Seoul không muốn phức tạp hóa quan hệ với Trung Quốc vì Đài Loan

Seoul không đưa ra những tuyên bố về Đài Loan có thể làm phức tạp các mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Cuộc đàm phán của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc với người đồng cấp Trung Quốc sẽ hỗ trợ và củng cố sự ổn định ở Đông Bắc Á. Doanh nghiệp tại Hàn Quốc sẽ tổn thất nặng nề do giảm hợp tác với Trung Quốc.
Sputnik
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách này từ ngày 8 đến 10/8. Chuyến công du sẽ diễn ra trong bối cảnh các chính sách của chính quyền Yoon Seok-yeol đang được xem xét kỹ lưỡng, và tình hình ở Đông Bắc Á ngày càng trầm trọng hơn do chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Ví dụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị huỷ gặp đồng cấp Nhật Bản vì tuyên bố của G7 về Đài Loan. Vì lý do này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đặng Lịch đã triệu tập đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi và các đại diện ngoại giao của các nước châu Âu liên quan để phản đối "tuyên bố sai lầm" của nhóm G7 về vấn đề Đài Loan, đồng thời kêu gọi các nước này "không đi thêm nữa trên con đường nguy hiểm". Nhà ngoại giao Trung Quốc chỉ ra rằng, vấn đề Đài Loan là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Nhật và kêu gọi Nhật Bản ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Scandal ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản do việc Tokyo nhất quán ủng hộ Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan đã làm gia tăng sự chú ý đến cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Trung Quốc và Hàn Quốc tại Thanh Đảo vào ngày 9 tháng 8. Khi đưa tin về cuộc họp cấp bộ trưởng, hãng thông tấn Yonhap lưu ý rằng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol đã không gặp bà Nancy Pelosi trong chuyến thăm Seoul trong khuôn khổ chuyến công du châu Á. Ông Yoon Seok-yeol chỉ có cuộc trò chuyện điện thoại kéo dài 40 phút với bà ấy. Các trợ lý của tổng thống đã giải thích rằng, Tổng thống Yoon Seok-yeol đã lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ hè từ trước khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ quyết định đến thăm khu vực, trong đó có chuyến dừng chân gây tranh cãi ở Đài Loan. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc không gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi để tránh gây bất lợi trong quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, hãng thông tấn Yonhap lưu ý.
Sự chuyển hướng về phía NATO sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc?
Nội dung chính của các cuộc đàm phán tại Thanh Đảo là liệu hai bên có thể đạt được một thỏa hiệp để loại bỏ những lo ngại của Bắc Kinh về việc chính quyền Hàn Quốc đang định hướng lại chính sách để xích lại gần với Washington hay không. Chuyên gia Alexander Vorontsov, Chủ nhiệm Ban Triều Tiên và Mông Cổ Viện Nghiên cứu phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), nêu ý kiến ​​này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
“Seoul và Bắc Kinh đang ráo riết tìm kiếm một số diện mạo mới trong quan hệ song phương. Trung Quốc khuyến khích chính quyền mới tiếp tục chiến lược cơ bản của chính quyền trước, khi các mối quan hệ song phương đã phát triển khá hài hòa. Chính quyền Yoon Seok-yeol thân Mỹ hơn nhiều, họ rất quan tâm đến các khối quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo. Rõ ràng, đây là một định hướng khác, nó khiến Bắc Kinh cảnh giác nghiêm trọng. Nếu Seoul dứt khoát định hướng lại chính sách của mình để xích lại gần với Hoa Kỳ, thì những khó khăn nghiêm trọng trong quan hệ với Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Đây sẽ là một chủ đề quan trọng tại cuộc họp cấp bộ trưởng”, - chuyên gia Alexander Vorontsov nhận xét.

Seoul đang cố gắng ngồi trên hai chiếc ghế

Seoul đã chao đảo mạnh về phía Hoa Kỳ, đồng thời họ đang cố gắng ngồi trên hai chiếc ghế. Vẫn chưa rõ liệu điều này có thành công hay không, chuyên gia Alexander Vorontsov lưu ý.

“Doanh nghiệp Hàn Quốc nhận thức rõ vai trò của Trung Quốc. Các cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi - lợi ích vật chất từ ​quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ là gì. Kết quả về mặt chính trị và quân sự là dễ hiểu, những lợi ích vật chất không rõ ràng, và những thiệt hại từ việc giảm hợp tác với Trung Quốc sẽ rất thực tế và nặng nề. Bắc Kinh đang cảnh giác với đề xuất thành lập Liên minh các nhà sản xuất, sử dụng chất bán dẫn do Mỹ đứng đầu. Đề xuất này nhằm chống lại Trung Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Chính phủ đang tích cực tìm cách tham gia vào liên minh, nhưng, Trung Quốc nói rõ với Seoul, Bắc Kinh lo ngại về việc các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc có thể chuyển hướng sang thị trường Mỹ. Trung Quốc không giấu giếm rằng, những hành động như vậy có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ song phương. Đây sẽ là một trong những chủ đề quan trọng tại cuộc đàm phán sắp tới”, - ông Alexander Vorontsov nói thêm trong phần kết luận.

Đến ngày 11/8, Hoa Kỳ chờ phản ứng của chính phủ Hàn Quốc trước lời mời tham gia liên minh bán dẫn - một cơ chế hợp tác mới bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tức là Hàn Quốc sẽ hồi đáp đề xuất này một ngày sau khi kết thúc chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc tới Trung Quốc. Sự trùng hợp là ngẫu nhiên, nhưng nó chỉ thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm đến các cuộc đàm phán Trung-Hàn sắp tới.
Thảo luận