Công nhận 2 nước cộng hòa DNR và LNR, Triều Tiên không mất gì và sẽ không mất gì
“Những động thái này cho thấy ngay từ khi Nga khởi động Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina để bảo vệ an ninh cho người Nga, người gốc Nga tại Donbass và bảo đảm an ninh cho chính mình, Triều Tiên đã ủng hộ lập trường của Nga và đứng về phía Nga. Vì vậy, việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Nga và Syria) công nhận hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk là bước đi tiếp theo thể hiện lập trường nhất quán của họ” – Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Bình Nhưỡng đã hành động như đã từng hành động với vai trò là đối thủ ý thức hệ của Hoa Kỳ. Trong khi đó, LB Nga là một trong số rất ít đối tác mà Triều Tiên duy trì các mối quan hệ chính trị và kinh tế. Hơn nữa, công nhận 2 nước cộng hòa DNR và LNR, Triều Tiên trên thực tế không mất gì và sẽ không mất gì. Đất nước này bao nhiêu năm đã sống trong điều kiện bị cấm vận quốc tế rất ngặt nghèo rồi”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
“Triều Tiên thực sự rất muốn có hợp tác quốc tế, để giải quyết những khó khăn liên quan đến nền kinh tế, như vấn đề xăng dầu và lương thực, nhưng vẫn vững vàng trước chính sách của phương Tây, vẫn độc lập, tự cường được. Tôi cho rằng, việc công nhận 2 nước cộng hòa vùng Donbass mở ra con đường cho hợp tác quốc tế mà Triều Tiên đang rất cần”, - TS Hoàng Giang nhấn mạnh với Sputnik.
Việc công nhận 2 nước cộng hòa vùng Donbass mở ra cho Triều Tiên những cơ hội cho hợp tác quốc tế
“Trước hết, việc Triều Tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk có tác dụng hỗ trợ cho Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina về chính trị cũng như hỗ trợ cho các đòi hỏi của Nga về bảo đảm an ninh của mình. Mặc dù sự hỗ trợ đó là không lớn nhưng nó cũng chứng tỏ rằng nước Nga không thể bị cô lập trong vòng vây cấm vận của Mỹ và phương Tây”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Bình Nhưỡng có tham khảo ý kiến của Bắc Kinh hay không?
“Nói gì thì nói, nhưng xét về pháp lý thì với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, Triều Tiên có toàn quyền quyết định việc công nhận hay không công nhận các quốc gia, các thực thể chính trị trên thế giới. Tham khảo vẫn chỉ là tham khảo”, - chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.