Trước đó, thông tin từ Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí PVEP cho hay, tổ hợp nhà thầu vận hành khai thác mỏ Cá Tầm gồm có Vietsovpetro, PVEP và Bitexco đang nỗ lực để giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm có thể đón dòng dầu đầu tiên (FO) vào đầu tháng 12 năm nay.
Hạ thủy thành công khối thượng tầng giàn CTC2 mỏ Cá Tầm Lô 09-3/12
Thông tin từ Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro) cho biết, ngày 9 tháng 8 vừa qua, tại công trường thi công Cảng Vietsovpetro, Liên doanh Việt – Nga đã thực hiện thành công công tác hạ thủy khối thượng tầng giàn Cá Tầm 2 (CTC-2) để đưa đi lắp đặt tại mỏ Cá Tầm thuộc Lô 09-3/12.
Cũng theo Vietsovpetro, lễ hạ thủy diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị nhà thầu PVEP, Bitexco của PSC Lô 09-3/12, đại diện lãnh đạo Vietsovpetro (Tổng thầu EPCI) và các nhà thầu phụ thi công lắp đặt công trình này.
Theo đó, khối thượng tầng giàn CTC-2 có kích thước khoảng 27 x 21,5 x 22 (m), nặng khoảng 737 tấn (chưa bao gồm cầu dẫn và cẩu 8 tấn), đã được hạ thủy thành công trên sà lan VSP-05 lúc 08:30 sáng ngày 09/8/2022, bằng phương án dùng trailer để vận chuyển.
Như vậy, sau hơn ba năm hoạt động, sản xuất tại Lô 09-3/12, việc xây dựng giàn CTC-2 tại Lô 09-3/12 đã đánh dấu bước phát triển mới của Vietsovpetro trong việc triển khai xây dựng công trình biển và hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu trong việc phát triển mỏ Cá Tầm.
Đặc biệt, đây cũng được xác định là hoạt động sản xuất chủ lực của Vietsovpetro trong tương lai, khi mà sản lượng của mỏ Bạch Hổ Lô 09-1 đang vào giai đoạn cuối đời mỏ, lượng dầu khai thác bị sụt giảm.
Ý nghĩa quan trọng
Theo Vietsovpetro, sự kiện này là một bước tiến trong kế hoạch gia tăng sản lượng khai thác ở mỏ Cá Tầm và qua đó, sẽ góp phần vào ổn định sản xuất chung của Liên doanh Dầu khí Việt – Nga trong những năm tới, đồng thời, việc hạ thủy thành công khối thượng tầng giàn CTC2 mỏ Cá Tầm Lô 09-3/12 cũng đóng góp bổ sung vào nguồn ngân sách nhà nước.
Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước đó cho hay, dự án phát triển mỏ Cá Tầm Lô 09-3/12 là một trong những dự án phát triển các Lô ngoài Lô 09-1 mà Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro là “Người điều hành (NĐH)”.
Tuy nhiên, do dự án xây dựng giàn CTC-2 diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngoài ra không thể bỏ qua các yếu tố khách quan bên ngoài như việc biến động chính trị, xung đột gây ảnh hưởng uy tín của các nước lớn trên thế giới có tác động ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Việt – Nga, Vietsovpetro đã linh hoạt trong công tác điều hành và quản lý dự án để thích ứng với những biến động.
Chưa kể, đây cũng là dự án Vietsovpetro tự thực hiện từ khâu thiết kế, mua sắm đến thi công lắp đặt, đánh dấu sự phát triển và lớn mạnh nhanh chóng của Liên doanh trong lĩnh vực xây dựng và phát triển mỏ ở Việt Nam.
Nhờ có sự quan tâm của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đẩy nhanh phê duyệt dự án, cùng nỗ lực của tập thể các cán bộ nhân viên và các nhà thầu phụ như Sinh Hùng, PVD Training, dự án đã nhanh chóng được triển khai và thực hiện, theo Vietsovpetro.
Lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro cho biết, thành công bước đầu của khối thượng tầng giàn CTC-2 cho thấy sự nỗ lực rất lớn, tính chuyên nghiệp cao, khắc phục mọi khó khăn và hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan, trong đó cần tính đến vai trò của các bên quản lý như Ban Quản lý hợp đồng dầu khí, Ban quản lý dự án Xí nghiệp xây lắp (đơn vị thi công), Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế (đơn vị thiết kế kỹ thuật) trực thuộc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.
Vietsovpetro cũng thông tin rằng, theo tiến độ tổng thể được thông qua trước đó, trong thời gian tới, dự án xây dựng giàn CTC-2 dù còn nhiều giai đoạn phải thực hiện như vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, kết nối, chạy thử và bàn giao cho đơn vị vận hành nhưng doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực.
“Vietsovpetro cam kết sẽ tiếp tục thực hiện dự án xây dựng giàn CTC-2 với quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc dự án”, Liên doanh cho biết.
Công trình giàn Cá Tầm 2 ngoài hạng mục khối thượng tầng vừa được hạ thủy thành công còn có hạng mục khác như Chân đế 733 tấn, Cọc 850 tấn, Bến cập tàu 36 tấn, Cầu dẫn 70 tấn, Hoán cải giàn Cá Tầm 1 để kết nối với CTC-2.
Tính đến ngày 3 tháng 8, dự án xây dựng CTC-2 đã thực hiện được hơn 500 ngàn giờ an toàn, không để xảy ra tai nạn lao động.
Vietsovpetro đánh giá đây là cột mốc quan trọng, ghi nhận sự cố gắng và tính chuyên nghiệp của người lao động tham gia dự án của Liên doanh.
Thời gian tới, theo Vietsovpetro, tại giàn CTC-2 sẽ triển khai liên tục hai chiến dịch khoan giếng khai thác và kế hoạch đưa giàn vào vận hành khai thác từ tháng 12 năm 2022, đảm bảo việc gia tăng sản lượng trong những năm tiếp theo, mang về nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, lợi nhuận đầu tư cho Tổ hợp nhà thầu của Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 09-3/12.
Về dự án mỏ Cá Tầm
Được phát hiện vào năm 2012, mỏ Cá Tầm thuộc Lô 09-3/12 nằm ở phía Đông Nam bể Cửu Long, cách Vũng Tàu khoảng 160km, độ sâu nước 61m.
Dự án mỏ Cá Tầm do Tổ hợp nhà thầu gồm có Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro) tham gia 55% và giữ vai trò Nhà điều hành (Người điều hành), PVEP nắm 30% và Bitexco (doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước và cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ngoài PVN tham gia đầu tư lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí) nắm 15% cùng vận hành khai thác.
Vào ngày 12 tháng 9 năm 2012, hợp đồng dầu khí khai thác mỏ Cá Tầm được ký kết và đón dòng dầu đầu tiên ngày 25/12019 ở giàn CTC-1. Giàn CTC-2 có kết cấu giàn 4 chân 12 lỗ khoan, được kết nối với CTC-1 bằng cầu dẫn. Chân đế và khối thượng tầng của giàn được khởi công thi công vào ngày 22/1/2022.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai xây dựng giàn CTC-2, phía điều hành là Vietsovpetro đã phải đối mặt với nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19 đến khủng hoảng Nga - Ukraina gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực hết mình, cùng sự hỗ trợ từ PVEP, Bitexco, Vietsovpetro đã vượt tiến độ chế tạo chân đế giàn CTC-2 và hạ thủy thành công khối thượng tầng giàn CTC2 mỏ Cá Tầm Lô 09-3/12.