Theo vị cựu thủ tướng, việc Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp với khả năng đổi mới sáng tạo bậc nhất thế giới không đến một cách tình cờ.
Ông Barak lý giải rằng có 3 yếu tố trong nền văn hóa Israel dễ dàng tạo nên sự khác biệt, và đó là điều kiện rất quan trọng để tạo ra quốc gia khởi nghiệp.
Theo chia sẻ của cựu thủ tướng Barak, Israel rất coi trọng việc học hành nên trẻ em đã được dạy đọc và viết từ rất sớm, có khi từ 3 tuổi đã được dạy dù tuổi bắt buộc đi học là 6 tuổi. Đầu tư cho giáo dục được đầu tư rất nhiều, hơn cả chi tiêu cho quân sự dù Israel luôn đối mặt với các mối đe dọa thường trực từ bên ngoài.
Nuôi dưỡng nhân tài
Nhà nước Do Thái bắt đầu một mô hình chọn nhân tài cách đây 45 năm và hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, nuôi dưỡng nhân tài theo cách đó.
“Ban đầu chỉ có 1.500 trường trung học phổ thông trên cả nước. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu mỗi trường tiến cử 3-6 học sinh xuất sắc. Chúng tôi đã sàng lọc khoảng 10.000 người này và chọn ra 500 người tốt nhất”, ông nói. Khi hoàn thành bậc trung học, họ được gửi vào đơn vị công nghệ trong quân đội.
Trong số 500 người trên, Israel cũng chọn ra 40 người giỏi nhất.
“Họ thực sự là những thiên tài. Chúng tôi sẽ không gửi họ đến các đơn vị (quân đội) mà đưa họ đến các cơ sở giáo dục hàn lâm trong 3 năm, ngay sau khi họ tốt nghiệp trung học”, ông nói.
Bên cạnh cử chuyên gia cao cấp giảng dạy cho những người này, chính phủ Israel còn hỗ trợ chỗ ở, tiền trợ cấp... để họ tập trung nghiên cứu. Sau 3 năm, những người này sẽ được gửi vào các trung tâm nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất của cơ sở quốc phòng. Vì vậy, theo ông, sau 9 năm, họ đã được tiếp xúc sâu với nền khoa học hiện đại nhất Israel.
Bằng mô hình này, Israel đã tạo ra được lực lượng các nhà khoa học và chuyên gia xuất sắc lên tới hàng chục nghìn người, trở thành động lực cốt lõi cho phát triển quốc gia.
Việc hỗ trợ tài chính cho những công ty khởi nghiệp cũng được chú trọng. Ông Barak nói Israel có cơ quan thuộc chính phủ phụ trách giúp đỡ những công ty khởi nghiệp trẻ. Cơ quan này sẽ hỗ trợ tài chính cho những dự án có khả năng thành công, dựa trên nền khoa học chất lượng và ý tưởng tốt.
Ngoài ra, Israel khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu - phát triển.
“Chúng tôi khuyến khích các công ty, cả khu vực tư và công, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở Israel. Đầu tư trung bình cho nghiên cứu và phát triển tại Israel cao gấp đôi so với OECD, các nước phát triển khác. Và hiện tại, chúng tôi đang được đền đáp”, ông nói.
Yếu tố thứ ba mà ông Barak nhấn mạnh là việc Israel giáo dục người trẻ không quá coi trọng hệ thống thứ bậc. Trong quá trình lập kế hoạch, cấp dưới được khuyến khích tham gia cùng và đặt câu hỏi cho cấp trên.
“Khi còn là sĩ quan, tôi không bao giờ ngần ngại nói với cấp trên rằng chúng tôi có thể làm điều đó tốt hơn theo cách khác”, cựu thủ tướng Israel chia sẻ.
Khi đã trở thành tổng tham mưu trưởng, ông Barak nói luôn cho phép các sĩ quan trẻ đặt câu hỏi đối với công việc của mình, không bao giờ cho rằng việc hỏi là điều đáng xấu hổ.
“Vì vậy, tôi thấy rằng ba yếu tố này trong nền văn hóa dễ dàng tạo nên sự khác biệt và tôi thấy rằng đó là điều kiện rất quan trọng để tạo ra quốc gia khởi nghiệp”, ông kết luận.
Ông Barak cũng chỉ ra rằng giữa Việt Nam và Israel có điểm tương đồng. Có thể thấy, vị cựu thủ tướng có cái nhìn rất đỗi lạc quan đối với Việt Nam.
“Đối với một quốc gia có thể vượt qua lịch sử chiến tranh ấy và thống nhất đất nước, bầu trời sẽ là giới hạn cho những gì quốc gia ấy có thể đạt được”, ông nói.
Nói về tương lai, ông Barak nhận định ở Việt Nam hội tụ 2 yếu tố thiết yếu để thực hiện “bước nhảy vọt về phía trước”, đó là sự rõ ràng trong mục tiêu của lãnh đạo và luồng năng lượng có thể cảm nhận được ở bất cứ nơi đâu, nhất là trong mắt những sinh viên Việt Nam ông đã gặp.
“Tôi đến đây trong khoảng thời rất ngắn nhưng tôi thấy các bạn đang đi đúng hướng trên mọi khía cạnh mà tôi có thể nghĩ ra”, ông Barak nói, nhấn mạnh Việt Nam cần chú ý nâng cao giáo dục, thu hút công nghệ và FDI.
Lời khuyên dành cho Việt Nam
Khi được hỏi có lời khuyên nào dành cho Việt Nam trong tận dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để khi các doanh nghiệp này rút đi, những công nhân lại không phải trở về làm nông dân, ông Barak cho rằng Việt Nam nên suy nghĩ thực tế là các doanh nghiệp đến đây vì lợi ích của họ, chứ ưu tiên hàng đầu không phải là muốn giúp đỡ Việt Nam.
Theo cựu thủ tướng Israel, điều doanh nghiệp cần khi đầu tư vào một quốc gia là sự ổn định và dễ tiên liệu. Ổn định ở đây không chỉ là về mặt chính trị, mà còn là chính sách và pháp luật.
"Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước khác như Nhật Bản, cách họ đã vươn lên từ đống tro tàn sau Thế chiến thứ hai. Việt Nam cũng có thể học Singapore, Hàn Quốc, Israel hay thậm chí cả Trung Quốc. Sự phát triển của Trung Quốc ngày nay là một kinh nghiệm rất lớn và đặc biệt", ông Barak nêu dẫn chứng.
Mặc dù là quốc gia khởi nghiệp có tiếng tăm, cựu thủ tướng Barak cũng thừa nhận có một số vấn đề mà Israel cũng gặp phải tương tự như quốc gia mới khởi nghiệp. Đó là tình trạng doanh nghiệp khởi nghiệp bị nước ngoài thâu tóm.
Theo cựu thủ tướng, để tránh việc chảy máu chất xám và giữ tinh thần khởi nghiệp luôn cháy, cần có những quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước hay những nhà đầu tư mạo hiểm trong nước. Họ sẽ là những người rót tiền vào các dự án khởi nghiệp trong nước và sẽ giữ doanh nghiệp hay sản phẩm đấy là tài sản của quốc gia, dân tộc.