Quan chức cấp cao TP.HCM đi Mỹ làm gì?

Đoàn Đại biểu cấp cao thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm những quan chức chủ chốt hàng đầu như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đang có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ đến tận ngày 25/7.
Sputnik
Lãnh đạo TP.HCM muốn mời gọi các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ rót vốn vào lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, những dự án chất lượng liên quan đến chuyển đổi số để góp phần phát triển thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn hàng đầu của Việt Nam.

Chủ tịch Phan Văn Mãi và Đoàn Đại biểu cấp cao TP.HCM đi Mỹ

Chuyến đi Mỹ đáng chú ý của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi. Theo đó, chiều tối ngày 19/7, thông tin từ cổng thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM “đã bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ”.
Cụ thể, theo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/7 theo giờ Washington, đoàn đại biểu TP.HCM do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ.

“Theo chương trình, thời gian làm việc của đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM sẽ kéo dài đến ngày 25/7 với nhiều hoạt động, trong đó có các cuộc gặp gỡ các tổ chức kinh tế, tài chính, cộng đồng doanh nghiệp, trí thức trẻ…”, - Thành ủy Thành phố thông tin.

Bất chấp mọi khác biệt, lưỡng đảng Hoa Kỳ luôn ủng hộ quan hệ với Việt Nam
Đây là động thái rất đáng chú ý. Trước đó, từ hôm 12/7, phát biểu tại lễ mừng Quốc khánh Hoa Kỳ tổ chức ở TP.HCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đã thông báo sơ bộ rằng Chủ tịch Phan Văn Mãi sẽ có chuyến công tác 1 tuần tại Mỹ - thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ của thành phố đối mang tên Bác với Hoa Kỳ.

“Chuyến thăm này góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và Hoa Kỳ nói riêng cũng như Việt Nam - Mỹ nói chung”, - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Ông Hoan cũng đề cập về việc TP.HCM hiện là nơi diễn ra các hoạt động nổi bật trong hợp tác song phương về lĩnh vực giáo dục, công nghệ cao, đô thị thông minh.
“TP.HCM tiếp tục quan tâm, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mỹ, đang đầu tư tại thành phố”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan khẳng định.

Bank of America sẽ có mặt tại TP.HCM

Theo Thành ủy TP.HCM, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ lần này, Đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố đã đến thăm, làm việc với Ngân hàng Mỹ (Bank of America-BofA).
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ông rất ấn tượng với sự phát triển của Ngân hàng Mỹ, đồng thời thẳng thắn đề cập rằng, một trong những nhiệm vụ của đoàn trong chuyến công tác lần này là mời Ngân hàng Mỹ đến “hiện diện, góp phần trong sự phát triển của TP.HCM”.
Trao đổi với lãnh đạo BofA, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ một số điểm thuận lợi của TP.HCM với các nhà đầu tư, như sự ổn định về chính trị, ổn định về kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn như GDP của TP.HCM chiếm 1/4 GDP của quốc gia, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Hiện TP.HCM đang định hướng và triển khai xây dựng thành trung tâm tài chính quốc tế.

“Do đó, TP.HCM mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Ngân hàng Mỹ để có những bước đi hợp lý trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế”, - ông Mãi nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, TP.HCM cũng mong muốn mời gọi các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư của Mỹ, New York đến đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, công nghiệp công nghệ cao, các dự án liên quan đến chuyển đổi số… tại TP.HCM.
Lễ kỷ niệm 246 năm Quốc khánh Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đáp lại đề xuất của quan chức cấp cao thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Ngân hàng Hoa Kỳ, ông Madhu Kannan, Phó Chủ tịch điều hành ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư toàn cầu, cho biết BofA cũng mong muốn có thêm nhiều buổi làm việc chuyên sâu hơn để tập trung vào những vấn đề mà TP.HCM đang quan tâm. Ông Kannan thông tin rằng, BofA đang nộp hồ sơ để mở chi nhánh tại Việt Nam, đặt tại TP.HCM, vốn đầu tư dự kiến 150 triệu USD.

“Ngân hàng Mỹ mong muốn lãnh đạo TP.HCM sẽ hỗ trợ để BofA tại TP.HCM sớm được triển khai và đi vào hoạt động”, - ông Kannan nhấn mạnh.

Trước thông tin Bank of America sẽ chính thức có chi nhánh ở TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi rất vui mừng và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy cho việc thành lập chi nhánh BofA tại TP.HCM. Ông Mãi cũng mong muốn lãnh đạo BofA sẽ đến thăm TP.HCM để có thể trao đổi thêm nhiều nội dung liên quan đến sự phát triển của hai bên thời gian tới. Bank of America hiện là tổ chức ngân hàng lớn thứ 2 tại Mỹ được thành lập năm 1904, là một trong những công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới.

Doanh nghiệp Mỹ có thể tham gia nhiều dự án lớn của TP.HCM

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có các cuộc làm việc với những đơn vị liên quan đến việc xây dựng Trung tâm tài chính và khu đô thị sáng tạo cho TP.HCM.
Cụ thể, Đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố đã làm việc với Công ty tư vấn McKinsey & Company, nơi cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý và chiến lược cho các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức. Trong cuộc gặp, lãnh đạo hai bên đã trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng các cơ chế, chính sách, khung pháp lý, hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến việc xây dựng và quản lý trung tâm tài chính.
Ở đây, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh muốn tập trung vào kinh nghiệm về cách thức quản lý và vận hành trung tâm tài chính New York, việc kết hợp trung tâm tài chính truyền thống với mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ, hệ sinh thái Fintech.
Chủ tịch Phan Văn Mãi và Đoàn Đại biểu cấp cao TP.HCM cũng đã có buổi làm việc với Công ty Sasaki Associates Inc., doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thiết kế quy hoạch kiến trúc hoạt động tại Mỹ. Tại cuộc làm việc, phía Sasaki Associates cũng đã chia sẻ ý tưởng thiết kế một số dự án của TP.HCM như dự án cảng Sài Gòn, TP Thủ Đức, phù hợp với xu hướng của thế giới.
Chính phủ Việt Nam gửi điện mừng nhân dịp Quốc khánh Hoa Kỳ
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao ý tưởng và cách tiếp cận, cách giải quyết vấn đề của Sasaki khi thiết kế các công trình luôn đặt người dân làm trung tâm. Ông Mãi mong muốn đơn vị sẽ phối hợp cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM thực hiện quy hoạch chung của TP.Thủ Đức.

Mục tiêu đặt ra là phải có sự hài hoà chung của các đồ án trên địa bàn TP Thủ Đức cũng như hài hoà chung với quy hoạch TP.HCM”, - ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng mong muốn Sasaki chia sẻ ý tưởng để TP.HCM có thể khai thác và phát huy bờ sông Sài Gòn, cũng như nghiên cứu khai thác các quỹ đất ven các tuyến giao thông quan trọng như đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4... Cũng nhân dịp này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM và Công ty Sasaki đã ký kết “Ý định thư” hợp tác nhằm trao đổi kinh nghiệm về thiết kế cập nhật các xu hướng, phương pháp, công nghệ mới về phát triển đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế công trình công cộng.

TP.HCM muốn doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào hệ thống metro?

Theo Thành ủy TP.HCM, tiếp tục chương trình làm việc tại Hoa Kỳ, Đoàn cũng có buổi làm việc với Quỹ đầu tư KKR.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã từng gặp và làm việc với lãnh đạo Quỹ đầu tư này hồi tháng 5 năm nay. Theo đó, KKR là công ty đầu tư toàn cầu của Mỹ, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, có 33 văn phòng trên toàn cầu, đã hoàn thành hơn 280 khoản đầu tư vào các công ty với tổng giá trị 545 tỷ USD, tổng tài sản công ty khoảng 470 tỷ USD.
Được biết, tính đến nay, với hơn 10 năm bước chân vào đất nước Đông Nam Á này, KKR đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào 3 công ty của Việt Nam. Tại cuộc gặp, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giới thiệu 3 dự án và mong muốn quỹ tham gia đầu tư trên lĩnh vực giao thông. Cụ thể, đó là hệ thống metro; mạng lưới đường sắt kết nối Vùng TP.HCM và đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Lễ kỷ niệm 246 năm Quốc khánh Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh

“Các dự án này không chỉ phát triển TPHCM mà còn có ý nghĩa phát triển cho cả khu vực”, - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đáp lại, đại diện Quỹ đầu tư KKR mong muốn sớm được TP.HCM giới thiệu những đối tác địa phương có thể tham gia cùng Quỹ để triển khai những dự án mà TP.HCM đang quan tâm. Lãnh đạo KKR cho biết “sẽ sớm đến thăm TP.HCM” và cùng trao đổi, thảo luận sâu hơn về những nội dung hợp tác này.
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu TP.HCM do Chủ tịch Phan Văn Mãi dẫn đầu cũng đã đến thăm Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Thay mặt đoàn, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đánh giá cao sự đóng góp và những thành tựu của ngành ngoại giao trong suốt thời gian qua. Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng trân trọng và chia sẻ những khó khăn thách thức của phái đoàn Ngoại giao, đồng thời khẳng định TP.HCM sẽ là “hậu phương” cho các hoạt động của phái đoàn.
Ông Phan Văn Mãi cũng mong phái đoàn sẽ hỗ trợ TP.HCM kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Thảo luận