Trao đổi với VnExpress bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, cho biết Bộ Y tế đã ký thỏa thuận khung sau khi công bố 3 gói thầu thuốc tập trung.
Bước tiếp theo, các địa phương, cơ sở y tế ký hợp đồng mua sắm trực tiếp với những nhà thầu trong 3 gói này, thời hạn từ nay đến năm 2024. Thuốc sẽ được nhà thầu cung cấp cho các đơn vị tùy theo thỏa thuận, để kịp cung ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh.
Các thuốc trong 3 gói thầu lần này chủ yếu là thuốc kháng sinh (44 loại), thuốc tiêu hóa (19), thuốc tim mạch (16), thuốc điều trị ung thư (11), thuốc điều trị tiểu đường (7) và 9 thuốc thuộc các nhóm điều trị khác.
Được biết, số lượng thuốc trong 3 gói thầu này chiếm khoảng 20% lượng thuốc cho nhu cầu sử dụng.
Đáng chú ý, theo kết quả đấu thầu tập trung thuốc quốc gia vừa được công bố, giá thuốc trúng thầu hầu hết đều giảm so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trong năm trước, với tỷ lệ giảm giá trung bình là 17,25% (tương đương với 1.337 tỷ đồng).
Lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia cho biếtt, việc triển khai thành công mua sắm tập trung thuốc ở cấp quốc gia đã khắc phục các bất cập khi tổ chức những gói thầu riêng lẻ, chi phí tổ chức đấu thầu, đồng thời giảm giá thuốc trúng thầu. Hình thức đấu thầu này cũng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng chênh lệch giá giữa các cơ sở y tế, các tỉnh.
Theo đó, công tác đấu thầu giai đoạn 2022-2023 đã được khởi động từ tháng 9/2021. Tuy nhiên sau nhiều lần gia hạn, đến tháng 2/2022 gói thầu mới chính thức được mở. Như vậy, sau khoảng 7 tháng chậm trễ, Bộ Y tế mới lựa chọn được 39 nhà thầu cho ba gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia.
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh. Vì vậy để tục giải quyết vấn đề này, Hội đồng Đàm phán giá thuốc vẫn đang tiếp tục đàm phán với 62 thuốc biệt dược gốc để sớm có thuốc đặc trị cho người dân.