Quảng Bình đính chính thông tin về thầy Thích Trúc Thái Minh

Sau khi báo chí có bài đăng tải liên quan đến việc đại đức Thích Trúc Thái Minh làm phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình, trưởng Ban Tôn giáo tỉnh này đã lên tiếng đính chính về chia sẻ trước đó.
Sputnik
Bao Tôn giáo tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị này và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình không thực hiện việc thuyên chuyển, phê chuẩn, bổ nhiệm liên quan đến thầy Thích Trúc Thái Minh.
Theo đó, việc thuyên chuyển, bổ nhiệm đại đức Thích Trúc Thái Minh hoạt động tôn giáo tại tỉnh Quảng Bình là công việc nội bộ của Giáo hội, do Giáo hội lựa chọn và thực hiện.

Trưởng Ban Tôn giáo Quảng Bình đính chính

Ngày 25/8, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình cho biết đã có thông cáo báo chí liên quan đến việc đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) - làm phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh này.
Theo đó, đại đức Thích Trúc Thái Minh được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thuyên chuyển về hoạt động tôn giáo tại tỉnh Quảng Bình từ cuối năm 2021.
Đến tháng 3/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình gửi hồ sơ đăng ký nhân sự dự kiến tham gia Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 với 39 thành viên. Trong số đó, có đại đức Thích Trúc Thái Minh.
"Qua xem xét lý lịch tư pháp của 39 thành viên, không có trường hợp nào có tiền án, tiền sự. Vì vậy, cơ quan chức năng đã thông tin lại cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh để tiến hành đại hội theo chương trình, kế hoạch", thông cáo cho biết.
Thầy Thái Minh sau đó được đại hội bầu giữ chức phó trưởng Ban Trị sự kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình.
Quảng Bình lên tiếng về vụ bổ nhiệm Đại đức Thích Trúc Thái Minh từ chùa Ba Vàng
Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc thuyên chuyển, bầu cử, bổ nhiệm và chuẩn y nhân sự tham gia Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027 là công việc nội bộ của Giáo hội, do Giáo hội lựa chọn và thực hiện.
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình và Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình không thực hiện việc thuyên chuyển, phê chuẩn, bổ nhiệm liên quan đến việc này.
Trước đó, ông Trần Đức Thủy, trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình, xác nhận việc bổ nhiệm đại đức Thích Trúc Thái Minh có vai trò của cơ quan chức năng phía tỉnh Quảng Bình.
"Việc bổ nhiệm người ở địa phương khác vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh là rất bình thường. Thẩm quyền luân chuyển bổ nhiệm thì do Sở Nội vụ và ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt", ông Thủy nói với báo Tuổi trẻ.
Sau khi báo chí có bài đăng tải, ông Thủy xin "đính chính" lại là nhân sự của Ban Trị sự đã được Sở Nội vụ có văn bản "chấp thuận" trước khi đưa ra đại hội của Giáo hội Phật giáo tỉnh bầu.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng

Chùa Ba Vàng, còn có tên là Bảo Quang Tự, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, TP Uông Bí. Từ năm 2007, đại đức Thích Trúc Thái Minh là trụ trì của chùa này.
Tháng 3/2019, sau khi báo Lao Động có loạt bài điều tra về việc chùa Ba Vàng tổ chức truyền bá "vong báo oán" và "giải nghiệp" thu lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, lãnh đạo thành phố Uông Bí và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc kiểm tra.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh sau đó cũng lên tiếng về vụ việc.
Qua xác minh làm rõ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết luận chùa Ba Vàng tổ chức lễ "giải oan gia trái chủ", chữa bệnh nhờ thỉnh vong, "trả nợ cho vong" bằng tiền hoặc lao động không công là trái với nghi lễ Phật giáo truyền thống.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương Giáo hội, "làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn".
Đại đức Thích Trúc Thái Minh bị bãi nhiệm tất cả chức vụ trong Giáo hội Phật giáo trung ương và địa phương, nhưng vẫn được cho tiếp tục trụ trì chùa Ba Vàng. Vị sư thầy này sau đó đã lên tiếng xin lỗi nhân dân, phật tử và sám hối 49 ngày dưới sự giám sát của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Đến ngày 26 tháng 1 năm 2020, đại diện thành phố Uông Bí cho biết chùa Ba Vàng tổ chức cúng hóa giải nạn dịch cúm virus corona chưa xin phép và hoạt động này cũng không nằm trong nội dung đăng ký Phật sự.

Vụ “sớt bát cúng dường” ở chùa Ba Vàng

Mới đây nhất, như Sputnik đã đưa tin, ngày 10/7/2022 (tức ngày 7/8 âm lịch), chùa Ba Vàng đã tổ chức Lễ Vu Lan với khoảng 10.000 người tham dự. Tại lễ này, nhà chùa đã tổ chức hoạt động sớt bát cúng dường vào 11h trưa, trong khuôn viên chùa.
Phật tử tham gia hoạt động này bằng hình thức cúng dường bằng tiền, hoa quả, bánh kẹo, vật thực… Tuy nhiên, hình ảnh nhiều người còn quỳ rạp xuống hai bên đường để cúng dường chư tăng đã gây phản ứng trái chiều của một số người dân.
Ngày 16/8, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ đã lên tiếng về vụ việc.
Nóng vụ 2 nhà sư Thích Trúc Thái Minh và Thích Nhật Từ, Giáo hội lên tiếng về chùa Ba Vàng
Theo đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, việc cúng dường của chùa Ba Vàng là không phù hợp, cần tránh hiện tượng tương tự.
Ngay sau đó, trên trang Facebook của mình với hơn 1,6 triệu người theo dõi, Đại đức Thích Trúc Thái Minh có bài đăng với tuyên bố:
“Thượng tọa Thích Nhật Từ nên nhìn lại chính mình trước khi phê phán chùa Ba Vàng”, sư Thái Minh nói.
Đồng thời, trên trang Facebook chùa Ba Vàng cũng đăng tải nội dung tương tự.
Đến ngày 19/8, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã lên tiếng về vụ việc.
Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, việc làm cúng dường như trong video lan truyền trên mạng xã hội của chùa Ba Vàng là “chưa chuẩn”, “không phù hợp với triết lý và truyền thống Phật giáo Việt Nam”.
Theo đó, Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh rằng, trước kia, Đức Phật cũng có đi khất thực nhưng không tiếp nhận tiền tài, hoa, chủ yếu chỉ nhận thức ăn, đồ dùng.
“Các sư đi khất thực cầm chiếc bát, khi nhận đủ thức ăn trong bát sẽ không lấy thêm nữa”, Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ.
Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết thêm, Phật giáo ở Việt Nam gần như không có việc khất thực này. Hình thức này chủ yếu xuất hiện ở dòng Phật giáo Nam Tông.
“Phật tử có tâm muốn cúng dường thường sẽ làm việc này tại chùa. Xã hội từng có hiện tượng ‘giả sư’ để khất thực. Đó là vấn nạn tín ngưỡng bị biến dạng, biến tướng”, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý.
Thảo luận