Trung Thu: Đồ chơi truyền thống 'áp đảo' hàng nhập ngoại

HÀ NỘI (Sputnik) - Tết Trung Thu sắp đến gần. Các “phố Trung Thu” như Hàng Mã, Hàng Lược, Phùng Hưng tại Hà Nội đã rực rỡ sắc màu của đủ loại đồ chơi phục vụ cho ngày lễ đặc biệt này. Mặc dù đồ chơi ngoại nhập có giá thành rẻ và mẫu mã hấp dẫn nhưng theo lời các tiểu thương, năm nay đồ chơi truyền thống Việt Nam lên ngôi.
Sputnik

Sự trở lại của đồ chơi dân gian

Ghi nhận của Sputnik trong những ngày qua, phố Hàng Mã rất đông đúc, bởi nhiều gia đình cho trẻ em lên "phố Trung Thu" để lựa chọn những món đồ chơi đẹp mắt. Trao đổi với Sputnik, ông Đinh Thanh Tùng, một tiểu thương tại phố Hàng Mã, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết:

“Vì do hai năm COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất đồ chơi truyền thống không chịu được và nghỉ hoặc chuyển sang nghề khác nên xưởng sản xuất ít hơn. Năm nay đa số là hàng như đèn giấy, đèn lồng bóng kính là từ miền Nam. Miền Bắc có làm nhưng chủ yếu là đèn kéo quân".

Các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược tại Hà Nội v.v. rực rỡ sắc màu của đồ chơi dân gian Việt Nam
Có thể thấy, các cửa hàng trên "phố Trung Thu” năm nay bày bán 70%-80% mặt hàng đồ chơi truyền thống, đồ chơi thủ công của Việt Nam. Lý giải với Sputnik về nguyên nhân của sự thay đổi này, ông Quốc Tuấn, chuyên gia phân tích thị trường xuất nhập khẩu, cho biết:

“Nguyên nhân chính vẫn là đứt gãy nguồn cung ứng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nghĩa là xuất nhập khẩu đường tiểu ngạch cũng bị đứt gãy do Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách Zero COVID. Một phần cũng do khách hàng thay đổi gu mua sắm mà trong đó phụ nữ là người quyết định mua".

Bánh trung thu xa xỉ ngày càng được người Việt ưa chuộng

Gìn giữ văn hoá Việt

Chị Mai Thanh, một du khách từ TP. HCM ra Hà Nội công tác cũng tranh thủ mua cho các con của mình một số món đồ chơi truyền thống trong Nam không có như đèn cầy. Chia sẻ với Sputnik về lý do chọn đồ chơi dân gian mỗi dịp Trung Thu, chị Mai Thanh cho biết:

“Với bản thân Thanh luôn yêu các giá trị truyền thống và sản phẩm thủ công. Vậy nên chắc chắc Thanh sẽ chọn lồng đèn truyền thống. Ngày xưa mình là người được ông bà cha mẹ, gia đình tạo ra hay mang đến cho mình những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ đó. Giờ đây lớn lên, mình không nên chán nó, sứ mệnh của mình bây giờ là gìn giữ và tiếp nối cho em, con cháu mình. Giữ nét truyền thống, mình cũng muốn em, con cháu mình được tận hưởng những niềm vui đó".

Các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược tại Hà Nội v.v. rực rỡ sắc màu của đồ chơi dân gian Việt Nam
Đồng quan điểm, chị Vũ Bảo, một phụ huynh khác tại quận Ba Đình, cho rằng đồ chơi truyền thống có ý nghĩa giáo dục cho trẻ em văn hóa Việt Nam, giúp trẻ em hiểu được cội nguồn, ý nghĩa Tết Trung Thu.
“Tôi thấy đồ chơi Trung Thu dân gian như mặt nạ giấy, đèn kéo quân, ông Tiến sĩ v.v. giúp các cháu hiểu hơn về lịch sử, văn hoá nước nhà. Cùng con làm đèn ông sao, vừa làm, vừa kể chuyện về sự tích Chú Cuội - Chị Hằng cũng giúp cháu hiểu hơn về Tết Trung Thu, đồng thời gắn kết gia đình. Hiện nay, phụ huynh cũng hạn chế cho con chơi đồ chơi Trung Quốc vì chất lượng kém, độc hại".
Tết Trung thu đặc biệt ở Việt Nam

Sức mua tăng cao

Năm nay thị trường có hai dòng đồ chơi chính là đồ chơi truyền thống của Việt Nam và đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá của các loại đồ chơi nhìn chung không có biến động mạnh.

“Giá thực chất là cũng tương đối như nhau, không khác nhau là mấy. Đèn lồng của Việt Nam được khách lẻ mua nhiều hơn là đồ chơi của Trung Quốc. Giá đèn ông sao dao động từ 10 nghìn -15 nghìn đồng/chiếc, đèn kéo quân từ 150 nghìn - 400 nghìn đồng tuỳ kích thước", ông Đinh Thanh Tùng, tiểu thương tại phố Hàng Mã cho biết.

Các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược tại Hà Nội v.v. rực rỡ sắc màu của đồ chơi dân gian Việt Nam
Ngoài bán đèn, trống thì nhiều cửa hàng cũng bán giấy kính và khuôn để các bậc phụ huynh mua về cho con trẻ trải nghiệm việc tự tay làm đèn ông sao. Giá của set này dao động từ 15.000-30.000 đồng.

“Cơ sở giáo dục như trường học hay các doanh nghiệp yêu cầu đồ chơi cho Trung Thu của Việt Nam. Đồ chơi Trung Quốc đa số dành cho các học sinh và em bé đi chơi trên phố. Còn trang trí và tổ chức sự kiện phải dùng đồ Việt Nam hết", ông Dương Thanh Tùng cho biết.

Giao dịch mua hàng hiện nay cũng được "số hoá” thông qua các ứng dụng như Zalo hay tin nhắn Facebook. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu, gửi qua tin nhắn, các chủ cửa hàng đều sẵn sàng chụp ảnh và giao tới hàng tới tận nơi.
Các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược tại Hà Nội v.v. rực rỡ sắc màu của đồ chơi dân gian Việt Nam
Mặc dù chưa đến những ngày cao điểm nhất, nhưng sức mua hiện tại của các loại đồ chơi truyền thống đã tăng 25-30% so với năm ngoái. Ông Dương Thanh Tùng chia sẻ với Sputnik:
“Buôn bán thì ai cũng muốn bán được nhiều. Theo xu hướng người ta dùng cái gì nhiều thì mình bán cái đó. Tất nhiên, tôi vẫn mong đồ chơi dân gian Việt Nam ngày phát triển nhiều hơn".
Thảo luận