Sáng 10/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để lên phương án ứng phó với bão số 2 (bão Mulan). Cuộc họp do ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, chủ trì.
Theo chuyên gia, mô hình dự báo của các đài khí tượng quốc tế và Việt Nam có sự tương đồng khi cho rằng bão khả năng chuyển hướng tây tây bắc quét qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) hôm nay. Sau đó hình thái này đi vào vịnh Bắc Bộ.
Chuyên gia cảnh báo từ đêm nay (10/8) đến sáng mai, khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày 11/8, ven biển các địa phương từ Quảng Ninh đến Nam Định đề phòng sóng lớn kết hợp với triều cường gây ngập úng tại vùng trũng, thấp.
Đáng lưu ý, hoàn lưu bão khả năng gây ra đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Mưa bắt đầu từ chiều tối 10/8 và kéo dài đến khoảng ngày 12/8 với lượng phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm.
Những ngày tới, các sông suối thuộc Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên 3-5 m, hạ lưu 1-3 m. Khu vực vùng núi đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt cục bộ.
Chuyên gia cảnh báo thêm thủy triều ở khu vực Tây Nam Bộ đang cao, đồng thời gió mùa Tây Nam mạnh cấp 4-5 gây ra sóng cao 1,5-2 m. Sóng lớn kết hợp triều cường và nước dâng nguy cơ gây sạt lở đê biển khu vực Cà Mau với trọng tâm là huyện Trần Văn Thời.
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết, để ứng phó với báo, số lượng người ứng trực là hơn 400.000 người, trong đó, bộ đội là hơn 50.000 người, dân quân tự vệ là hơn 362.000 người.
"Ngoài ra chúng tôi đã huy động hơn 2.300 phương tiện các loại, trong đó 127 xe đặc chủng, 8 máy bay của không quân, 7 máy bay của Binh đoàn 18, để sẵn sàng ứng phó với bão số 2", đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN cho hay.
Phát biểu tổng kết cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, theo nhận định bão số 2 diễn biến phức tạp, gây mưa lớn ở nhiều khu vực. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Các địa phương triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển; tùy theo diễn biến thực tế của bão tại địa phương để chủ động tổ chức cấm biển.