Mặc dù Bộ Y tế chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và ngưỡng EO tại Việt Nam, nhưng mỗi bộ ngành xây dựng cho nhóm sản phẩm riêng. Với mì gói và các sản phẩm mì, miến, phở (thực phẩm khô) thuộc Bộ Công thương quản lý nên sẽ xây dựng tiêu chí ngưỡng EO với các sản phẩm này.
Trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai lấy mẫu diện rộng với các sản phẩm mì ăn liền trên thị trường nội địa, đặc biệt với các sản phẩm có sử dụng gói gia vị, nhằm đánh giá hiện trạng của sự có mặt của EO, từ đó làm cơ sở xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết EO là chất không dùng trong thực phẩm bởi đây không phải là chất phụ gia. Các nhà sản xuất thường sử dụng chất EO trong khử trùng sản phẩm.
Theo ông Thịnh, chất EO là chất độc và có ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên đến nay các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng EO bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng theo các nhà y học, nếu chất EO tích lũy dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ...) sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận...
"Nhìn chung, mọi chất độc khi vào cơ thể đều ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức độ nào đó. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới có quy định khá chặt chẽ về chất EO trong sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nước mức cho phép rất thấp, nhiều nước lại không cấm", TS Thịnh thông tin.
Về việc Việt Nam chưa có quy định kiểm soát chất EO, TS Thịnh cho rằng Việt Nam cũng nên nghiên cứu để đưa ra những kiểm soát nhất định.
PSG.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cũng cho rằng với các loại chất độc, chất có ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên có quy định về kiểm soát định lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.