Văn kiện quy định phân bổ 4,5 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, dành cho Đài Loan quy chế «đồng minh lớn nhất của Hoa Kỳ bên ngoài NATO», cũng như từ bỏ chính sách dài hạn về «sự không chắc chắn chiến lược». Theo truyền thông Mỹ, Nhà Trắng cho rằng dự luật này đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao của Biden.
Cái gọi là «Đạo luật về Chính sách với Đài Loan» là dự thảo luật do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham và đảng viên Dân chủ Bob Menendez đề xuất sau chuyến công du của các chính trị gia này đến Đài Loan hồi tháng 4 năm nay. Trong bản giải thích dự luật nói rằng văn kiện này hướng tới thúc đẩy an ninh của Đài Loan, bảo vệ hòn đảo trước chính sách hiếu chiến từ phía Trung Quốc, thi hành các biện pháp trừng phạt của Mỹ để đáp trả hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan. Văn kiện luật cũng dự trù việc tích cực hỗ trợ để Đài Loan tham gia vào các hiệp định quốc tế, kể cả liên kết trong khuôn khổ Hiệp định Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF).
Điều chính yếu nhất, theo sáng kiến lập pháp mà các Thượng nghị sĩ đề xuất, là Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ cần hiệp lực với chính quyền dân chủ của Đài Loan như là với đại diện hợp pháp cho quyền lợi của cư dân trên hòn đảo. Trong dự thảo luật nêu rõ lệnh cấm bất kỳ hạn chế nào gắn với tiếp xúc của giới chức Mỹ và các quan chức, chính trị gia cũng như nhân vật chính thức của Đài Loan. Dự thảo xác định «Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979» và cái gọi là «Sáu đảm bảo» cho Đài Loan làm cơ sở cho quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan.
Kịch liệt phản đối
Bắc Kinh nhiều lần bày tỏ thái độ phản đối gay gắt trong tương quan những định thức như vậy. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra giải thích rằng thông cáo chung Trung-Mỹ ký năm 1978 về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các nước, đã nêu rõ chỉ có «một Trung Quốc» và chính phủ CHND Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc. Cái gọi là "Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan" và "sáu đảm bảo" chỉ là những tài liệu do Washington đơn phương soạn thảo, thêm nữa là giấu nhẹm trước Bắc Kinh. Và những tài liệu này xuất hiện muộn hơn nhiều so với ba thông cáo chung căn bản, là chỗ dựa của quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ. Như vậy, Washington luôn cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng.
Hoa Kỳ cố tình xoá mờ nguyên tắc "một Trung Quốc", đặt lợi ích chính trị của riêng mình lên hàng đầu và thậm chí có hành động vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Đó là nhận xét do chuyên gia Vương Nghĩa Vĩ (Wang Yiwei), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nêu lên trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Như tờ Politico thông báo dẫn nguồn từ Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Adrienne Watson, dự luật do các thượng nghị sĩ đề xuất ở dạng khởi thuỷ mâu thuẫn với mọi nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Joe Biden, vì thế Nhà Trắng sẽ tích cực tương tác với Quốc hội để hoàn thiện dự luật cho phù hợp. Tuy nhiên, không ai trong Nhà Trắng phủ nhận khả năng thông qua dự luật này về nguyên tắc.
Các tác giả của dự luật, kể cả Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đã lên tiếng kiên quyết chống lại sự can thiệp của chính quyền Hoa Kỳ vào công việc lập pháp. Trong chuyên mục của mình trên tờ NYT, ông Menendez tuyên bố: Trung Quốc đang ráo riết mở mang tiềm lực quân sự, đây có thể là dấu hiệu báo trước cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc vào hòn đảo. Tình hình nhắc nhớ về hành động của Putin trong quan hệ với Ukraina. Chúng ta đã nghe thấy những hồi chuông báo động ngay từ năm 2014 nhưng không thi hành biện pháp nào. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm tương tự với Đài Loan, ông Menendez kết luận.
Hoa Kỳ đang cố gắng chuyển mô hình xung đột Nga-Ukraina sang Đài Loan để sau đó áp đặt biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc giống như cách hành xử với Nga, chuyên gia Vương Nghĩa Vĩ nhận xét.
Ngay từ trước chuyến thăm đầy khiêu khích của bà Pelosi tới Đài Loan, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cố gắng trình bày tình hình theo kiểu dường như ông không thể tác động đến cơ quan lập pháp theo bất kỳ cách nào. Lúc đó, thông qua các kênh khác nhau, kể cả qua các phương tiện truyền thông, Nhà Trắng đã ra sức phân trần chuyến thăm tiềm năng của bà Pelosi chỉ như là sáng kiến cá nhân của nữ chính khách Chủ tịch Hạ viện. Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Biden nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và tuyên bố không chấp nhận những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi quy chế hiện trạng.
Tuy nhiên giờ đây, khi Trung Quốc buộc phải đáp trả hành động khiêu khích, thì Washington lại ngang nhiên tuyên bố rằng Bắc Kinh dường như đang thay đổi hiện trạng bằng cách tiến hành các cuộc tập trận bên trong cái gọi là đường trung tuyến. Nhưng hành động của ai ngay từ ban đầu đã làm cho tình trạng này càng trầm trọng hơn? Như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lưu ý, Hoa Kỳ hành động theo sơ đồ vạch sẵn đã tính toán kỹ: thoạt tiên tự mình tạo ra vấn đề trong khu vực, sau đó sử dụng tình hình theo hướng có lợi cho Mỹ. Việc liên tục bơm vũ khí cho Đài Loan cùng với làm xói mòn nguyên tắc «một Trung Quốc» khiến cho bối cảnh khu vực có tính bùng nổ đến mức chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể trở thành tiền đề cho cuộc xung đột toàn diện. Xét theo ý tưởng này, Quốc hội Hoa Kỳ đang hành xử như một bên tham chiến, tuy rằng ẩn giấu che đậy bằng những khẩu hiệu bảo vệ sự bình ổn. Tuy nhiên, các cuộc «cách mạng màu» từng diễn ra ở các nước châu Âu không thể áp dụng ở châu Á. Rất có thể phải trả giá đắt về an ninh khu vực mà còn gây hại cho cả phúc lợi của chính mình, khi liều lĩnh thi thố những phương pháp trò chơi xưa cũ vào thực tế mới muôn phần phức tạp hơn.