Theo Bộ trưởng, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất đáng báo động.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân, song việc này còn gặp nhiều khó khăn.
“Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng đã qua 10 lần trình rồi, hiện nay đang hoàn thiện”, theo Bộ trưởng Tô Lâm.
Theo lộ trình đến 2024, Bộ Công an dự kiến nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
"Chúng tôi thấy nhiều nước ban hành luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Còn theo luật An ninh mạng, Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được ban hành trong thời gian tới. Đây là căn bản để có cơ sở thực hiện công tác này", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bên cạnh giải pháp tăng cường tuyên truyền ý thức người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là trên môi trường mạng, cùng với đó là điều tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân.
"Hiện chúng tôi đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu thông tin cá nhân được cho là từ Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, có một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt, sẽ được tập trung để xử lý, ngăn ngừa", Đại tướng nhấn mạnh.
Ông khẳng định cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên quốc gia nên phải bảo đảm.
Trước đó, trên một diễn đàn, hacker "meli0das" đã rao bán một cơ sở dữ liệu chứa khoảng 30 triệu bản ghi và tương ứng với mỗi bản ghi là dữ liệu của một người Việt Nam.
"Meli0das" cho biết dữ liệu được khai thác từ "một trang web phổ biến về giáo dục" ở Việt Nam vào tháng 7/2022. Mỗi bản ghi bao gồm tên người dùng, địa chỉ email, số điện thoại, họ tên, điểm số, trường học, quận (huyện), tỉnh (thành phố), ngày khởi tạo...
Giá bán cho tập dữ liệu này được hacker đề ra là 3.500 USD và thanh toán bằng token XMR.