Ông Phạm Nhật Vượng có biến động tài sản, Công an tìm kẻ tung tin về ‘cấm xuất cảnh’

Dư luận tại Việt Nam đang xôn xao trước tin tức liên quan “tỷ phú Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh”. Tuy nhiên, Bộ Công an đã lên tiếng phủ nhận tin đồn thất thiệt này và hiện đang truy tìm kẻ tung tin đồn 1 tỷ phú doanh nghiệp lớn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Sputnik
Mặc dù vậy, xu hướng tìm kiếm về Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, biến động tài sản, giá cổ phiếu của Vingroup (VIC) vẫn tăng lên trên Google.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động tài sản

Bảng xếp hạng thống kê tài sản người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện qua giá trị tài sản cổ phiếu nắm giữ chứng kiến những cuộc “soán ngôi” ngoạn mục, túi tiền của các tỷ phú cũng biến động đáng kể tuần qua.
Do những làn sóng trên thị trường chứng khoán, nhất là những đột biến khá bất thường ở nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC) tuần qua, nên chỉ trong thời gian ngắn, thứ hạng những người dẫn đầu sàn chứng khoán Việt Nam đã có sự thay đổi.
Cụ thể, chốt thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (8/7), giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng ở mức 156.519 tỷ đồng. Được biết, người giàu nhất Việt Nam đang sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu và gián tiếp 1,17 tỷ cổ phiếu VIC.
So với hồi đầu năm 2022, tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch HĐQT Vingroup đã giảm hơn 48.500 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường lúc kết phiên giao dịch nửa đầu năm (30/6/2022), ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người nắm giữ khối tài sản lớn nhất sàn chứng khoán Việt.
Không chỉ giữ vựng ngôi vị số một - là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch Vingroup còn tạo khoảng cách rất xa với các tỷ phú bám đuổi sau đó.
Có thể hiểu được sự biến động trong khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và những người giàu nhất Việt Nam. Hầu hết đều phụ thuộc vào sự thay đổi thị giá các loại cổ phiếu mà những đại gia Việt đang nắm giữ.
Chẳng hạn, theo thông tin được báo Dân Trí đăng tải cho thấy, cổ phiếu VIC của Vingroup đóng cửa phiên 8/7 tại mức giá 70.000 đồng, giảm đến 25.100 đồng tương ứng 26,39% so với đầu năm. Khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long giảm cũng là có lý do vì cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang có giá 22.450 đồng, giảm 12.650 đồng so với đầu năm, tương ứng giảm hơn 36%. Cổ phiếu MSN có giá 104.900 đồng, giảm 25,87% so với đầu năm. Cổ phiếu TCB cũng giảm 24,9% còn 37.550 đồng. Cổ phiếu NVL giảm 17.200 đồng, tương ứng 18,9% và đang có giá 73.800 đồng. Trong khi đó, cổ phiếu VJC của tỷ phú Phương Thảo chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ 0,39%, do đó, tài sản của bà chủ Vietjet không biến động quá mạnh.
Việt Nam thắt chặt quản lý tài sản công

Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Cuộc soán ngôi thú vị nhất nằm ở vị trí thứ 2 khi tỷ phú thép Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát (HPG) không còn giữ được đà tăng của khối tài sản.
Thực tế, tỷ phú Trần Đình Long hiện đang nắm giữ vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng với tổng giá trị tài sản là 33.966 tỷ đồng thông qua sở hữu hơn 1,5 tỷ đơn vị cổ phiếu HPG.
Tính chung, 6 tháng đầu năm, tỷ phú Trần Đình Long đã không còn giữ được vị trí thứ 2 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán khi tài sản của người có ảnh hưởng hàng đầu ngành thép Việt Nam giảm mạnh từ hơn 54.121 tỷ đồng xuống chỉ còn 33.814 tỷ đồng, tương đương mức giảm 38% nhất là vào những tháng vừa qua.
Người bất ngờ soán ngôi “á quân” của tỷ phú thép Trần Đình Long là ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Homes. Ông Tuấn hiện nắm giữ các cổ phiếu KLB, KSF, SCG, SSH, với khối tài sản của ông Tuấn được thống kê khoảng 34.523 tỷ đồng.
Tiếp đó là tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank. Ông Hồ Hùng Anh đang có khối tài sản vào khoảng 34.124 tỷ đồng và sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu TCB và gián tiếp sở hữu 300,9 triệu cổ phiếu MSN.
Đứng thứ 5 là “vua nước mắm” Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group với túi tiền khoảng 33.696 tỷ đồng tài sản cổ phiếu. Ông Quang hiện đang nắm trong tay 9,4 triệu cổ phiếu TCB và sở hữu gián tiếp 306,85 triệu cổ phiếu MSN (cặp bài trùng Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang).
Bất ngờ nhất chính là vị trí của nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam – Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet Air, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.
Bà Thảo có tài sản trên sàn chứng khoán vào khoảng 33.176 tỷ đồng thông qua nắm giữ 74,89 triệu cổ phiếu HDB và 240,9 triệu cổ phiếu VJC, tạm xếp thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Xếp thử 7 là Chủ tịch CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) Nguyễn Văn Đạt với khối tài sản vào khoảng 17.405 tỷ đồng.
Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đã từng gây bất ngờ khi vươn lên xếp vị trí thứ 2 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến những biến động tài sản lớn khi “túi tiền” của tỷ phú Bùi Thành Nhơn sụt giảm còn 12.611 tỷ đồng, chỉ đứng vị trí thứ 8.
Đáng chú ý, vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup, với khối tài sản vào khoảng 12.338 tỷ đồng (170 triệu cổ phiếu VIC) vẫn trụ trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Vũ Thị Hiền, vợ “vua thép” Trần Đình Long hiện đang nắm 426,57 triệu cổ phiếu HPG, giá trị tài sản xấp xỉ 9.555 tỷ đồng đứng thứ 10 bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại.

Tỷ phú Việt Nam theo xếp hạng của Forbes

Như Sputnik đã thông tin, theo công bố xếp hạng của Forbes, Việt Nam hiện có 7 tỷ phú USD.
Các tỷ phú Việt theo công bố của Forbes là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (5,4 tỷ USD – cập nhật realtime ngày 11/7 là 5,1 tỷ USD); Tổng Giám đốc VietJet Air, Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo (2,7 tỷ USD); ông Bùi Thành Nhơn (2,7 tỷ USD); ông Hồ Hùng Anh (1,9 tỷ USD); ông Trần Đình Long (1,9 tỷ USD); ông Nguyễn Đăng Quang (1,6 tỷ USD) và ông Trần Bá Dương cùng gia đình (1,5 tỷ USD).
Chốt ngày 30/6/2022, khối tài sản nhóm 10 người giàu nhất Việt Nam có giá trị vào khoảng 389.292 tỷ đồng, giảm 127.514 tỷ đồng so với đầu năm 2022, tương đương mức giảm 25%. Đặc biệt, giới chuyên gia đánh giá, đà giảm của những người giàu nhất Việt Nam lớn hơn mức giảm chung của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2022 này.

Công an truy tìm người tung tin đồn ‘một tỷ phú bị cấm xuất cảnh’

Như Sputnik đã thông tin, Bộ Công an Việt Nam đã chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin liên quan đến một tỷ phú bị cấm xuất cảnh (theo các tin đồn lan truyền trên mạng xã hội thì các tin tức đều hướng đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, người giàu nhất Việt Nam).
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin, có cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

“Bộ Công an khẳng định những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác”, - Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ.

Tướng Xô cũng khẳng định, hiện các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đang tiến hành xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cần có những biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp
Nỗ lực “thanh lọc thị trường chứng khoán” thông qua việc bắt giữ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, lãnh đạo Tân Hoàng Minh, Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân…của Việt Nam được đánh giá cao, tuy nhiên, rất nhiều kẻ xấu lợi dụng thời điểm nhạy cảm này để tung tin đồn thất thiệt về việc bắt giữ hay cấm xuất cảnh, xử lý nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong nước gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.
Bộ Công an đề nghị mọi người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt, đồng thời tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Thảo luận