“Nói được làm được”, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới

Theo Bộ Công Thương, sau năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới và đến 2045, công suất cac nhà máy điện than của Việt Nam sẽ chỉ còn dưới 13,2%.
Sputnik
Phát biểu tại Đối thoại chính sách cấp cao về than, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã đưa ra một số thông tin ấn tượng về tình hình cắt giảm điện than, thực hiện cam kết hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Dấu hiệu quyết tâm bỏ dần điện than của Việt Nam và ASEAN

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với thị trường năng động và dân số trẻ có trình độ cao.
Đặc biệt, năm ngoái, nền kinh tế ASEAN vẫn tăng trưởng 3% bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và được dự báo sẽ tăng trưởng vào khoảng 4,9% trong năm 2022 và 5,2% năm 2023.
Theo đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, có thể thấy, các nước ASEAN đang nỗ lực mở cửa và phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại Đối thoại chính sách cấp cao của ASEAN về than, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, với điều kiện tăng trưởng kinh tế như đã nêu trên, nhu cầu năng lượng của ASEAN sẽ tăng đáng kể, đến năm 2040 sẽ tăng khoảng 1,5 lần so với hiện nay. Mặc dù vậy, bên cạnh các vấn đề về an ninh năng lượng, hậu quả của nhu cầu năng lượng gia tăng mạnh mẽ suốt thời gian qua kéo theo sự gia tăng phát thải khí nhà kính với mức ước tính vào khoảng 4.171 triệu tấn CO2-eq vào năm 2040.
Do vậy, Thứ trưởng Công Thương Việt Nam nêu rõ, khu vực Đông Nam Á hiện cần ưu tiên quan tâm giải quyết hài hòa giữa nhu cầu năng lượng cho phát triển tăng cao và các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Nêu biện pháp để giải quyết những lo ngại này, các Bộ trưởng phụ trách năng lượng 10 quốc gia thành viên khu vực ASEAN đã thống nhất thông qua Kế hoạch chi tiết năng lượng khu vực, Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC). Theo đó, giai đoạn II từ năm 2021-2025, ASEAN nhất trí rằng đổi mới sáng tạo là một thành phần quan trọng trong việc hài hoà giữa mục tiêu an ninh năng lượng và đảm bảo tính bền vững.
Thực tế, như Sputnik đã thông tin, tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, đã có 47 quốc gia, trong đó có Việt Nam ủng hộ "Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu", với cam kết sẽ ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than. Như vậy, với các cam kết trên, hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này từ thập niên 2040 trở đi. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng vẫn là loại bỏ sử dụng điện than, nguồn gây phát thải khí nhà kính nghiêm trọng.
Việt Nam có “siêu nhà máy” nhiệt điện than 2,8 tỷ USD dùng công nghệ siêu tới hạn
Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, các nền kinh tế ASEAN cũng không đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đầy thách thức này, khi lãnh đạo các nước đều đồng ý cần sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng sạch, trong đó có Việt Nam. Tính đến nay, các quốc gia ASEAN đã thành lập Trung tâm về Công nghệ Than sạch ASEAN vào ngày 30/9/2021 với vai trò là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của hợp tác khu vực về các quy trình sử dụng than sạch nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Việt Nam sẽ không phát triển thêm nhà máy điện than mới

Nêu rõ lập trường của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tại Diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện “phải đi trước một bước” để nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.
Theo ông An, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có bước phát triển vượt bậc, đảm bảo cung ứng đủ diện cho kinh doanh sản xuất và phát triển kinh tế xã hội.
“Độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao”, Thứ trưởng Công Thương nêu rõ.
Kế hoạch đề ra, theo đại diện Bộ Công Thương, đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 78.120MW tổng công suất lắp đặt nguồn điện và trở thành quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô hệ thống điện.
Theo ông An, nhiệt điện hiện đang chiếm trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng cho hay, hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII, theo đó, đến năm 2030, dự kiến, công suất quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam sẽ đạt khoảng 37.476 MW, chiếm khoảng 25,7% tổng công suất các nguồn điện.
Bộ Công Thương cũng nêu rõ vì sao Việt Nam chưa thể từ bỏ điện than “ngay lập tức”.
“Trong bối cảnh thuỷ điện đã tới hạn, điện khí gặp hạn chế do giá khí nhập khẩu cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời công suất hạn chế nên từ nay tới năm 2030 nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện thì vai trò của nhiên liệu than trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia rất quan trọng”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, để từng bước thực hiện các cam kết của Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đến sau 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới và sẽ từng bước loại bỏ các nhà máy nhiện điện than cũ đã vận hành nhiều năm với công nghệ lạc hậu. Ông Đặng Hoàng An cũng nhắc lại, đến năm 2045, công suất các nhà máy nhiệt điện than chỉ còn khoảng 13.2% trong tổng công suất các nhà máy điện.

Chuyển dần sang nhiên liệu sạch

Kế hoạch lâu dài của Việt Nam cũng cho thấy, quốc gia này hiện đang nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ mới cho các nhà máy nhiệt điện than như công nghệ than sạch (Clean coal technologies - CCTs), công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (Carbon Capture, Usage and Storage CCUS) nhằm đảm bảo mục tiêu cung ứng điện cho phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết của Chính phủ.
Ngoài ra, Việt Nam hiện cũng đang nghiên cứu, chuyển dần nhiên liệu từ than đá sang các loại nhiên liệu sạch hơn như biomass, ammonia để áp dụng khi các công nghệ này được kiểm chứng, đưa vào thương mại hóa rộng rãi.
Thứ trưởng Công Thương Việt Nam cho biết, vấn đề quan trọng hiện nay cần nghiên cứu là tương lai và vị trí ngành công nghiệp than tại khu vực ASEAN đặt trong bối cảnh chuyển đổi ngành năng lượng trong khu vực.
“Trong quá trình chuyển dịch năng lượng đang được đẩy nhanh tương lai ngành công nghiệp than cần được Chính phủ các quốc gia quan tâm và định hướng”, Thứ trưởng Công Thương Việt Nam khẳng định.
Giảm điện than, dừng nhà máy hạt nhân, Việt Nam chọn LNG và năng lượng tái tạo

Cần trung bình từ 8-14 tỷ USD đầu tư điện mỗi năm

Tại buổi làm việc với ông Selwin Charles Hart, Tư vấn đặc biệt và trợ lý Tổng Thư ký LHQ António Guterres về vấn đề thực thi cam kết của Việt Nam tại COP26 thông qua chuyển dịch năng lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tiếp tục nhấn mạnh về nỗ lực hướng đến chuyển dịch năng lượng xanh, sạch, bền vững của Việt Nam. Theo đó, chia sẻ với trợ lý của Tổng Thư ký LHQ, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh, Việt Nam cần trung bình từ 8-14 tỷ USD để đầu tư ngành điện mỗi năm (theo Quy hoạch Điện VIII).
“Con số này phụ thuộc vào kịch bản phát triển kinh tế. Trong đó 25% số tiền đầu tư cho phát triển lưới truyền tải, 75% còn lại cho nguồn phát”, Thứ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoàng An cũng cho rằng, định hướng phát triển trong dự thảo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ Việt Nam là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia trong đó ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, Quy hoạch điện VIII của Việt Nam được phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện, ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước, có thể chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ được kiểm chứng và phổ biến.
Ông Đặng Hoàng An nhắc lại việc Việt Nam sẽ không phát triển mới các nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030 chỉ triển khai tiếp các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc đã có cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT.
“Sau 2030 Việt Nam định hướng đốt trộn than và armonia hoặc biomass để hướng tới chuyển đổi hoàn toàn nhiên liệu”, Thứ trưởng Công Thương khẳng định.
Theo lời ông An, Việt Nam đã đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 7 GW và đến năm 2045 là khoảng 65GW.
Đại diện LHQ bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ tìm hiểu và vận dụng cơ chế Just Energy Partnership JETP của nhóm các nước G7 cam kết hỗ trợ 8,5 tỷ USD cho các nước khu vực châu Phi, châu Á và ETM (Energy Transition Mechanism) của Ngân hàng phát triển châu Á ADB để có được sự hỗ trợ hiệu quả từ các nước phát triển, sở hữu công nghệ tiên tiến và các tổ chức y tế có thiện cảm với Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Thảo luận