Cũng theo nhà kinh tế học, ngoài tác động đến xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, FED tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến các thị trường tài chính của Việt Nam với một độ trễ từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí đến vài tháng.
Kinh tế Mỹ suy thoái
Thời gian qua, nhiều nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã bàn về việc nền kinh tế Hoa Kỳ đã suy giảm quý thứ hai liên tiếp, cột mốc cho thấy dấu hiệu nền kinh tế đầu tàu thế giới đang bắt đầu bước vào cơn suy thoái.
Cuối tháng 7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 2 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong 3 tháng đầu năm. Thường thì, theo các chuyên gia kinh tế, hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm, người ta sẽ bắt đầu đánh giá về cơn suy thoái đang diễn ra. Nền kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng âm trong quý 2 vừa qua, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp GDP Hoa Kỳ giảm. Tình hình này làm dấy lên hàng loạt lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ có nguy cơ rơi vào suy thoái trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen thừa nhận, lạm phát hiện tại Mỹ hiện là “quá cao” và các đợt tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang góp phần ổn định giá cả.
Lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ kỳ vọng các biện pháp hạ nhiệt của Fed có thể giúp giảm lạm phát nhưng không đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, những đối tác kinh tế hàng đầu và quan trọng của Hoa Kỳ (trong đó có Việt Nam) cần bắt đầu quan tâm khi nền kinh tế Mỹ được đánh giá là đối diện với thách thức suy thoái đáng lo ngại.
Việt Nam có chịu rủi ro hay không?
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá về tác động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tới kinh tế Việt Nam cho rằng, thực tế sẽ tác động không nhiều.
Cụ thể, theo phân tích của ông Nguyễn Bích Lâm, dù kinh tế Mỹ đã có 2 quý suy giảm liên tiếp, kinh tế và tổng cầu thế giới suy giảm, điều này có tác động nhưng không nhiều tới thương mại quốc tế của Việt Nam. Đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng thiết yếu, như hàng dệt may, da giày, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Theo ông Lâm nêu trên TTXVN, các nước khi suy thoái, người dân vẫn phải sử dụng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này. Ngoài ra, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối với chi tiêu của các nước trên thế giới không lớn nên kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.
“Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định”, TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
TS. Lâm dẫn chứng trong 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua. Trong thời gian tới dòng vốn FDI có chất lượng hơn, với công nghệ cao sẽ đổ vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác. Theo khảo sát, khoảng 76% doanh nghiệp của EU đang hoạt động tại Việt Nam sẽ tăng vốn đầu tư. Với dự báo tăng trưởng kinh tế đạt trên 6% trong năm 2022 và 2023.
Đáng chú ý, theo ông Lâm, kể từ khi FED tăng lãi suất, chỉ có 4.600 tỷ đồng vốn rút dòng từ đầu năm đến nay ra khỏi thị trường Việt Nam. Tuy vậy, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhiều dự án lớn đội vốn, gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, vì vậy khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá VND/USD tăng không nhiều do dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức khá cao, đủ khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài. Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối, thực hiện giải ngân vốn FDI dự báo vẫn tăng ổn định, cán cân thương mại cả năm dự báo thặng dư. Trong thời gian qua, khi Fed đã 4 lần tăng lãi suất, tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng 2-3%, mức thấp so với biến động tăng tỷ giá đồng nội tệ của các nước trên thế giới. Tỷ giá VND/USD tăng nhẹ trong thời gian qua đã góp phần tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
“Tuy vậy, kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát”, TS. Nguyễn Bích Lâm lưu ý.
Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, Mỹ tăng lãi suất khiến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp sẽ tăng lên. Hiện nay, mức vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn trong khuôn khổ an toàn nợ nước ngoài của quốc gia và đóng góp quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế. So với nhóm các nước trong khu vực, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn ở mức trung bình.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm. Các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần. Vì vậy, rủi ro về tỷ giá đối với nợ nước ngoài giảm xuống, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc đồng USD tăng giá.
“Tuy vậy, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi FED tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài”, chuyên gia phân tích.
Kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” là một điều bất lợi cho Việt Nam
Ở góc nhìn của các chuyên gia Việt Nam, những diễn biến không mấy tích cực của kinh tế Hoa Kỳ đều được tính toán và quan sát kỹ lưỡng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thực tế, giá xăng dầu, giá nhà cửa tiêu dùng và xe ô tô tại Mỹ đã tăng lên hàng chục phần trăm so với năm ngoái (2021). Chia sẻ trong cuộc trao đổi với VOV, ông Hiếu cho biết đang ở Mỹ và cảm nhận là rổ hàng hóa và thực phẩm mà gia đình ông mua hàng tuần vơi đi một nửa nếu gia đình chỉ muốn trả cùng một số tiền mỗi lần đi chợ như cách đây một năm.
“Khi nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” hay là đi vào “suy thoái” thì đây là một điều bất lợi cho Việt Nam, bởi thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam”, theo chuyên gia.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, nếu nền kinh tế Mỹ đi vào suy thoái, nhu cầu tiêu thụ của người dân Mỹ giảm, nhu cầu mua hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi FED tăng lãi suất, tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD sẽ tăng.
“Điều này có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu kéo theo việc nhập khẩu lạm phát vì hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và các nước khác đang tăng giá rất mạnh”, ông Hiếu chỉ rõ.
Về thị trường bất động sản, theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất, tạo khó khăn cho người mua nhà và làm giảm tính thanh khoản trên thị trường bất động sản. Do đó, thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, thị trường vàng, ở Mỹ giá trị đồng USD sẽ tiếp tục tăng, đẩy giá trị vàng xuống, đó là về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, giữa những lực đẩy và kéo giá vàng trong thời gian tới, giá vàng sẽ biến động rất mạnh và giá vàng trong nước cũng sẽ theo xu hướng đó.
“Bên cạnh đó, thị trường ngân hàng, lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, nếu lãi suất thị trường ngân hàng vẫn được duy trì ở mức thấp có thể sẽ có một dòng tiền rút khỏi Việt Nam qua thị trường tài chính của Mỹ và các nước châu Âu”, ông Hiếu bày tỏ.
Việt Nam cần có sẵn kịch bản
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, là nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ việc các nước phát triển thắt chặt tiền tệ, trong đó có Hoa Kỳ.
“Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó với xu hướng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022. Bởi lẽ, lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Đối với lo ngại FED tăng lãi suất có thể khiến cho dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, đặc biệt là về Mỹ. Điều này khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tăng chậm lại, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ trong tam giác bất khả thi giữa dòng vốn nước ngoài với lãi suất và tỷ giá hối đoái trong bối cảnh nền kinh tế lệch pha mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc FED tăng lãi suất.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần một giải pháp tổng thể từ chính sách tiền tệ đến chính sách tài khóa và tất cả những chính sách khác. Ông Hiếu khuyến nghị Việt Nam nên tăng lãi suất để giảm bớt sức nóng của nền kinh tế Việt Nam sau thời gian dịch bệnh. Từ đó, có thể kiểm soát lạm phát một cách dễ dàng hơn.
“Mặc dù việc tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, nhưng điểm tích cực là sẽ lấy đi “rủi ro bong bóng” của các thị trường, tạo nên sự ổn định cho cả hai thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.