Dioxin - quả bom nổ liên tục không ngừng
«Bởi một khi đã thâm nhập vào cơ thể con người, dioxin sẽ bắt đầu hoạt động giống như lây nhiễm HIV. Nếu một người hoàn toàn khỏe mạnh, chất độc âm thầm không ảnh hưởng gì. Nhưng ngay sau khi khả năng miễn dịch của người đó suy yếu và bệnh tật nào đó phát sinh, dioxin lập tức tạo thành chuỗi đau đớn và bắt đầu tác oai tác quái hoạt động theo cách riêng của nó. Cách nào thì hiện không ai rõ. Dioxin có thể gây ung thư, làm tổn thương gan, da, hệ hô hấp và nhiều hơn nữa. Bệnh học Dioxin rất đa dạng. Và bi kịch nhất là nó di truyền theo đường sữa mẹ. Hơn một triệu rưỡi người Việt Nam thuộc ba thế hệ sau chiến tranh phải gánh chịu kiếp nạn này. Suốt trong thời gian dài, qua nhiều thế hệ, dioxin gây bệnh cho cha mẹ rồi tiếp tục truyền sang con cái của họ. Thêm nữa, đối với dioxin thì không hề có liều lượng tối thiểu cho phép», - GS Andrei Kuznetsov lưu ý.
Dioxin - kẻ thù của chính đất đai và thiên nhiên Việt Nam
«Trung tâm Nhiệt đới Liên hợp Việt-Nga là cơ sở đầu tiên và duy nhất làm công việc này. Đã có định đề rằng các phân tử dioxin không hòa tan. Dường như mùn kết dính các phân tử này và chúng vẫn nằm lại lớp đất trên bề mặt. Như vậy có thể thu dọn dioxin bằng máy ủi máy xúc hoặc thậm chí đơn thuần dùng xẻng và đốt nó để tiêu huỷ. Thế nhưng hóa ra trong điều kiện vùng nhiệt đới mọi chuyện lại khác hẳn. Các phân tử dioxin xâm nhập vào hợp chất với các axit đất khác nhau, tạo thành phân tử mới có chứa dioxin, trở nên hòa tan trong nước và chịu được nước. Các phân tử mới này hòa vào dòng nước mưa, thẩm thấu sâu vào đất, cuốn trôi theo các mạch nước ngầm rồi rơi xuống giếng, chảy ra hồ, sông ngòi và biển, cách điểm phun dioxin ban đầu đến hàng trăm km. Tình trạng này vẫn tiếp diễn ở Việt Nam cho đến hôm nay. Tồn tại một số «điểm nóng» - là những nơi mà trong cuộc chiến xâm lược, người Mỹ đã tích trữ các thùng chứa hoá chất độc hại. Rời khỏi Việt Nam, lính Mỹ dùng súng máy hạng nặng xả đạn vào đám thùng chứa tử thần này và để lại trên địa bàn. Ví dụ như ở Đà Nẵng, từng có một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ. Hay là tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Biên Hòa. Hai căn cứ cũ này hiện nay vẫn là trung tâm lây nhiễm độc lớn nhất và tồi tệ nhất», - ông Andrei Kuznetsov cho biết.
Sứ mệnh cao cả của Trung tâm Nhiệt đới Liên hợp Việt-Nga
«Hiện thời vẫn chưa thể nói khi nào ở Việt Nam sẽ chấm dứt ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ. Bởi Việt Nam là đất nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới phải hứng chịu lượng lớn chất độc nguy hiểm gây tác hại như vậy», - chuyên gia Kuznetsov kết luận.