Đặc biệt, hoa quả Trung Quốc đồ về thị trường Việt hiện nay cũng giảm chiêu trò “núp bóng” hàng Việt, hàng Mỹ hay gian lận xuất xứ nhiều như trước đó vì tâm lý “tẩy chay hàng Trung Quốc” của người tiêu dùng đã bớt đi.
Trong khi đó, theo Hải quan Việt Nam, xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và nước ngoài có xu hướng giảm đi rõ rệt.
Việt Nam nhập nhiều rau quả từ Trung Quốc
Hôm 18 tháng 8, Đằng Tấn dẫn số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan của Trung Quốc cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022 này, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.
Theo thống kê của nhà chức trách Trung Quốc, 7 tháng năm 2022 này, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 1,92 tỷ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn giữ vị trí thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến hơn 47,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam.
Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 799,7 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt tới 1,1 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ 2021.
Việt Nam nhập nhiều rau quả nhất từ Trung Quốc, chiếm đến 35,6% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau quả của quốc gia Đông Nam Á này.
Tính tới hết tháng 7 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu rau quả Trung Quốc của Việt Nam đạt gần 400 triệu USD, tăng 60% so với năm trước đó.
Trang mạng Đằng Tấn nêu rõ, cùng với việc tham gia các hiệp định tự do thương mại, thuế nhập khẩu rau quả của Việt Nam hiện còn rất thấp, thậm chí có nhiều loại mức thuế nhập bằng 0, vậy nên, nhiều loại rau quả của Trung Quốc đã đổ vào thị trường Việt Nam với giá rẻ.
Đồng thời, đây cũng được cho là lý do chính dẫn đến việc các loại rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam.
Trung Quốc đứng vị trí số 1
Số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn giữ vị trí số 1 về thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam trong 6 tháng đầu năm khi nắm tới 47,6% thị phần.
Trong khi đó, nhà chức trách Việt Nam cũng quan ngại việc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc lại giảm 34% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 800 triệu USD.
Cơ quan Hải quan Việt Nam cũng lưu ý, tính đến hết 31/7, Việt Nam đã chi tới hơn 1 tỷ USD (1,1 tỷ đô la) nhập khẩu rau quả, tăng đến 27,3% so với cùng kỳ.
Trung Quốc, Mỹ, Úc là ba thị trường mà Việt Nam mua nhiều rau quả trái câu nhất với tỷ lệ tương ứng 35,6%, 16,4% và 9,3%.
Thực tế, theo dõi diễn biến thị trường trong nước có thể thấy, thời điểm này đang là mùa cao điểm thu hoạch trái cây tại Việt Nam. Tuy nhiên, các loại trái cây mùa hè như vải, sầu riêng, măng cụt, bơ, mít có giá trung bình đều giảm so với năm ngoái 2021.
Theo lý giải của các thương lái, nguồn cung rau quả dồi dào do đang vào mùa vụ và lượng xuất khẩu giảm, kéo theo giá cả cũng giảm hơn. Trong khi đó, trái cây nhập khẩu về nước đa dạng phong phí, nhiều loại, giá cả phải chăng, không chênh lệch nhiều so với hàng trong nước nhưng mẫu mã đẹp, hình thức đóng gói thu hút đã khiến người tiêu dùng trong nước chi nhiều hơn cho các nhóm hàng nhập khẩu.
Bàn về việc vì sao trái cây nhập, nhất là từ thị trường Trung Quốc đổ về Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên hàng về nhiều, giá ngày càng rẻ. Cũng theo ông Nguyên, hoa quả nhập bên cạnh đó cũng có chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, lạ mắt nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Đây cũng là lý do ở các thành phố lớn, trái cây ngoại chiếm thị phần áp đảo, bày bán ngày càng nhiều ở siêu thị và chợ”, ông Nguyên lý giải.
Không còn ‘núp bóng’ hàng Việt
Điều đang lưu ý, hoa quả Trung Quốc hiện nay đã công khai rộng rãi hơn xuất xứ nhập chứ không 'núp bóng' hàng Việt Nam hay được gắn mác hàng nhập từ Mỹ, Úc như trước.
Thực tế trên thị trường thời gian qua, có nhiều loại trái cây Trung Quốc như đào, mận, dưa lưới, lựu, táo, nho, hồng…được các xe tải lớn nhỏ ùn ùn chở về các chợ đầu mối ở Hà Nội từ các tỉnh biên giới phía Bắc. Chủ hàng sau khi công khai thừa nhận nguồn gốc xuất xứ còn giới thiệu tường tận tới cả vùng trồng cũng như chất lượng sản phẩm của Trung Quốc.
Việc con số thống kê đến hết 7/2022, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lên tới gần 400 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy mức độ xâm nhập mạnh của hoa quả Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên lưu ý, hoa quả, trái cây Trung Quốc nhiều năm trước về Việt Nam thường có giá rẻ, đa dạng, dễ nhận diện. Tuy nhiên, sau nhiều lần cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều loại rau củ, trái cây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép, gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, người dân Việt Nam trở nên thận trọng hơn và có tâm lý không thích trái cây rau quả nhập về từ Trung Quốc. Điều này mới dẫn tới việc phải đội lốt hàng Việt, gian lận xuất xứ hay gắn mác giả là hàng nhập từ Mỹ, Úc…
Theo lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, phía Trung Quốc đã bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, cũng như phương thức chế biến của nông dân, thương lái, các chủ cơ sở, do đó, họ cũng phải thay đổi thói quen sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nhằm tạo được các sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ đa dạng các phân khúc.
Theo ông Nguyên, cũng nhờ đó mà hình ảnh và niềm tin vào mặt hàng rau quả trái cây Trung Quốc dần được tăng lên.
Để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng cũng như thị phần mặt hàng rau quả Việt ngay tại sân chơi nước nhà, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng thị trường nội địa với cả gần trăm triệu dân.
Việt Nam vốn là quốc gia nhiệt đới, có thế mạnh về rau quả, trái cây nhiệt đới, nhưng còn nhiều doanh nghiệp Việt chỉ chú trọng thị trường nước ngoài mà bỏ quên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam còn thiếu chứng chỉ được công nhận rộng rãi do đó, khả năng xuất khẩu cũng bị hạn chế bớt.
Theo các chuyên gia, Việt Nam, ngoài đảm bảo được nguồn cung bền, tốt, sạch, thì cần phải chú trọng chất lượng sản phẩm, không chỉ đáp ứng khách hàng nước ngoài mà trước hết cần phục vụ nhu cầu trong nước, đưa các thương hiệu rau quả trái cây Việt Nam khẳng định được chỗ đứng ngay tại sân chơi nước nhà thông qua quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh.