Nửa đêm sẽ hết thời hạn cuối cùng để Nhà Trắng có thể phải ra trước Tòa án Thương mại Quốc tế (Court of International Trade) trong vai trò bị cáo. Nếu vụ việc tiếp diễn đến tận «vành móng ngựa» và chính quyền Biden thua kiện, Washington sẽ phải bồi thường thiệt hại khoảng 80 tỷ USD cho các nhà nhập khẩu.
Vụ kiện tập thể chống Trump
Tháng 9 năm 2020, các nhà nhập khẩu Mỹ đã đệ đơn kiện tập thể chống lại quyết định của Trump về việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá 350 tỷ USD. Các nguyên đơn cho rằng mức thuế này đưa ra một cách vội vàng, hoàn toàn không có cơ sở kinh tế và chính yếu nhất là gây hại cho các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng Mỹ. Có xác nhận rằng thuế quan sẽ không dẫn đến việc tái định hướng chuỗi cung ứng của thế giới. Trong chừng mực không có sản phẩm thay thế cho hàng hoá Trung Quốc, nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ vẫn tăng, nhưng chi phí bổ sung do thuế quan gây ra sẽ dồn lên vai người tiêu dùng.
Một phần số liệu thống kê kinh tế khẳng định lập luận của các nhà nhập khẩu. Năm 2017, ngay trước khi bắt đầu cuộc thương chiến, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc là 375 tỷ USD. Năm 2021, chỉ số này đã là 396,5 tỷ USD. Quả thật rất khó tính toán chính xác mức tăng nhập khẩu từ Trung Quốc, vì số liệu thống kê về tiền tệ cũng phản ánh quá trình lạm phát. Lạm phát ở Hoa Kỳ đang phá vỡ kỷ lục bốn chục năm trước và trở thành vấn đề chính trị và xã hội trong nước nổi cộm gây đau đầu cho ban lãnh đạo Hoa Kỳ. Nhân tiện cần nói thêm, do lạm phát, không chỉ các nhà nhập khẩu mà cả một số thành viên trong khối kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Bộ trưởng Tài chính-Ngân khố Janet Yellen, cũng đang kêu gọi bãi bỏ ít nhất một phần mức thuế để hãm phanh tăng giá.
Tuy nhiên, bà Yellen có các đối thủ trong phe «diều hâu» chống Trung Quốc trong Thượng viện và một số quan chức nữa. Người ủng hộ chế độ thuế quan hăng hái hơn cả là đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Chi Tai, cho rằng thuế quan là đòn bẩy cần thiết đối với Trung Quốc. Theo quan điểm của bà này, nếu huỷ bỏ mức thuế quan đó, Washington sẽ không thể buộc Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ mà Bắc Kinh cam kết.
Tổng thống Hoa Kỳ có thể và nên đứng ra phân xử cuộc tranh cãi này. Tuy nhiên, ông Joe Biden lại chọn cách chờ xem. Mặc dù có nhiều tín hiệu cho thấy Nhà Trắng dường như đang tính toán loại bỏ ít nhất một phần thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có quyết định nào được thông qua. Biden đang cố gắng giữ vị thế nước đôi «cùng lúc ngồi trên hai chiếc ghế», mong vừa lòng tất cả các nhóm lợi ích. Thế nhưng những lợi ích này mâu thuẫn với nhau đến mức cuối cùng không thể tìm ra thỏa hiệp, - chuyên gia Mai Tân Vũ từ Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại CHND Trung Hoa nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Bây giờ thực sự vụ việc có thể dẫn đến vành móng ngựa
Và trong trường hợp này, Biden sẽ phải nỗ lực để chứng tỏ rằng thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc phản ánh lợi ích của Hoa Kỳ ra sao. Bởi tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng tăng, mục tiêu ban đầu của Trump thế là đã không đạt được. Theo đánh giá của Viện Kinh tế Quốc tế Pitterson, Trung Quốc đã thực hiện thỏa thuận thương mại của «giai đoạn đầu» ở mức nhỉnh hơn 60%. Mặt khác, Trung Quốc có những biện minh nặng ký: làm thế nào để có thể thực hiện thỏa thuận trong điều kiện bất khả kháng như đại dịch COVID-19 toàn cầu và gắn với nó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan, biến động giá nhiên liệu năng lượng, v.v… Trong mọi trường hợp, rõ ràng thuế quan đã không trở thành một vũ khí lợi hại trong tay Hoa Kỳ, như Donald Trump đã định vị. Việc biện minh cho hiệu quả của chế độ thuế quan này sẽ chẳng mấy giản đơn.
Mặt khác, những người ủng hộ việc bãi bỏ thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc cũng không nắm được nhiều luận chứng khách quan. Theo tính toán của JP Morgan Chase, nếu huỷ toàn bộ thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc trong khi giá bán lẻ không đổi, lạm phát sẽ chỉ giảm tốc 0,4%. Đồng thời, chẳng có gì chắc chắn là các nhà bán lẻ sẽ hạ bớt giá sau khi bãi bỏ mức thuế. Hồi giữa tháng 6, Nhà Trắng đã tiến hành thăm dò ý kiến trong giới chuyên viên quản lý-điều hành hàng đầu của các tập đoàn bán lẻ lớn. Câu hỏi khảo sát là liệu họ có giảm giá hàng tiêu dùng hay chăng nếu lệ phí thuế với hàng hóa Trung Quốc như xe đạp, điều hòa không khí và đồ gỗ nội thất sẽ được dỡ bỏ. Nhưng Nhà Trắng không nhận được lời hứa hẹn rõ ràng. Các nhà bán lẻ viện dẫn vô số yếu tố khác đẩy giá lên, chẳng hạn như tăng tốn kém về vật lưu- hậu cần, tăng chi phí nhân công, v.v… Theo nghĩa này, phe diều hâu chống Trung Quốc có cơ sở nhất định để cáo buộc những nhân vật vận động hành lang giảm bãi bỏ thuế quan với các sản phẩm Trung Quốc là xuất phát từ lòng tham đơn giản, cố gắng kiếm lợi nhuận vượt mức trong khi gây phương hại cho lợi ích quốc gia.
Nói chung, ê-kip chính quyền Biden có thể một lần nữa cố gắng tìm ra thỏa hiệp. Như báo giới dẫn các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết, vấn đề hủy bỏ một phần thuế quan đang được thảo luận song hành với khởi cuộc điều tra mới về các khoản trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc cho các công ty xuất khẩu. Trong trường hợp như vậy, khi bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm tiêu dùng, có thể đưa ra những hạn chế mới đối với khâu nhập khẩu các mặt hàng khác của Trung Quốc. Do đó, chẳng nên mong đợi rằng hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ được thu xếp ổn thoả nhịp nhàng. Trong bối cảnh bùng phát leo thang mâu thuẫn chính trị, việc bãi bỏ một phần thuế quan đã là khả năng tốt cho kinh doanh, nếu không sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.