Đảng viên ở Việt Nam sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Quy định 69 của Bộ Chính trị
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành quy định 69 ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Theo đó, quy định 69 do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký thay thế quy định số 7 ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý tổ chức đảng vi phạm và quy định số 102 ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định có 4 chương với 58 điều.
Tại Việt Nam, quy định 69 áp dụng với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, quy định 69 nêu rõ một hành vi vi phạm “chỉ bị kỷ luật một lần” và bằng “một hình thức kỷ luật”.
“Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật, nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất, không tách riêng từng hành vi để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau, kỷ luật nhiều lần”, Bộ Chính trị nêu rõ.
Sau 12 tháng từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật “đương nhiên chấm dứt hiệu lực”.
Bộ Chính trị cũng nêu rõ, kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Không điều động khi đang xem xét kỷ luật
Theo quy định, nguyên tắc đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định.
Đảng viên trong tổ chức đảng bị kỷ luật phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật của tổ chức đảng đó và phải ghi vào lý lịch đảng viên; đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định. Đảng viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến vi phạm của tổ chức đảng cũng phải ghi rõ vào lý lịch đảng viên.
“Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể”, quy định nêu.
Đặc biệt, trong thời gian đảng viên đang bị xem xét xử lý kỷ luật, không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đó.
Cạnh đó, quy định nêu đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo kết luận số 14 của Bộ Chính trị được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện.
“Nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”, Bộ Chính trị nhấn mạnh.
Quy định mới này của Bộ Chính trị cũng quy định rõ các hành vi vi phạm, tương ứng là các hình thức kỷ luật với tổ chức đảng, đảng viên.
Việt Nam định nghĩa thế nào về chống chạy chức chạy quyền?
Một trong những điểm mới khác là quy định kỷ luật với đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền.
“Chạy chức, chạy quyền là các hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất khác, dùng tình cảm nam nữ không trong sáng nhằm mua chuộc, tạo sự ủng hộ của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cho mình hoặc người khác”, quy định 69 của Bộ Chính trị lưu ý.
Theo quy định, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật khiển trách:
Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn.
Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật khiển trách…Trường hợp đã kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
Không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trái quy định.
Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
Thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ hoặc không kiến nghị, xem xét xử lý theo quy định đối với hành vi tiêu cực này.
Bao che, không xử lý, không giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Tặng, nhận quà biếu cho người có trách nhiệm hoặc người có liên quan quyết định đến việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.
Không tự giác nộp lại tiền sẽ tăng nặng mức kỷ luật?
Quy định 69 cũng có nhiều điểm mới so với các quy định cũ. Cụ thể, Việt Nam đã bỏ nội dung yêu cầu “đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu hình sự thì phải truy cứu hình sự, không 'xử lý nội bộ”. Cùng với đó, Quy định 69 ghi rõ đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng”, quy định nêu.
Nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tuỳ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng.
Quy định 69 cũng bổ sung nguyên tắc mới là nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường.
Ngoài ra, trong các tình tiết được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật, so với quy định cũ, quy định mới bổ sung thêm tình tiết “tự giác nộp tài sản tham nhũng” bên cạnh việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Trong khi đó, nếu không tự giác nộp lại tiền, tài sản do vi phạm mà có được bổ sung vào một trong các tình tiết tăng nặng mức kỷ luật của Quy định 69.
Quy định mới của Bộ Chính trị cũng bổ sung thêm tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng tình trạng dịch bệnh chưa có trong các quy định cũ trước đây.