Bí thư Nên được kỳ vọng quyết liệt như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa được giao thêm nhiệm vụ mới – không kém phần khó khăn so với công tác lãnh đạo chủ yếu tại thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Sputnik
Theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên, bên cạnh làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, sẽ kiêm luôn trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh.
Tất nhiên, trong công cuộc chống tham nhũng, chống lũng đoạn quyền hành, tiêu cực, lợi ích nhóm ở Việt Nam và cụ thể ở TP.HCM, Bí thư Nên được kỳ vọng sẽ tiếp nối tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nói được, làm được, quyết liệt chống “giặc nội xâm”, “đốt lò” thiêu tham nhũng, chống thói “quyền anh quyền tôi” và đóng góp lớn làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo địa phương.

TP.HCM thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng

Ngày 12/8, thông tin từ Thành ủy TP.HCM cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh gồm 15 thành viên.
Trưởng Ban chỉ đạo là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM có chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác theo Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư.
Với quyết tâm chống “thù trong giặc tham nhũng”, như những con sâu ăn mọt nền chính trị, đe dọa sự tồn vong của Đảng, sự phát triển của đất nước, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Và cứ thế, trong năm 2022 này, Việt Nam tiếp tục thực thi chiến lược thành lập các Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh.
Hồi tháng 6 vừa qua, như Sputnik đã thông tin, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Đồng thời, một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức vào này là quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh Phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh gồm 15 thành viên, trong đó cơ cấu gồm 1 Trưởng ban, 5 Phó Trưởng ban và 9 ủy viên. Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo.
Sẽ chọn Bí thư Nguyễn Văn Nên làm “nhạc trưởng” vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

Bí thư Nên được kỳ vọng noi gương “quyết liệt, mạnh mẽ” của Tổng Bí thư

Bộ máy tổ chức của Ban chỉ đạo gồm: Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP - làm phó trưởng ban. Ông Lê Thanh Liêm - ủy viên Ban Thường vụ, trưởng Ban Nội chính Thành ủy - làm phó trưởng ban thường trực.
Ông Dương Ngọc Hải - ủy viên Ban Thường vụ, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy - làm phó trưởng ban. Ông Nguyễn Phước Lộc - ủy viên Ban Thường vụ, trưởng Ban Tổ chức Thành ủy - làm phó trưởng ban. Ông Lê Hồng Nam - ủy viên Ban Thường vụ, giám đốc Công an TP.HCM - làm phó trưởng ban.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - ủy viên Ban Thường vụ, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - làm ủy viên. Ông Nguyễn Văn Nam - ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, tư lệnh Bộ tư lệnh TP - làm ủy viên. Bà Trần Kim Yến - ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - là ủy viên. Ông Nguyễn Mạnh Cường - thành ủy viên, chánh văn phòng Thành ủy - làm ủy viên. Ông Lê Thanh Phong - thành ủy viên, chánh án Tòa án nhân dân TPHCM - làm ủy viên. Ông Đặng Minh Đạt - thành ủy viên, chánh Thanh tra TP.HCM - làm ủy viên. Ông Huỳnh Văn Hạnh - giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - làm ủy viên. Ông Võ Văn Quận - phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM - làm ủy viên. Ông Đỗ Mạnh Bổng, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM - làm ủy viên.
Trong đó, Thường trực Ban chỉ đạo là Bí thư Nguyễn Văn Nên và các phó trưởng ban. Đồng thời, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Lê Thanh Liêm làm phó trưởng ban thường trực.
Với quyết định này, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, cán bộ, viên chức, người dân thành phố đặt kỳ vọng Bí thư Nguyễn Văn Nên sẽ nỗ lực hết mình, noi gương “quyết liệt, nói đi đôi với làm”, thực hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng tiêu cực của thành phố, như các mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cả hệ thống chính trị đã duy trì suốt nhiều năm qua, đạt được những thành tựu đáng khích lệ, khi công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở ngày càng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” .
Đặc biệt, số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần, đáng chú ý, như năm 2021, 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng, từng cán bộ cũng ý thức hơn về việc, một khi đã “nhúng chàm” thì khó lòng mà “hạ cánh an toàn” vì Tổng Bí thư đã chỉ đạo chống tham nhũng không ngừng nghỉ và không có vùng cấm, bất kể người đó là ai.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã cũng khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam.

“Không chỉ cần nhãn quan chính trị”

Trước việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ quan điểm với báo Tuổi trẻ cho biết, quyết tâm, và kinh nghiệm chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Trung ương hy vọng sẽ được tiếp nhận và nhân rộng trong cả nước.
Cũng chính nhờ quyết tâm và kinh nghiệm của Trung ương, mà công cuộc phòng chống tham nhũng ở địa phương cũng sẽ có được những chuyển biến mới. Chuyên gia đánh giá, các Bí thư tỉnh/Thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần phải có không chỉ nhãn quan chính trị, mà còn cả sự hiểu biết về lĩnh vực tư pháp và sự cảm nhận sâu sắc về công lý.

Vai trò của trưởng ban vô cùng to lớn. Định hướng, sự chính xác, khách quan và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương rõ ràng sẽ phụ thuộc vào cái tâm và cái tài của trưởng ban”, - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, vấn đề là làm bí thư tỉnh/thành ủy với làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực là hai việc khác nhau.

“Làm bí thư giỏi không đương nhiên sẽ làm trưởng ban giỏi. Chính vì vậy Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương cần sớm có chương trình tập huấn để nâng cao năng lực cho các ban chỉ đạo cấp tỉnh, mà trước hết là cho các trưởng ban”, - ông Dũng khuyến nghị.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, để làm trưởng ban cấp tỉnh, có lẽ phẩm chất quan trọng nhất phải là liêm chính và trong sạch vì đây là “một sự tập trung quyền lực rất lớn” khi kiêm nhiệm chức vụ. Cũng chính vì thế mà sự kiểm soát của Trung ương là vô cùng quan trọng.

“Ban chỉ đạo Trung ương, đặc biệt là cơ quan thường trực, nên đảm nhiệm chức năng kiểm soát này”, - chuyên gia khuyến nghị.

Ngoài ra, theo TS. Dũng, cần phân định rạch ròi giữa chỉ đạo và điều hành, trong đó, cần lưu ý rằng, kiểm tra, thanh tra, điều tra, công tố và xét xử là các hoạt động đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn và phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật.
Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-huyn lĩnh án phạt vì tham nhũng dù cố “tẩy trắng”
Nhấn mạnh tham nhũng là vấn đề lớn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng thẳng thắn cho rằng, sự thụ động, sự e ngại, sự thiếu quyết liệt và né tránh trách nhiệm của bộ máy quản trị công cũng là vấn đề lớn không kém. Chuyên gia lưu ý thêm rằng, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng nhưng phải bảo vệ được những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của dân, của nước.

“Đây phải là nhiệm vụ trọng tâm của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh/thành”, - TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định và nêu rõ, cần phải thấm nhuần tinh thần của Kết luật 14 của Bộ Chính trị về việc “bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Thảo luận