Với nhiều lợi thế bổ sung cho nhau, Israel và Việt Nam còn nhiều tiềm năng để nâng cao tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Việt Nam muốn phát triển quan hệ với Israel
Ngày 9/8, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Lý Đức Trung đã trình Quốc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên Tổng thống Nhà nước Israel Isaac Herzog.
Buổi lễ được tổ chức “trang trọng” tại Phủ Tổng thống Nhà nước Israel với sự hiện diện của các quan chức cấp cao của Văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này.
Tại buổi tiếp của Tổng thống Herzog dành cho Đại sứ Việt Nam sau lễ trình Quốc thư, Đại sứ Lý Đức Trung đã bày tỏ vinh dự đảm nhận trọng trách Đại sứ Việt Nam tại Israel.
Ông Trung mong muốn trong nhiệm kỳ công tác của mình sẽ đóng góp tích cực để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước.
Đại sứ Lý Đức Trung lưu ý rằng, năm 2023 sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel (1993-2023) và mong muốn 2 nước tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp và cùng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú, nhằm tạo những bước phát triển mới, hiệu quả cho quan hệ song phương.
“Việt Nam mong muốn duy trì và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác với Israel trên các lĩnh vực 2 bên cùng quan tâm như kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo và các lĩnh vực khác”, - Đại sứ Lý Đức Trung khẳng định.
Nhà ngoại giao Việt Nam cũng tin tưởng sau khi 2 nước hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel, Hiệp định hợp tác lao động và mở đường bay thẳng, giao lưu nhân dân giữa 2 nước sẽ được tăng cường đồng thời sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp giữa hai nước.
Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Israel
Tiếp Đại sứ Lý Đức Trung, Tổng thống Israel Herzog cùng có chung quan điểm đồng thuận mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Israel, đặc biệt trong năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao.
Tổng thống Herzog dành nhiều quan tâm cho việc tăng cường giao lưu nhân dân giữa 2 nước thông qua các đoàn du lịch và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, theo TTXVN, trong buổi tiếp, Tổng thống Nhà nước Israel cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt hứng thú với lịch sử và văn hoá truyền thống của Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng thống Issac Herzog cũng chia sẻ mong muốn 2 bên có thể tăng cường trao đổi học thuật trong tiếp cận, nhận định, đánh giá cách thức đối phó với cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày một phức tạp và môi trường an ninh toàn cầu còn nhiều bất ổn.
“Việt Nam có vị trí vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Israel”, - theo lời Tổng thống Issac Herzog.
Cùng với đó, người đứng đầu Nhà nước Israel khẳng định sẽ tiếp tục gặp mặt Đại sứ mới của Việt Nam để cùng trao đổi các nội dung và biện pháp thúc đẩy quan hệ 2 nước ngày càng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Đại sứ Lý Đức Trung cũng đã cùng đại diện Bộ Công Thương tham gia phiên đàm phán thứ 11 thuộc khuôn khổ đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã diễn ra từ ngày 1-5/8 ở quốc gia Trung Đông này.
Cụ thể, ngoài Đại sứ Lý Đức Chung, được biết, Đoàn đàm phán của Việt Nam do đại diện Bộ Công Thương làm trưởng đoàn với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan gồm Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tư pháp.
Sau thời gian đàm phán, thảo luận chuyên sâu và tích cực với sự quyết tâm và thiện chí, đoàn Việt Nam và Israel đã thống nhất được về cơ bản đối với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến mở cửa thị trường cho nhau.
Riêng với một số vấn đề còn lại, đoàn đàm phán hai nước nhất trí sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình trao đổi, thảo luận trong thời gian tới. Mục tiêu đặt ra là sớm kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định theo định hướng đã được cấp Bộ trưởng hai bên nhất trí trong các phiên trao đổi thời gian qua.
Tại phiên đàm phán thứ 11 này, Việt Nam và Israel đã trao đổi, thảo luận về các nội dung còn tồn đọng gồm: mở cửa thị trường hàng hóa, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, pháp lý-thể chế, mua sắm chính phủ, dịch vụ và đầu tư.