm phán tại Hà Nội, các bên đã ghi nhận rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sự hợp tác này với Nga, các dự án năng lượng chung ở cả Việt Nam và ở Nga sẽ tiếp tục được thực hiện” - ông Vladimir Mazyrin lưu ý khi trả lời phỏng vấn Sputnik.

Giáo sư Mazyrin cũng nhắc đến ý kiến ​​của chuyên gia Việt Nam, người đã bình luận về chuyến thăm trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, rằng Việt Nam có thể cung cấp cho Nga các dịch vụ về đội tàu vận tải đường biển mà phần lớn Nga bị mất do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Ngoài ra còn có tiềm năng lớn trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa Hà Nội và Moskva, hiện nay đang có hai công ty của Nga thực hiện. Điều quan trọng nữa là Việt Nam không sợ bị trừng phạt. Tôi cho rằng ngay cả khi Hà Nội chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga, Mỹ sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt thứ cấp nào đối với họ, có chăng là chỉ khiển trách, cảnh cáo” - ông Vladimir Mazyrin nói.

Việt Nam khẳng định là “điểm tựa ổn định” của Nga ở khu vực Đông Nam Á

Việt Nam đồng và rúp Nga cần thay thế USD và euro

Chuyên gia Nga khẳng định, để duy trì và phát triển kim ngạch thương mại mà theo số liệu quý I năm nay đã giảm rất nhiều thì việc thanh toán song phương là vô cùng quan trọng.

“Nếu mở rộng thanh toán bằng đồng tiền quốc gia, tức là bằng đồng rúp Nga và đồng Việt Nam, thì đây là một giải pháp cho vấn đề. Bởi vì phần lớn các khoản thanh toán với nhau giữa Nga và Việt Nam được thực hiện thông qua các ngân hàng phương Tây. Rõ ràng là các kênh này đang bị chặn. Vì vậy, các khoản thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của Nga và Việt Nam là cách duy nhất để duy trì kim ngạch thương mại của chúng ta” - ông Vladimir Mazyrin nói tiếp.

Tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp

Theo chuyên gia Nga, nông sản có tầm quan trọng lớn đối với thương mại của cả hai nước.
Xoay trục sang hướng Đông cần phải trở thành đường hướng chiến lược của Nga
Trong những năm gần đây, nhờ có Khu vực thương mại tự do, Việt Nam đã tăng cường mua lúa mì, ngô và các sản phẩm từ bột mì của Nga.

“Nếu Việt Nam tiếp tục mua nông sản với số lượng ngày càng lớn thì đây sẽ là đóng góp đáng kể vào sự phát triển quan hệ kinh tế thương mại của chúng ta. Hơn nữa, Việt Nam cũng có thể đóng vai trò trung gian trong vấn đề này. Bởi vì do lệnh trừng phạt mà có những quốc gia mất đi cơ hội mua ngũ cốc trực tiếp từ Nga, họ vẫn có thể mua ngũ cốc của Nga tại Việt Nam. Dự án chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đang được triển khai tại Nga không hề mất đi tính thời sự cấp thiết. Đối với thị trường Nga, các sản phẩm như chè, cà phê, hạt tiêu đen và thủy sản của Việt Nam rất được quan tâm” - ông Vladimir Mazyrin nói.

Lời nói cần được củng cố bằng hành động

Đối với đất nước chúng tôi, các tuyên bố được phía Việt Nam đưa ra trong chuyến thăm rằng Nga là đối tác ưu tiên của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, Giáo sư Mazyrin lưu ý kết luận.

“Rất mong những lời này không chỉ nằm trên giấy mà phải được củng cố bằng những hành động thực tế. Và cũng rất muốn coi những tuyên bố này như tín hiệu cho thấy phía Việt Nam đang bắt đầu điều chỉnh lại cấu trúc quan hệ quốc tế hiện tại, sự điều chỉnh đã và đang diễn ra ở Nga. Đây là điều quan trọng nhất đối với quan hệ Nga-Việt. Tôi nghĩ rằng điều này cũng đã được thảo luận trong chuyến thăm” - ông Vladimir Mazyrin nhấn mạnh.

Thảo luận