Mối đe dọa hiện sinh: các nước Đông Nam Á phải nghiêm túc thực hiện phục hồi xanh

Trong khi thế giới đang phục hồi sau Covid-19 và đang phải đối mặt với hiệu ứng lạm phát đình trệ và các xung đột vũ trang, cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại.
Sputnik
Phục hồi xanh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới, những người đang nỗ lực tạo ra một con đường bền vững hơn, tập trung vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, tờ Bangkok Post viết.

Phục hồi xanh

"Phục hồi xanh sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của đại dịch trong tương lai. <...> Nó cũng sẽ giúp tạo ra việc làm mới, điều này sẽ có ý nghĩa to lớn và sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của các nền kinh tế", - ông Ramesh Subramaniam, Tổng vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết.
Theo báo cáo mới nhất của ADB có tiêu đề “Thực hiện phục hồi xanh ở Đông Nam Á”, năm lĩnh vực tăng trưởng xanh sẽ có khả năng tạo ra 30 triệu việc làm trong khu vực vào năm 2030.
Báo cáo xác định năm lĩnh vực hỗ trợ phục hồi sau COVID-19 thông qua phát triển xanh:
Hỗ trợ nông nghiệp tái tạo thông qua sử dụng các công nghệ và đổi mới để hỗ trợ cãc ngành nông nghiệp liên quan đến an ninh lương thực, vốn đang bị đe dọa bởi giá nhiên liệu và lương thực tăng;
Phát triển đô thị bền vững và các mô hình giao thông đòi hỏi phải cải thiện quy hoạch đô thị và đổi mới các mô hình quản trị đô thị để giúp các thành phố ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh. Giao thông đô thị cũng có thể được cải thiện thông qua phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững, cũng như khuyến khích chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện;
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch liên quan đến việc phát triển các dự án sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả;
Mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên các chính sách và chương trình hỗ trợ việc tái chế chất thải và phụ phẩm thành hàng hóa hữu ích và có giá trị trong các lĩnh vực khác nhau;
Các đại dương xanh đòi hỏi sự quản lý bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản thông qua việc khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, bao gồm cả phục hồi, tái tạo nguồn cá bị khai thác quá mức.

“Bên cạnh việc tạo ra việc làm, các cơ hội tăng trưởng xanh cũng sẽ góp phần vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đầu tư vào năm lĩnh vực tăng trưởng xanh sẽ giúp đạt được 90-100% mục tiêu SDGs về năng lượng sạch”, - cô Dulce Zara, học giả cấp cao tại ADB phụ trách quan hệ với Đông Nam Á, cho biết.

Năm cơ hội tăng trưởng xanh này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ, việc ứng dụng hiệu quả khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp phát triển các nguồn năng lượng sinh học, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và giảm thiểu sự rò rỉ phân bón có hại ra đại dương.
Các đại dương xanh sẽ giúp tạo ra những mô hình kinh tế vòng tròn mới, ví dụ như tái chế và sử dụng chất thải và vật liệu nông nghiệp.
"Nhờ đó, việc phát triển các biện pháp để khai thác một cơ hội sẽ góp phần phát triển những lĩnh vực khác. Điều này tạo cơ hội phát triển các chiến lược tối đa hóa lợi ích trên nhiều lĩnh vực", - cô Dulce Zara nói.
Chuyên gia Dulce Zara vạch ra ba bước để hiện thực hóa sự phục hồi xanh ở Đông Nam Á.
"Bước đầu tiên là đưa tính bền vững về môi trường vào quá trình hoạch định chính sách", cô nói và lưu ý rằng, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc về môi trường càng nhiều càng tốt khi vạch ra các biện pháp liên quan đến Covid-19.
Cuối cùng, điều quan trọng là phải xác định các nguồn tài trợ cho tăng trưởng xanh, bao gồm định giá khí thải carbon, tăng cường nghiên cứu công nghệ xanh, khuyến khích các doanh nhân nữ tham gia vào kinh doanh xanh và quản lý tốt hơn đa dạng sinh học thông qua các hệ thống dữ liệu mở.
"Trong suốt quá trình này, hợp tác quốc tế là điều cần thiết để hỗ trợ kiến ​​thức và xây dựng năng lực", - chuyên gia Dulce Zara lưu ý.
Điện hạt nhân quay trở lại? Các nước Đông Nam Á thúc đẩy hướng loại trừ cacbon

Thách thức lớn nhất đối với Đông Nam Á

Đông Nam Á có những vấn đề riêng khi nói đến biến đổi khí hậu, bắt đầu từ thực tế khắc nghiệt rằng, đó là mối đe dọa hiện sinh thực sự.

Trái Đất đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm 2,1-2,7 độ vào cuối thế kỷ này", - chuyên gia Sharon Seah, nghiên cứu viên cấp cao và điều phối viên của Chương trình Biến đổi Khí hậu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS Yusof Ishak) cho biết.

Bà nói, thỏa thuận đạt được tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow là không đủ để thực hiện cam kết hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.
“Do đó, nếu chúng ta thất bại, hoặc nếu chúng ta thoái trào, tình trạng mà chúng ta đang thấy ở một số quốc gia vì giá năng lượng tăng vọt do chiến dịch đặc biệt của Nga ở Donbass, thì nhiệt độ toàn cầu có thể lên tới hơn 3,5 độ C”.
"Bất kể những nỗ lực mà chúng ta thực hiện ngày hôm nay, chúng ta thực sự đã bị nhốt trong điều kiện ấm lên toàn cầu. Và đây là mối đe dọa hiện hữu đối với Đông Nam Á, bởi vì nhiều quốc gia trong khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Và những thay đổi có thể xảy ra trong vài năm tới, vài thập kỷ tới, sẽ thực sự đe dọa mạng sống và sinh kế của hàng triệu người dân".
Vấn đề thứ hai là tác động không cân xứng theo hai cách, chuyên gia Sharon Seah nói.
"Khía cạnh thứ nhất là lượng phát thải trong lịch sử. Tỷ lệ phát thải ban đầu trong lịch sử của Đông Nam Á so với 10 quốc gia phát thải hàng đầu là rất nhỏ".
Lượng khí thải trong khu vực này chỉ chiếm 5,6% tổng lượng khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, trong tương lai lượng khí thải sẽ tăng lên song song với tăng trưởng dân số và kinh tế.
“Nói về sự mất cân đối, cần phải lưu ý rằng, ở Đông Nam Á tác động của biến đổi khí hậu là không đồng đều, cả trong nước cũng như giữa các quốc gia. Ví dụ, các chuyên gia dự báo nhiều lốc xoáy cực đoan hơn và sự gia tăng không đồng đều về lượng mưa và lũ lụt, như chúng ta đang thấy những lũ lụt lan tràn ở một số khu vực tại vùng Đông Nam Á”, - chuyên gia Sharon Seah lưu ý và nói thêm rằng, khả năng thích ứng và giảm thiểu cũng không cân đối, vì nó phụ thuộc vào năng lực và khả năng của mỗi quốc gia.
"Và vấn đề thứ ba là ở chỗ: vấn đề liên quan đến tất cả mọi người có thể trở thành vấn đề không liên quan đến ai cả, bởi vì nếu không làm được gì và chỉ cố gắng thu lợi từ những người khác, thì điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho khu vực".

Рhối hợp các mục tiêu phát triển bền vững

Theo dự báo của ADB, nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 5,2% vào năm 2023.

"Có lẽ mức tăng nhẹ so với mức ước tính trước đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng quá trình này sẽ không bị dừng lại", - chuyên gia Jayant Menon, học giả cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho biết.

Câu hỏi đặt ra là mức độ phục hồi tăng trưởng sẽ chuyển thành sự phục hồi xanh như thế nào. Theo quan điểm của ông, chỉ báo tốt nhất về phục hồi xanh thành công là tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030.
GAZ và thị trường vận tải 'xanh' đầy hứa hẹn tại Việt Nam?
Ông thừa nhận: “Khu vực này đã tụt hậu so với các mục tiêu SDG trước khi bắt đầu đại dịch, và điều này làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch. Do tiến độ hướng tới các mục tiêu bị chậm lại, khu vực rơi vào vòng luẩn quẩn, và chúng ta cần phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này".
Cần phải đầu tư đúng mức, bao gồm cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
“Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không muốn đi theo hướng này”, - chuyên gia kết luận.
Thảo luận