Nguyên nhân giá xăng giảm sốc về 25.000 đồng/lít, Quỹ bình ổn giá bị ví như ‘ruột thừa’

Chiều 21/7, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ. Sau đợt điều chỉnh này, hàng loạt mặt hàng xăng dầu đã giảm mạnh, từ hơn 1.000 đồng đến hơn 3.600 đồng/lít.
Sputnik
Theo đó, giá xăng E5 giảm còn 25.073 đồng/lít, A95 còn 26.070 đồng/lít, dầu diesel còn 24.858 đồng/lít, dầu hỏa còn 25.246 đồng/lít và dầu mazut còn 16.548 đồng/kg.

Giá xăng hôm nay giảm mạnh

Đây là mức giá sau khi đã thực hiện trích lập vào quỹ bình ổn xăng dầu với mức 950 đồng/lít/kg với các loại xăng và dầu mazut; 550 đồng/lít với dầu diesel và 700 đồng với dầu hỏa.
Như vậy, việc điều chỉnh giá này đã đưa giá xăng về lại mức giá của 5 tháng trước đây.
Đặc biệt, tính đến 15h00 ngày 21/7, Quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex đã dương 53,3 tỷ đồng. Ở lần điều chỉnh giá trước đó ngày 11/7, quỹ bị âm đến 140 tỷ đồng. Như vậy, sau nhiều tháng âm liên tiếp, quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex đã dương trở lại.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao giá xăng dầu lại giảm mạnh trong ba kỳ điều hành gần đây, dù vẫn phải trích lập vào quỹ bình ổn xăng dầu?
Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc giá xăng dầu thế giới lao dốc.
Giá xăng trong nước sẽ về 26.000 đồng/lít?
Đầu kỳ, những lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cùng với việc thị trường hàng hóa New York giảm mạnh lãi suất mở trong hợp đồng tương lai… đã khiến giá xăng dầu giảm.
Sau đó, lo ngại về nguồn cung lại bị đẩy lên khi Mỹ và phương Tây tiếp tục thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Nga và việc Arab Saudi thông tin đến Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc thiếu công suất lọc dầu nên giá xăng dầu lại có xu hướng tăng.
"Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm", cơ quan quản lý nhận định.
Bộ Công Thương cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá ngày 11/7 và ngày 21/7 là 112,003 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 (giảm 16,704 USD/thùng); 116,243 USD/thùng xăng RON95 (giảm 20,287 USD/thùng).
Đồng thời, các mặt hàng dầu cũng ghi nhận đà giảm giá. Cụ thể, dầu hỏa còn 134,261 USD/thùng (giảm 6,597 USD/thùng); 135,510 USD/thùng dầu diesel (giảm 11,195 USD/thùng); 487,733 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 46,017 USD/tấn).
Việc giá xăng dầu thế giới giảm cộng với việc Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức thấp nhất, áp dụng từ 0 giờ ngày 11/7 đã giúp giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong hai kỳ điều hành gần đây.

Âm Quỹ bình ổn xăng dầu

Liên bộ Tài chính - Công Thương cho biết, trong các kỳ điều hành vừa qua, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít.
Điều này đã khiến số dư quỹ bình ổn hiện ở mức thấp, một số doanh nghiệp thậm chí còn âm. Tuy vậy, cơ quan quản lý vẫn quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
Việc này là nhằm góp phần kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng để khuyến khích bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

“Ruột thừa, răng khôn”

Thời gian qua, cả Hiệp hội Xăng dầu lẫn các chuyên gia đều kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đã đến lúc bỏ Quỹ BOG để hoạt động theo cơ chế thị trường. Quan trọng là phải bảo đảm tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Từ bao giờ 'quà tặng' cho lãnh đạo trị giá hàng tỉ đồng?
Đối với vấn đề này, Thanh Niên dẫn ý kiến của PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết, mục tiêu của quỹ, như tên của chính nó là “bình ổn”, hay làm giảm sự truyền tải biến động của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ.

“Thế nhưng, trong thời gian qua, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ với xăng dầu là khá nhỏ. Có nghĩa là chức năng “bình ổn” giá khá mờ nhạt. Càng duy trì, càng âm và phải bù miệt mài khi nền kinh tế cần có tác động lớn để giảm lạm phát bởi giá xăng tăng”, chuyên gia nói thẳng.

Bên cạnh đó, chuyên gia chỉ rõ, trong hơn 2 năm qua, trung bình xăng E5 RON92 nhận được khoảng 781 đồng/lít từ quỹ; xăng RON95 nhận được 106 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel phải trích nộp khoảng 132 đồng/lít; dầu hỏa phải trích nộp 113 đồng/lít; dầu mazut phải trích nộp khoảng 25 đồng/lít cho quỹ.
Điều này có nghĩa là Quỹ Bình ổn xăng dầu đang tái phân phối, hay “bốc tiền” từ túi người lái xe tải, xe khách, lái máy cày, máy tuốt lúa, tàu thủy... sang túi của người đi bốn chỗ, mui trần, Mercedes, BMW, Lexus…
“Quỹ bình ổn xăng dầu, cũng như ma trận các quỹ khác, nên được dẹp bỏ, để giải phóng nguồn lực cho xã hội”, PGS.TS Phạm Thế Anh thẳng thắn.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách, nếu nhìn vào giai đoạn giá dầu thấp, ít biến động, khoảng cách giữa giá dầu diesel và xăng là đáng kể.
Tuy nhiên, vào giai đoạn quỹ bị bóp nghẹt, biến động giá đầu vào liên tục theo hướng tăng cao, thì chênh lệch giữa giá dầu và giá xăng thu hẹp đáng kể.
Ông Việt thậm chí còn so sánh “quỹ này cũng như ruột thừa hay răng khôn”, có thể ban đầu nó có vai trò nhất định, nhưng đến lúc nào nó bị bỏ lại, hay nói đúng hơn là một bộ phận “thừa thãi” trong cơ thể đã phát triển mà nhiều khi để nó tồn tại, lại gây đại họa cho sức khỏe con người.
“Nên cắt bỏ đi, chần chờ gì nữa!”, chuyên gia nêu quan điểm.
TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, các cơ chế can thiệp vào sự vận hành bình thường và tự do của bất kỳ một thị trường hàng hóa nào cũng nên cân nhắc sự phù hợp, hiệu quả khi môi trường kinh tế và thể chế đã thay đổi, trong đó có cả những ràng buộc quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Chuyên gia lưu ý nếu không cẩn thận lại tạo nguy cơ trục lợi chính sách của nhóm lợi ích - bao gồm cả cơ chế xác định giá lẫn quỹ bình ổn.
Thảo luận