«Tất nhiên, Iran có vẻ khiêm tốn hơn nhiều so với Nga trên thị trường năng lượng. Nhưng lại có một đặc điểm có thể thực sự thay đổi cán cân quyền lực trên thị trường toàn cầu. Iran sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và có thể hoàn toàn thay thế Nga trên thị trường châu Âu. Điều đó có thể xảy ra, thứ nhất, nếu như lệnh trừng phạt chống Iran được dỡ bỏ, - là khả năng cực kỳ hãn hữu. Thứ hai, nếu như giải quyết được vấn đề cung cấp khí đốt từ Iran sang châu Âu. Ở đây có hai con đường. Cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng bằng tàu chở dầu. Nhưng đối với Iran thì con đường này đã bị đóng chặt. Có hải đội vận chuyển khí đốt, chính thức thuộc về Iran, nhưng thật ra 95% là sở hữu của Trung Quốc. Như vậy, hiện tại cung cấp LNG từ Iran sang châu Âu là bất khả. Chỉ có thể cố gắng thu hút các hãng vận chuyển khí đốt nước ngoài, nhưng châu Âu đã thực hiện nỗ lực như vậy, và hóa ra đơn giản là không có hãng vận chuyển khí đốt nào rảnh ở châu Âu», - ông Rustam Tankaev lưu ý.
Bối cảnh địa chính trị
“Đường ống dẫn khí đốt kết nối Iran với châu Âu đang hiện hữu. Với công suất chỉ vẻn vẹn 15 tỷ mét khối mỗi năm, đường ống này đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, nước này hút lấy gần như toàn bộ khí đốt cho mình. Trong trường hợp tốt nhất, khí đốt đến châu Âu có thể đạt 1 tỷ mét khối mỗi năm. Công suất của đường ống dẫn khí đốt này có thể tăng dung lượng đáng kể, nhưng lại có một trở ngại: 1/3 đường ống đi qua vùng tập trung đông dân của người Kurd trên địa bàn Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra hoạt động chiến sự. Sẽ không một ngân hàng hay quỹ nào đổ tiền ra cho vay để xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến châu Âu trong khu vực nội chiến này. Do đó, đường ống dẫn khí đốt này chỉ thể hiện khả năng kỹ thuật cung cấp khí đốt của Iran cho châu Âu, chứ không phải là đối trọng thực sự thay thế Nga đối với châu Âu”, - ông Rustam Tankaev nhấn mạnh.
"Mặc dù Iran là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng khí đốt, nhưng khai thác của chúng tôi vào khoảng 800-900 triệu mét khối mỗi ngày và chúng tôi tiêu thụ cũng khoảng chừng đó trong thời kỳ cao điểm. Chúng tôi sẽ có thể xuất khẩu khí đốt sang châu Âu nếu liên doanh phát triển được các mỏ, phát triển cơ sở hạ tầng và đường ống dẫn khí đốt, chẳng hạn như qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là phương thức tốt nhất để cung cấp khí đốt từ Iran sang châu Âu khi có đoạn đường ống dẫn thích hợp. Nếu nói về cung cấp khí đốt cho châu Âu hiện nay, thì chỉ là những con số nhỏ nhoi không đáng kể", - ông Hedayatullah Khademi thông báo.
Cần dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Iran
"Về cung cấp dầu mỏ, đất nước chúng tôi chắc chắn sẽ có thể chiếm tỷ lệ lớn của thị trường nếu như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, bởi vì Iran có năng lực sản xuất cao. Hiện thời là nửa triệu thùng dầu và khí ngưng condensate xuất khẩu mỗi ngày, do trừng phạt chúng tôi không thể đóng vai trò thực sự trên thị trường. Trong triển vọng, nếu tích cực liên doanh cùng chung phát triển các mỏ và tăng cao công suất khai thác, mỗi ngày chúng tôi chắc chắn có thể xuất khẩu hơn 2,5 triệu thùng dầu khí ngưng condensate", - ông Hedayatullah Khademi tin chắc.
«Nếu thu hút sự tham gia của các chuyên gia có năng lực, chúng tôi có thể cùng với LB Nga bắt đầu một số giai đoạn phát triển thực địa và nhanh chóng tiến tới giai đoạn xuất khẩu. Ngoài ra, Iran có thể mua khí đốt từ chính LB Nga, sau đó xuất khẩu sang châu Âu. Vì thế, dự báo của tôi như sau: nếu tích cực hợp tác với LB Nga, chỉ sau 5 năm chúng tôi sẽ có thể chiếm phần lớn thị trường năng lượng thế giới», - ông Hedayatullah Khademi kết luận.