Vụ Mỹ từ chối giải trình của gần 40 công ty xuất khẩu gỗ Việt Nam: “Chúng ta bị oan”
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) được cho là đã từ chối bản giải thích của gần 40 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam khiến các công ty lo lắng, thậm chí, đứng bên bờ vực “phá sản hàng loạt”.
SputnikNhư đã biết, hồi cuối tháng 7 7/2022, chính quyền Mỹ công bố kết luận sơ bộ về gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, gỗ dán của doanh nghiệp Việt nhập vào thị trường Hoa Kỳ được cho là có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mỹ từ chối giải trình của gần 40 công ty Việt Nam?
Ngày 22 tháng 8, lãnh đạo
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã thông tin cụ thể xoay quanh việc hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang “như ngồi trên đống lửa” sau khi bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ từ chối giải trình hay đánh giá là “bất hợp tác”.
Cụ thể, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) lên tiếng về việc doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) từ chối chấp nhận bản giải thích, hoặc bị Mỹ phàn nàn là có hành vi không hợp tác, không trả lời thông tin trong cuộc điều tra nghi ngờ gian lận né thuế.
Theo đó, ông Hoài xác nhận với báo Tiền Phong rằng, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) từ chối bản giải của gần 40 doanh nghiệp sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm của Việt Nam cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm.
Lý do được Mỹ đưa ra là các doanh nghiệp Việt đã nộp bản giải thích muộn. Do đó, DOC yêu cầu các công ty Việt Nam chủ động gỡ bỏ hoặc xóa các tập tài liệu đã nộp trên hệ thống.
Nếu DOC xác định được đây đúng là sự thật thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, trên Thanh Niên cũng dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Viforest Ngô Sỹ Hoài cho biết, phía Bộ Thương mại Mỹ có kết luận sơ bộ đối với gỗ dán cứng Việt Nam với 22 doanh nghiệp được DOC đánh giá là không có phản hồi đúng và 14 doanh nghiệp được liệt vào danh sách không hợp tác, không trả lời.
Theo ông Hoài, các doanh nghiệp này đang làm giải trình và có đăng ký để được điều trần. Lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng lưu ý, cuộc điều tra này không phải là điều tra thuế chống bán phá giá, mà gọi là điều tra nghi có sự né tránh nộp thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp áp đặt lên sản phẩm gỗ dán cứng của Trung Quốc vào Mỹ được xuất khẩu đi từ Việt Nam. Tức phía Hoa Kỳ nghi ngờ có sự né tránh nộp thuế.
Ông Ngô Sỹ Hoài cũng lưu ý, các doanh nghiệp bị đánh giá phản hồi không đúng hoặc bị coi là không hợp tác vì các chủ yếu là do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quen với vụ việc tương tự và có lẽ đây là lần đầu tiên các doanh nghiêp cọ xát với điều tra của phía DOC Hoa Kỳ.
Nguy cơ phá sản hàng loạt?
Trong số 40 doanh nghiệp bị từ chối bản giải thích, có không ít nhà xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An, Saigon River Factory, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), Công ty TNHH Giang Minh, Công ty TNHH Tân Phước.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), sản phẩm đồ gỗ của Mifaco có hơn 90% xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Hiệp kể, trong hai tháng trở lại đây, do ảnh hưởng thông tin về vụ kiện và tình hình khó khăn từ thị trường, đơn hàng của công ty sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp cũng bắt đầu cắt giảm bớt hoạt động sản xuất.
“Mifaco là doanh nghiệp uy tín ở trong ngành, đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng với công nghệ sản xuất hiện đại, không dại gì mà chỉ nhập lõi gỗ dán từ Trung Quốc về để chế biến rồi xuất khẩu đi Mỹ. Có chăng tình trạng này xuất hiện ở những doanh nghiệp FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc, nở rộ trong thời gian qua”, - ông Hiệp cho biết.
Theo lãnh đạo Mifaco, khi nhận được thông báo từ Mỹ, doanh nghiệp đã nộp bản giải thích. Nhưng đây là lần đầu tiên công tytham gia giải thích một vụ kiện chống bán phá giá nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong khai hồ sơ.
“Hiện, không chỉ Mifaco, các doanh nghiệp ngành gỗ đều mất ăn mất ngủ vì vụ kiện. Chúng tôi đang nhờ các đơn vị tư vấn xử lý lại bản giải thích để gấp rút trả lời phía Mỹ”, - ông Điền Quang Hiệp bày tỏ.
Điều đáng lo nhất là việc DOC từ chối bản giải thích của các doanh nghiệp Việt khiến vụ áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam tăng thêm độ căng thẳng.
Thực tế, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lo lắng và hoang mang. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tên trong danh sách không hợp tác, hoặc phản hồi không đúng của DOC.
“Nếu bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ rơi vào phá sản”, - ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Viforest thừa nhận.
“Chúng ta bị oan”
Như đã biết, Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 65%
tổng trị giá xuất khẩu gỗ, lâm sản). Theo Viforets, năm 2021, Mỹ nhập khẩu lượng sản phẩm gỗ, nội thất tương đương khoảng 13,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 9 tỷ USD. Riêng gỗ dán xuất từ Việt Nam đạt khoảng 522 triệu USD.
Cũng theo khảo sát nhanh của Hiệp hội, có tới 45/52 doanh nghiệp ngành gỗ xuất đi Mỹ thì hiện có đến 33 công ty thông báo doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Với tình hình thị trường như hiện nay, Viforest nhận định xuất khẩu gỗ của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm và khó đạt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD như đã đề ra.
Trong bối cảnh đó, ông Ngô Sỹ Hoài cũng khẳng định Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang gấp rút hỗ trợ các doanh nghiệp để tham gia điều trần với phía Mỹ.
“Thực sự chúng ta bị oan. Có doanh nghiệp thấy phức tạp bắt đầu nản, nhưng chúng tôi khuyên không nên bỏ cuộc vì còn nước còn tát”, - ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Xử nghiêm các vụ vi phạm gian lận thương mại
Về phần mình, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đề nghị, đối với vụ kiện phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, Chính phủ cần sớm tổ chức cuộc trao đổi với phía Mỹ, sẵn sàng mời cơ quan chức năng của Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu về quy trình, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại.
“Chúng ta cần cho họ thấy các doanh nghiệp Việt làm ăn minh bạch, sòng phẳng, không có chuyện doanh nghiệp Việt gian lận”, - ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Viforest cũng đề nghị các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cần cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều những cảnh báo, khuyến nghị để các hiệp hội, doanh nghiệp có thể ứng phó kịp thời.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp có đăng ký tài khoản vào trang web của DOC, cũng như tiếp nhận các thông tin từ DOC để có phản biện kịp thời, Viforest cũng đề nghị Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng vào cuộc với tinh thần là Việt Nam không bao che cho doanh nghiệp làm sai nhưng kiên quyết không làm oan cho các doanh nghiệp làm đúng.
Tiếp đó, về lâu dài, cần đa dạng hoá thị trường. Ông Ngô Sỹ Hoài cũng nêu câu chuyện kinh nghiệm thực tế đáng lưu ý đó là một khi DOC khởi xướng điều tra áp thuế vào một mặt hàng nào đó của Trung Quốc thì khoảng sau 2 năm, họ lại có thể điều tra với sản phẩm cùng loại từ Việt Nam bởi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thế giới phẳng, khi một nước bị điều tra áp đặt thuế thì sản xuất sẽ chuyển dịch sang nước khác.
“Việt Nam cũng là nơi thuận tiện trong chuyển dịch, nếu làm đúng quy định pháp luật thì cũng không sao cả. Phía Mỹ cũng mong muốn không phụ thuộc vào nhà sản xuất từ Trung Quốc và một trong những mục tiêu của họ đặt ra cũng là đa dạng nguồn cung ứng để bớt phụ thuộc vào một thị trường”, - ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Theo đó,
bất cứ mặt hàng nào đó hay gỗ chuyển dịch sang Việt Nam là bình thường với điều kiện không có gian lận, bằng nội lực của doanh nghiệp và thực hiện đúng luật. Ông Hoài cũng cho hay, qua kinh nghiệm xử lý của các vụ việc tương tự, doanh nghiệp nào phản biện ngay từ đầu, làm đúng theo yêu cầu của phía Mỹ được liệt kê vào doanh nghiệp hợp tác tốt và có thể xuất khẩu các sản phẩm bình thường.
Ông cũng cho rằng, chủ yếu ở đây là lỗi kỹ thuật, doanh nghiệp vừa và nhỏ mới lần đầu va chạm nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giải trình kịp thời cho nên không quan tâm đến việc gửi thông tin đúng thời gian.
Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương cũng lưu ý, các doanh nghiệp cố gắng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh “bỏ trứng vào một giỏ” và hoàn thiện
hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để phục vụ điều tra phòng vệ thương mại.
“Bộ Công Thương đang hỗ trợ các doanh nghiệp làm lại bản bình luận, đồng thời tích cực liên hệ với Bộ Thương mại Mỹ để giải thích và làm rõ thông tin nước này đưa ra”, - ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương nhấn mạnh.