Thứ Trung Quốc cần đâu chỉ là cá
Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương thành lập năm 1971. Ngày nay Diễn đàn bao gồm 17 quốc gia. Ngoại trừ Australia và New Zealand, còn lại là những quốc đảo nhỏ nhưng tổng diện tích chung về lãnh thổ chiếm tới 30 triệu km vuông. Liên Hợp Quốc xếp phần lớn các nước này vào danh sách kém phát triển nhất thế giới, mặc dù các đảo khá phong phú trữ lượng khoáng sản quan trọng, kể cả hydrocacbon. Nhưng biểu hiện giàu có đầu tiên của khu vực là cá và những loại hải sản khác. Hôm nay vùng biển sở hữu ½ trữ lượng cá ngừ toàn thế giới.
Là nước ráo riết tăng cường hoạt tính của mình ở Nam Thái Bình Dương trong những năm gần đây, Trung Quốc không chỉ quan tâm đến cá tôm bản địa, mặc dù cũng cần các món hải sản đó do nguồn dự trữ ở các vùng biển ven biển của CHND Trung Hoa đang cạn kiệt trông thấy. Thái Bình Dương là phần trọng yếu nhất trong các tuyến đường của Sáng kiến «Một vành đai, một con đường» («Nhất đới, nhất lộ»). Và để đảm bảo hoạt động bền vững của chuỗi thương mại-vận tải, Bắc Kinh chú ý phát triển quan hệ với các quốc đảo ở phần Nam Thái Bình Dương. Hồi tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến công du tới các nước trong khu vực và «bỏ túi» kết quả ký kết hơn 50 thỏa thuận hợp tác. Nhưng âm hưởng vang dội nhất trong khu vực và trên thế giới lại là một thỏa thuận hồi tháng 4, ký với chính quyền quần đảo Solomon, theo đó tàu chiến Trung Quốc được phép tiến vào các hải cảng của quốc đảo này. Ngoài ra, trong những năm gần đây chiêu thức ngoại giao của Trung Quốc còn đạt thành công cắt đứt quan hệ bang giao giữa một số quốc đảo với Đài Loan.
Trong cái nhìn của Washington, tất cả những động thái và kết quả này đều là cố gắng bành trướng của Bắc Kinh để mở rộng hiện diện của Trung Quốc ở Châu Đại Dương, nơi dường như là hiện thân mối đe dọa với vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực. Washington và Canberra thậm chí còn ngờ rằng Bắc Kinh sẽ thiết lập căn cứ hải quân trên tất cả các hòn đảo ở Thái Bình Dương. Nhưng hiện tại họ chưa có bằng cứ xác thực nào để chứng minh nghi vấn đó.
Hoa Kỳ đang trở lại Châu Đại Dương
Phát biểu qua liên kết video tại Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia thuộc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thừa nhận rằng trong những năm gần đây ngành ngoại giao Mỹ đã không mấy quan tâm đến liên hệ với các đảo ở phần Nam Thái Bình Dương. Và để phô trương cách tiếp cận mới của Nhà Trắng, bà tuyên bố rằng Hoa Kỳ mở Đại sứ quán của mình ở Tonga và Kiribati, bổ nhiệm các đại diện chính thức của Hoa Kỳ thuộc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, gửi tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình đến các nước này. Phó Tổng thống cũng thông báo rằng Hoa Kỳ đang trở lại tham gia hiệp định về cá ngừ Nam Thái Bình Dương, mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2016 theo quyết định của Tổng thống Obama đương thời. Giờ đây, Hoa Kỳ sẽ một lần nữa có thể đánh bắt cá ngừ trên cơ sở hợp pháp ở vùng nước ven biển các quốc đảo và trả tiền cho họ về quyền này.
Tuy nhiên, bà Kamala Harris không một lời nào nhắc đến liên minh được thành lập chưa lâu – hồi cuối tháng 6 – của Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Anh, có tên gọi là «Các đối tác ở Thái Bình Dương Xanh» (Partners in the Blue Pacific - PBP). Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, xét theo thành phần của nó, nội dung mà liên minh này sẽ giải quyết trước hết là các nhiệm vụ quân sự-chính trị. Báo chí Trung Quốc gọi cơ chế này là «đồ giả trống rỗng». Ngay từ những «lời qua tiếng lại» tranh cãi nhỏ này cũng thấy rằng Nam Thái Bình Dương đang trở thành một điểm xung đột lợi ích nữa của Washington và Bắc Kinh.
Phần thắng sẽ về tay ai?
Hiển hiện rõ cuộc cạnh tranh đấu giành trái tim và khối óc của cư dân trên các đảo Thái Bình Dương. Cả Washington và Bắc Kinh đều không tiếc lời hứa hẹn giúp đỡ các nước trong khu vực. «Các đối tác ở Thái Bình Dương Xanh» cam kết hỗ trợ 2,1 tỷ USD cho khu vực. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ 500 triệu USD dành riêng cho Cơ quan Nghề cá của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Còn Trung Quốc đã kịp phân bổ 2 triệu USD cho các đảo để đấu tranh chống đại dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2021, đầu tư của Trung Quốc vào nền kinh tế các quốc đảo Thái Bình Dương đã lên tới 2,72 tỷ USD.
Ban lãnh đạo các quốc đảo hân hoan cảm ơn Washington và Bắc Kinh. Nhưng họ muốn nhiều hơn thế. Hiện tại, vấn đề chính của các quần đảo Thái Bình Dương là sự sống còn của vùng biển này trong điều kiện biến đổi khí hậu. Viễn cảnh các quốc gia này biến mất khỏi bề mặt trái đất dường như sẽ là hiện thực nếu mực nước đại dương thế giới tiếp tục dâng cao, trong trường hợp đó, nhiều vùng đảo sẽ chìm nghỉm dưới nước. Có thể nâng địa bàn sinh sống của cư dân các quốc gia này lên trên mực nước biển, nhưng đòi hỏi tốn chi phí khủng mà tất nhiên quá xa vời với khả năng của cư dân sở tại.
Liệu Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước «nhà giàu» khác có sẵn lòng hchi tiền cứu dân đảo vùng Nam Thái Bình Dương? Bởi đối với bất kỳ quốc gia nào thì nguyện vọng sống sót sau thảm họa sinh thái là yêu cầu khẩn thiết quan trọng hơn là món cá ngừ và vaccine ngừa coronavirus.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.