Xăng dầu là 'thủ phạm' làm tăng CPI

HÀ NỘI (Sputnik) - Việc giá xăng dầu trong nước tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm.
Sputnik
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,4% so với tháng Sáu đồng thời tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và so với cùng kỳ năm trước CPI đã tăng 3,14%. Như vậy, bình quân 7 tháng của năm, CPI đã tăng 2,54% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
Trong đó, đa số nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Đơn cử, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7 này tăng 1,37% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Trong đó lương thực tăng 0,31%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm. Thực phẩm tăng 1,6%, tác động tăng 0,34 điểm phần trăm. Ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%, tác động tăng 0,11 điểm phần trăm.
Tương tự, đối với nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, CPI tháng 7 này tăng 0,49% so với tháng trước do giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, vật liệu bảo dưỡng nhà, dịch vụ sửa chữa đều tăng.
Tình hình lạm phát tại Việt Nam là không lường được
Đáng chú ý, các chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 giảm 2,85% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/7, 11/7 và 21/7 làm cho giá xăng giảm 8,68% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 4,03%.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 7 tháng năm nay là do trong những tháng này, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.280 đồng/lít. Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 7 tháng năm nay tăng 23,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.
Mặt khác, sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng của người dân tăng cào, điều này khiến giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 7 tháng tăng 3,81% so với cùng kỳ đồng thời làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.
Trên thị trường xây dựng, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở từ đầu năm đã tăng 7,84% so với cùng kỳ, bà Oanh cho rằng chủ yếu đến từ việc giá ximăng, sắt, thép, cát… tiếp tục ‘leo thang” và tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm
Nếu lạm phát chỉ ở mức 2,44%, vậy tại sao người dân phải 'chật vật' thế?
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 7 tháng đầu năm 2022 tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Bên cạnh những yếu tố tác động làm tăng CPI, một số mặt hàng dịch vụ đã có sự điều tiết giảm, nhờ đó kiềm chế một phần đà tăng lạm phát.
Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm tính chung trong 7 tháng đã giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước và làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 18,9%, giá thịt chế biến giảm 3,36%.
Hơn nữa, chỉ số giá dịch vụ giáo dục đã giảm 3,42%, khi một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.
Trên cơ sở đó, lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng đã tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%). Theo bà Oanh, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Thảo luận