PVN lo dự án mỏ Cá Voi Xanh, ExxonMobil vẫn muốn gây áp lực cho Việt Nam?

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN hay Petrovietnam) kiến nghị Chính phủ “thông qua công tác ngoại giao” để có ý kiến với nhà thầu ExxonMobil tiếp tục tham gia và triển khai dự án Cá Voi Xanh.
Sputnik
Đồng thời, ngoài gỡ khó các dự án lớn như Lô B – Ô Môn, Long Phú 1, Dung Quất, một trong những thông tin đáng chú ý về năng lượng Việt Nam đó là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị được tham gia đầu tư điện gió ngoài khơi và sản xuất hydro xanh để phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng nhanh hơn dự báo.

PVN muốn đầu tư điện gió ngoài khơi

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến về báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định các đề nghị của PVN.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nêu ra 4 nhóm nội dung với 12 kiến nghị lớn, gồm những quy định liên quan tới sửa Luật Dầu khí, các quy định hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Đáng chú ý, nhằm để phù hợp với tình hình mới và thực hiện các mục tiêu chiến lược ngành dầu khí, Petrovietnam kiến nghị cho phép tham gia đầu tư điện gió ngoài khơi và sản xuất hydro xanh để tận dụng thế mạnh về nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng hiện có.

“Điều này cũng cho phép PVN đầu tư quản lý hệ thống kho dự trữ quốc gia về nguyên liệu dầu thô và sản phẩm xăng dầu”, - tập đoàn lưu ý.

PVN kiến nghị gỡ khó dự án lô B – Ô Môn, Long Phú 1

Đối với các nhà máy nhiệt điện đã đi vào vận hành và đang xây dựng, tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị thành lập chi nhánh phát điện dầu khí trực thuộc PVN để quản lý vận hành các nhà máy điện Sông Hậu 2, Thái Bình 2 và Long Phú 1. PVN mong kịp thời tiếp cận khai thác các nhà máy này.
Liên quan đến các dự án đầu tư lớn, PVN cho biết hiện nay tiến độ triển khai chuỗi dự án khí - điện lô B - Ô Môn đang bị chậm rất nhiều so với kế hoạch, ảnh hưởng lớn hiệu quả dự án. Do đó, để thúc đẩy dự án sớm đưa vào triển khai theo đúng tiến độ dự kiến dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2025, tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ kiến nghị Chính phủ có quyết định về vấn đề bao tiêu khí, bao tiêu điện đối với chuỗi dự án khí - điện lô B.
Cùng với đó, PVN cũng đề xuất chấp thuận chủ trương thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ về chuỗi dự án khí - điện lô B để đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại trong nhiều năm, đặc biệt vướng mắc về GGU và các thỏa thuận thương mại.
Như đã biết, chuỗi dự án khí – điện Lô B là các dự án trọng điểm của Việt Nam về dầu khí và sản xuất điện, có vai trò quan trọng cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực phía Nam và hệ thống điện quốc gia để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Dự án này cũng được kỳ vọng góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho hệ thống, an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia với mục tiêu sử dụng hết sản lượng khí Lô B theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Do chuỗi dự án khí - điện Lô B là tổ hợp các dự án quy mô lớn, có nhiều dự án thành phần thuộc các khâu khác nhau, có nhiều nhà đầu tư gồm cả trong nước, nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nên vấn đề triển khai đồng bộ dự án này hiện được đánh giá là rất phức tạp. Thời gian qua, Petrovietnam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hỗ trợ rất chặt chẽ nhằm gỡ những vướng mắc còn tồn đọng và đã báo cáo Thủ tướng về khó khăn, biện pháp cần thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với dự án điện Long Phú 1, tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết, cũng đang có nhiều vướng mắc. Do đó, PVN kiến nghị cho phép lập lại tổng mức đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn tổng thầu EPC mới cho dự án, song song với quá trình đàm phán để giải quyết tranh chấp với tổng thầu Power Machines (PM, Nga) trước đó gặp khó khăn bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
PVN nói chuỗi dự án Khí – Điện Lô B, Cá Voi Xanh chậm tiến độ nghiêm trọng

Về đề xuất xây dựng Tổ hợp Lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia

Báo cáo kiến nghị về dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, PVN thừa nhận hiện đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai theo các thông số đã phê duyệt trước đây không còn hiệu quả, khả thi.
Vậy nên, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đề xuất các bộ ngành sớm xem xét, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đồng thời, cũng liên quan tới đề xuất dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu Long Sơn, PVN đã có báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu cơ hội đầu tư, nên kiến nghị các bộ ngành xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở cho PVN triển khai các bước tiếp theo.
Trước đó, như Sputnik đề cập, nhằm tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước, PVN đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ hội đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư 17-18,5 tỷ USD cho hai giai đoạn, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 70%. Nguyên liệu sản xuất cho tổ hợp lọc hoá dầu này sẽ sử dụng tối đa từ nguồn dầu thô, khí và condensate trong nước. Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt, sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ... tuỳ quy mô công suất.
Giai đoạn 1, mỗi năm dự án tổ hợp lọc hoá dầu có công suất 12-13 triệu tấn dầu thô; 0,66 triệu tấn condensate, ngoài ra còn LPG, Ethane... để đáp ứng nhu cầu cao trong nước. Giai đoạn này cũng sẽ sản xuất 7-9 triệu tấn xăng dầu một năm; 2-3 triệu tấn hoá dầu. Khi có chuyển dịch năng lượng xảy ra mạnh mẽ, có thể thay đổi xem xét giảm sản phẩm xăng dầu, tăng sản lượng sản phẩm hoá dầu ở giai đoạn 2.
Giai đoạn 2, PVN sẽ đầu tư bổ sung, chuyển cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hoá dầu với công suất dầu thô, condensate tương tự giai đoạn 1. Cùng đó giảm sản phẩm xăng dầu về 3-5 triệu tấn một năm, tăng sản phẩm hoá dầu 5,5 - 7,5 triệu tấn một năm. Còn kho dự trữ dầu thô, xăng dầu quốc gia dự kiến có công suất 1 triệu tấn một năm; kho sản phẩm xăng dầu 500.000 m3 mỗi năm.

PVN kiến nghị gì về dự án Cá voi xanh hợp tác với ExxonMobil?

Đề cập đến chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết hiện tiến độ triển khai dự kiến chậm sau năm 2025. Nguyên nhân được nêu ra là do điều chỉnh chiến lược đầu tư của nhà thầu ExxonMobil và các vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Do đó, PVN kiến nghị Chính phủ “thông qua công tác ngoại giao để có ý kiến với nhà thầu ExxonMobil, tiếp tục tham gia và triển khai dự án theo tiến độ. PVN cũng kiến nghị chấp thuận các hạng mục công trình dự án khi triển khai thực hiện sẽ áp dụng đồng bộ, thống nhất theo Luật Dầu khí sửa đổi và thông qua cơ chế bao tiêu toàn bộ lượng khí cam kết theo hợp đồng.
Trước đó, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030 Việt Nam dự kiến phát triển khoảng 7.240 MW, gồm: cụm 3 nhà máy Ô Môn 2, Ô Môn 3 và Ô Môn 4 sử dụng khí từ Lô B; cụm 5 nhà máy điện sử dụng khí của mỏ Cá Voi Xanh (gồm Dung Quất 1&2,3 và Miền Trung 1&2 với tổng công suất 3.750 MW) và một nhà máy điện sử dụng mỏ Báo Vàng với công suất 340 MW.
Cần nhấn mạnh rằng, đây là các nguồn điện đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng nêu việc cần có các giải pháp để giữ tiến độ của cụm nhiệt điện khí Ô Môn - Lô B (3.150 MW, vận hành giai đoạn 2025-2027) và cụm nhiệt điện khí Miền Trung - Cá Voi Xanh (3.750 MW, vận hành giai đoạn 2028-2029). Cụ thể, theo nhà chức trách, cụm điện khí Lô B, vướng mắc chính ở phía thượng nguồn là vấn đề bảo lãnh Chính phủ. Trong khi đó, với cụm mỏ khí Cá Voi Xanh cũng đang đối mặt với rủi ro về phía thượng nguồn.

“Do ExxonMobil - nhà đầu tư chính đang có vấn đề về định hướng đầu tư nội bộ và dự án này không nằm trong các dự án ưu tiên của ExxonMobil”, - theo Bộ Công Thương.

Do đó, việc đàm phán các thỏa thuận thương mại chậm sẽ ảnh hưởng đến triển khai nhiều việc khác. Riêng với mỏ khí Báo Vàng, phía Việt Nam cũng cho hay đang gặp khó khăn trong xác định trữ lượng của mỏ khí, nên khó có thể vận hành trước năm 2030.
Dự án Cá Voi Xanh luôn nhận được sự chú ý đặc biệt từ dư luận. Hồi năm 2019-2020, từng xuất hiện nhiều thông tin về việc ông trùm năng lượng Mỹ ExxonMobil có thể rút khỏi dự án Cá Voi Xanh và muốn gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để rút ngắn quy trình phê duyệt. Cũng có người cho rằng việc Exxon rời đi là e ngại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như câu chuyện của Repsol, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đến năm 2022, phía ExxonMobil cho biết vẫn sẽ hợp tác với PVN ở dự án này. Hồi tháng 5 năm nay, PVN và ExxonMobil đã bàn kế hoạch thúc đẩy dự án mỏ khí Cá Voi Xanh nhằm thúc đẩy giúp đưa dự án Cá Voi Xanh tiếp tục triển khai nhằm đạt tiến độ quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và ký thỏa thuận khung mua bán khí (GSA HOA) mới sau khi thỏa thuận khung cũ hết hạn.
Trong chuyến thăm châu Âu, đích thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Perer Lavoy, Giám đốc cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Exxon Mobil tại Bỉ và đề nghị ExxonMobil cùng với PVN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để duy trì đúng tiến độ, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 2024.
ExxonMobil, Murphy Oil sẽ tiếp tục khai thác dầu khí ở Việt Nam

“Chủ trương của Việt Nam là tăng nguồn năng lượng gió, tăng nguồn điện khí, giảm dần điện than, vì vậy, đề nghị Exxon Mobil sớm khởi động lại kế hoạch phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh trong thời gian sớm nhất”, - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thảo luận