Y tế Việt Nam ‘có 1 núi việc’, Thủ tướng yêu cầu “cái gì có lợi cho dân thì làm”

Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức.
Sputnik
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, ngành y tế có “một núi việc” và toàn những việc cấp bách cần giải quyết ngay.Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải đặt sức khoẻ người dân lên hàng đầu, cái gì có lợi cho dân thì làm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành y tế có cả núi việc

Theo ông Đam, Việt Nam đang phát triển với thu nhập trung bình thấp, nhu cầu khám chữa bệnh cao. Trung bình chi phí khám chữa bệnh những năm trước đây có 70% liên quan đến thuốc, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Mấy năm gần đây rút xuống còn khoảng 60%, trong đó máy móc phải là tốt nhất, thuốc tốt, thiết bị, vật tư cũng chất lượng cao.
Riêng về thuốc, theo Phó Thủ tướng, có tới hơn 90% là thuốc Việt Nam nhập từ bên ngoài. Mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam tính trung bình một người (người dân, người nghèo, người mua bảo hiểm theo hộ) là 1 triệu VNĐ/người/năm, không bằng 1/10-1/30 của các nước phát triển. Về vấn đề nhân sự, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

“Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó”, - Phó Thủ tướng lưu ý.

Xét về lâu dài, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ.

“Chúng ta cũng phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của NSNN, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất”, - ông Đam thẳng thắn.

Tiếp theo là vấn đề biên chế, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là câu chuyện dài. Việt Nam hiện nay có 8,8 bác sĩ/vạn dân, trong khi con số này ở Australia là 36, Pháp là 34, Trung Quốc là 22, ngang với Ấn Độ, cao hơn Indonesia. Về điều dưỡng viên, ở Việt Nam, một bác sĩ chỉ có 1 – 1,5 điều dưỡng viên, trong khi trên thế giới trung bình là từ 3-4, Nhật Bản có thậm chí là 9-10 người. Về tự chủ y tế, theo ông Đam, phải có cơ chế, đồng thời, Bộ Y tế phải khởi xướng, Bộ Tài chính đồng hành, trong đó, vấn đề quan trọng là y tế cơ sở.
Phó Thủ tướng dẫn lại Nghị quyết Quốc hội, 30% chi cho dự phòngvà cho hay, trung bình hiện nay chi chỉ có 17%. Muốn chi phải lên được danh mục dịch vụ y tế. Khái niệm y tế cơ sở trong Nghị quyết 20 cũng nói rất rõ, y tế cơ sở được hiểu là y tế huyện, y tế xã là cánh tay nối dài của y tế huyện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân

“Không nên quá máy móc là xã nào cũng phải có bác sĩ, mà đặt vấn đề là chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho mọi người dân trên khắp các địa bàn. Có nơi cần bác sĩ ở xã nhưng có nơi xã cách y tế huyện một khoảng cách không xa, thì có cần thiết hay không? Phải nhìn vào thực tế”, - ông Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng tha thiết đề nghị các đồng chí Chủ tịch tỉnh chỉ đạo UBND huyện làm sao phải có chương trình chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên mọi địa bàn. Từ đó, sẽ ra được các công việc, các mảng dịch vụ mà trạm y tế cơ sở buộc phải làm, nâng cao trình độ và tăng thu nhập. Khi có thu nhập tốt thì sẽ ngành y sẽ thu hút lao động nhiều hơn. Về việc tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế hoàn thành dự thảo Nghị quyết về vấn đề này và trình Chính phủ.

“Khi Nghị quyết được ban hành, nếu vẫn không mua được trang thiết bị, vật tư y tế thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm”, - Phó Thủ tướng thẳng thắn.

Thành tựu đáng khen của y tế Việt Nam

Báo cáo tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện đã tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân.

“Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần”, - bà Lan nói.

Đến nay, tầm vóc người dân Việt Nam cũng được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A…).
Đáng chú ý, theo bà Lan, Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Italy, Pháp... Cũng theo bà Lan, thành tích chống dịch Covid-19 vừa qua của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của hơn nửa triệu cán bộ y tế toàn ngành. Cùng với đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm.

Giải quyết tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc

Bàn về những hạn chế hiện nay, theo quyền Bộ trưởng, trong ngành y tế còn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn; hệ thống thể chế còn những vướng mắc; các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập...Còn các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như: mệnh giá BHYT, tự chủ bệnh viện, thanh toán BHYT, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...
Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Ngoài ra còn những thách thức khác do mô hình bệnh tật thay đổi; tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Nhu cầu, kỳ vọng của người dân cao hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời. Hệ thống y tế dự phòng cơ sở còn hạn chế. Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối.... Tồn đọng hồ sơ, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký như thiếu chuyên gia, chất lượng hồ sơ nộp thấp, mức thu phí thấp.
Ngân sách nhà nước cho y tế và BHYT có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao ( trên 40% tổng chi). Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững.
Bà Đào Hồng Lan cũng nói về tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Bộ Y tế kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất với viên chức ngành y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Không phân biệt công lập tư nhân

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự tri ân đối với tất cả các bác sĩ, nhân viên y tế, ông nhấn mạnh, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Y tế luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình. Thủ tướng đề nghị để ngành y tế tốt hơn trong thời gian tới thì cần phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình.

“Coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu. Làm việc phải thực chất, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”, - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân - không phân biệt công lập hay ngoài công lập; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung, dài hạn.

“Đặc biệt, mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật”, - Thủ tướng lưu ý.

Trước mắt, sẵn sàng chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Thủ tướng cũng nhấn mạnh các cấp, ngành quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, với quan điểm quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Toàn ngành tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Giảm chi tiền túi của dân

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Nếu vướng mắc cơ chế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến việc khám, điều trị sức khỏe của nhân dân. Thủ tướng chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm y tế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.

“Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân”, - Thủ tướng lưu ý.

Trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên…đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế, đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, tập trung phát triển công nghiệp dượccủa Việt Nam.
Đại dịch COVID-19
WHO: Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về số ca Covid-19 mới, Bộ Y tế chưa tuyên bố hết dịch

“Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, - Thủ tướng nhắc lại và yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt.

Thảo luận