Những phát ngôn sốc ở phiên xử Phùng Anh Lê ‘kêu oan đến chết’

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê khẳng định sẽ kêu oan đến chết vì cho rằng tòa “buộc tội bằng niềm tin” không bằng chứng đối chất mà chỉ dựa vào lời khai của những cán bộ có “tư thù cay cú” từ trước và nhân chứng Phùng Văn Bảy lại là người nghiện cờ bạc.
Sputnik
Viện Kiểm sát khẳng định làm việc khách quan, công tâm, không làm vụ án cho đẹp, cho tròn mà làm đúng – xử đúng người, đúng tội.

Tuyên án vụ cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ

Ngày 14/8, Hội đồng xét xử TAND TP. Hà Nội tiến hành tuyên án với bị cáo Phùng Anh Lê, 55 tuổi, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ và 3 cựu thuộc cấp trong vụ án tha người trái pháp luật gây xôn xao dư luận trước đó.
Theo đó, sau hơn 2 ngày xét xử, HĐXX nhận định, việc tha người trái pháp luật với Nguyễn Hữu Tài đã xảy ra từ lâu. Trừ bị cáo Phùng Anh Lê, các bị cáo đều khai phù hợp nội dung, phù hợp kết quả điều tra vụ án, HĐXX đủ căn cứ khẳng định, tối ngày 22/9/2016, tại phòng làm việc của Phùng Anh Lê tại Công an quận Tây Hồ, thông qua ông Phùng Văn Bảy, Lê đã nhận 110 triệu đồng của chị H., sau đó chỉ đạo cấp dưới thả Nguyễn Hữu Tài không theo quy trình, thủ tục.
Đồng thời, theo chỉ đạo của Phùng Anh Lê, các cán bộ liên quan đã tiến hành cho đối tượng hòa giải, đền bù với bị hại. Vụ việc sai phạm của Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm sau đó không được xử lý theo quy định của pháp luật. HĐXX nhận định, hành vi của Phùng Anh Lê đã phạm tội "Nhận hối lộ", chịu trách nhiệm chính trong vụ án; 3 bị cáo còn lại phạm tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù".
Do đó, HĐXX tuyên bố, xử phạt bị cáo Phùng Anh Lê 7 năm 6 tháng tù. Mức án này thấp hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát hôm qua là 7-9 năm tù theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự.. Ông Lê cũng phải trả lại 110 triệu đồng đã nhận hối lộ để “chỉ đạo miệng” tha người.
Ba thuộc cấp của ông Phùng Anh Lê ở Công an quận Tây Hồ gồm Nguyễn Đức Châu cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự, bị phạt 10 tháng 28 ngày, bằng thời hạn tạm giam, do đó được trả tự do ngay tại tòa. Bị cáo Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, bị phạt 6 tháng tù treo. Bị cáo Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, bị phạt 4 tháng 12 ngày tù, bằng thời gian bị tạm giam, được tòa ghi nhận đã chấp hành án xong.
Ba bị cáo Châu, Ngọc, Trung bị kết tội “tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”, theo Điều 378 Bộ luật Hình sự.
Cựu Đại tá Phùng Anh Lê mách toà vì bị kiểm sát viên dọa nạt

Những phát ngôn gây sốc

Trước đó, tại phần tranh luận của phiên xử cựu Đại tá Phùng Anh Lê và thuộc cấp, có nhiều phát ngôn, tình tiết gây sốc đối với dư luận.
Chẳng hạn, qua 2 ngày xét xử, tranh luận, bị cáo Phùng Anh Lê phủ nhận mọi cáo buộc và kêu oan, cho rằng cơ quan điều tra cùng các công tố viên đã làm việc không khách quan. Cựu trưởng Công an quận Tây Hồ nói bị ép cung và muốn thay đổi đại diện Viện kiểm sát duy trì công tố tại phiên toà, một mực phủ nhận lời khai của ông Phùng Văn Bảy (chú) đã nhận 110 triệu đồng để tha Tài và đồng phạm trái pháp luật.
Ông Phùng Anh Lê cho rằng bị "buộc tội bằng niềm tin", không có bằng chứng vật chất mà chỉ dựa vào lời khai của các nhân chứng và các cán bộ dưới quyền (Châu, Ngọc, Trung), trong khi, theo cựu Trưởng Công an Hồ Tây, những cán bộ này đều có "tư thù, cay cú" từ trước nên chỉ nêu các bằng chứng bất lợi - hành vi mà ông không làm để buộc tội ông.
Thậm chí, ông Phùng Anh Lê còn nói, vụ án này là một bài học về việc đồng nghiệp ứng xử với nhau, rằng mình bị thù ghét, hãm hại và đó là điều đáng hổ thẹn. Ông Phùng Anh Lê cho rằng, mình vướng vòng lao lý là vì lời khai của nhân chứng Phùng Văn Bảy và người khác đổ vấy tội lên bản thân ông, do đó, yêu cầu xem xét lại tư cách nhân chứng của chú họ Phùng Văn Bảy.
Cựu Đại tá Phùng Anh Lê khẳng định chú họ Phùng Văn Bảy là kẻ “nghiện cờ bạc”, thường xuyên lợi dụng chức vụ, danh tiếng của cháu họ để làm việc riêng. Cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ có lúc hỏi đã quay sang hỏi chú Bảy rằng, có dám giơ tay lên thề trước HĐXX, những người tham dự phiên tòa và thề trước mạng sống của mình rằng “hôm đó có đưa cho tôi 110 triệu không?”.
Không chỉ tranh luận nóng trong phiên tòa, khi nói lời sau cùng, mà khi bước ra khỏi phòng xử án, ông Phùng Văn Bảy ngay lập tức bị người thân của bị cáo Phùng Anh Le chỉ trích. Đáp lại, ông Bảy khẳng định mình không làm gì sai mà chỉ khai sự thật. Cũng theo cựu Đại tá Phùng Anh Lê, nếu có trường hợp phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài, với thẩm quyền của Trưởng Công an quận kiêm Thủ trưởng cơ quan điều tra, bị cáo hoàn toàn có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đó.
“Vậy thì việc gì tôi phải tự từ bỏ quyền đó của mình”, ông Lê nói.
Ngoài ra, đối chất tại tòa, các bị cáo còn lại đều khai khớp với nội dung vụ việc, cho rằng mình là “nạn nhân của Anh Lê và phải làm theo lệnh ông Lê, không thể trái”. Các nhân chứng khai thời gian đã lâu, không nhớ rõ chính xác các chi tiết song đều khẳng định có việc đưa tiền cho ông Lê. Nhờ đó người nhà đã được thả khỏi nhà tạm giam chỉ sau chưa đầy một ngày.
“Việc chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng là cấp dưới phục tùng cấp trên, đúng điều lệnh CAND. Tôi chỉ là người xuống nhận bàn giao người, không tác động, không có thẩm quyền trong việc quyết định và thực hiện thả người”, bị cáo Ngọc khai, nói về việc bản thân cùng với Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung đều là “nạn nhân” của ông Phùng Anh Lê và chỉ phục tùng mệnh lệnh của Thủ trưởng.
Nói lời sau cùng, những bị cáo này đã nhận thức được sai phạm, ăn năn hối hận, phạm tội lần đầu và mong được HĐXX xem xét, cho hưởng tình tiết giảm nhẹ. Về phần mình, cựu Đại tá Phùng Anh Lê tuyên bố sốc rằng, ông sẽ kêu oan cho đến khi nào được thì thôi, thậm chí là kêu oan cho đến chết vì đây là danh dự dòng họ nhà ông.

“Nếu tôi bị tuyên một năm hay 10 năm cũng như nhau, bởi tôi không có tội. Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan, chống án tới cùng” và “trước khi chết tôi sẽ di chúc cho vợ tôi, các con tôi kêu oan bằng được, bởi đây là danh dự của cả dòng họ nhà tôi”, cựu Đại tá Phùng Anh Lê kiên quyết.

Vì sao cựu Đại tá Phùng Anh Lê ép thả người?

“Chúng tôi không làm đẹp vụ án”

Bản án sơ thẩm nêu rõ, trong vụ án này, các bị cáo đều được đào tạo trong môi trường Công an, nhưng các bị cáo đã vi phạm các quy định của ngành, của pháp luật, dẫn đến phạm tội.
Những cựu Công an này đều vi phạm các nguyên tắc, quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trong, gây ảnh hưởng tiêu cực dến các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc xã hội, cần xử lý nghiêm.
“Việc truy tố, xử lý nghiêm các bị cáo là cần thiết, nhằm cải tạo giáo dục và phòng ngừa tội phạm nói chung”, bản án nêu.
HĐXX nhận định, trong số các bị cáo, người phải chịu trách nhiệm chính là bị cáo Phùng Anh Lê. Đáng lẽ bị cáo Lê phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng bị cáo với động cơ vụ lợi đã tha trái pháp luật đối tượng Nguyễn Hữu Tài (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội - là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi). Bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng mình bị oan sai, cáo buộc không thuyết phục, bị cáo không nhận tiền hối lộ, nhưng Hội đồng xét xử nhận định, việc truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.
Trong khi đó, các bị cáo khác trong vụ án làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi. Họ đã tiếp nhận chỉ đạo trái pháp luật của bị cáo Phùng Anh Lê, thực hiện các mệnh lệnh không đúng pháp luật. Những bị cáo này đã nhận thức được sai phạm, ăn năn hối hận, phạm tội lần đầu và được Hội đồng xét xử xem xét, cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Hội đồng xét xử cũng khẳng định, quá trình khởi tố điều tra, truy tố các bị cáo, về cơ bản, các cấp tố tụng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, công tâm, khách quan. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, chứng cứ, tài liệu trong vụ án, Tòa xác định, mặc dù hồ sơ giam giữ Nguyễn Hữu Tài chưa thu giữ được, nhưng căn cứ vào lời khai của những người liên quan và các tài liệu khác, có thể khẳng định nội dung vụ án như cáo trạng truy tố.
Về việc bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng không có quyết định tạm giữ 247 tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Tài mà chỉ có quyết định số 247 là quyết định tạm giữ đối tượng có tên Dương Văn Lợi do chính bị cáo ký, HĐXX cho rằng, sự việc đối với Tài đã xảy ra từ lâu, trừ bị cáo Phùng Anh Lê, những người khác có thể không nhớ chi tiết, nhưng lời khai của họ cơ bản đều thống nhất nhau, đủ căn cứ khẳng định, thông qua ông Phùng Văn Bảy (chú họ bị cáo Lê), bị cáo Lê đã nhận 110 triệu đồng của người thân Nguyễn Hữu Tài. Sau đó bị cáo Phùng Anh Lê chỉ đạo cấp dưới tha trái pháp luật cho Tài. Đối tượng Tài sau đó bị xác định có hành vi cướp tài sản.
Tòa nêu, biết rõ Tài đang thi hành quyết định tạm giữ, biết việc tha Tài phải có quyết định hủy quyết định tạm giữ, nhưng ba bị cáo là cấp dưới của bị cáo Phùng Anh Lê đã không báo cáo cấp có thẩm quyền về vụ việc. Tuy nhiên, các bị cáo này không được hưởng lợi trong việc tha trái pháp luật đối với Tài. Hành vi của các bị cáo đồng phạm tội Tha trái pháp luật người bị tạm giam, tạm giữ là có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật, không oan.
Về phần VKS, cơ quan này cho rằng, sau 5 năm vụ án tha người trái pháp luật mới được làm rõ, việc người liên quan có những lời khai khác nhau là điều khó tránh khỏi. Điều đó để cho thấy cơ quan điều tra VKSND Tối cao không nắn chỉnh, thể hiện sự khách quan trong công tác tố tụng. Để xác định tội của cựu Đại tá Phùng Anh Lê không dựa vào chỉ lời khai duy nhất của ông Bảy mà còn sử dụng cả hệ thống chứng cứ có tính logic, hợp lý, phù hợp diễn biến khách quan của vụ án và 2 bị cáo Trung, Ngọc cũng chính là “nhân chứng sống” vụ ông Lê nhận hối lộ để thả người.
“Chúng tôi không làm vụ án cho nó đẹp, cho nó tròn mà là làm đúng”, VKS khẳng định.
Thảo luận