Ngày 12/7, giá vàng miếng SJC tăng 50.000 đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào lên 67,65 triệu đồng/lượng, bán ra lên 68,25 triệu đồng/lượng. Tại Eximbank, giá mua lên 67,45 triệu đồng/lượng, bán ra lên 68,05 triệu đồng/lượng… trong khi đó giá vàng thế giới vẫn đang trong đà giảm liên tục.
Tình trạng này dẫn đến giá vàng miếng SJC cao hơn 19,4 triệu đồng/lượng so giá vàng thế giới tính đến phiên hôm qua. Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước công bố đã xây dựng phương án trong trường hợp cần thiết sẽ dùng ngoại tệ nhập khẩu vàng để can thiệp vào thị trường. Thế nhưng, đến nay giải pháp này chưa được triển khai nên vẫn không thể ghìm cương giá vàng SJC.
Ở một số nước có giá vàng cao hơn thế giới cũng lên khoảng 5 USD/ounce. Còn tại Việt Nam, vàng SJC đắt hơn thế giới hơn 19 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa người mua vàng phải bỏ ra số tiền nhiều hơn tương ứng 38,5%. Không những vậy, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng ở nước ngoài cũng khoảng 0,5 - 1 USD/ounce, còn ở Việt Nam lên 600.000 - 700.000 đồng/lượng (tương ứng khoảng 25 USD/ounce).
Điều này khiến người mua vàng đã phải chịu rủi ro cao về giá, và mức thiệt hại lớn do phải mua vàng trong nước với giá cao hơn nhiều so với thế giới.
Trao đổi với Thanh Niên về tình trạng này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng giá vàng trong nước được quyết định do cung cầu của thị trường. Lực bán vàng SJC của người dân không đủ lớn, thì cũng không thể kéo mức chênh lệch trong và ngoài nước xuống thấp.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, tình trạng này không hẳn là không có giải pháp.
Để có thể rút ngắn mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước xuống thấp hơn, nhà nước nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Bởi vì tính độc quyền nên mới có mức giá cao như vậy.
“Hiện nay mục tiêu chống “vàng hóa” đã đạt được, người dân đã không còn dùng vàng trong các hoạt động thanh toán, gửi tiết kiệm vàng như trước. Riêng việc bình ổn thị trường thì vẫn chưa thể đạt được khi giá trong nước cao hơn thế giới hơn 38%. Nếu bỏ độc quyền, để thị trường tự vận hành dưới sự quản lý của nhà nước thì giá sẽ không cao đến như vậy”, ông Thịnh chia sẻ.