Ông Phạm Nhật Vượng nhận thù lao 0 đồng, túi tiền người giàu nhất Việt Nam sụt giảm

Báo cáo soát xét bán niên của Vingroup (mã HoSE: VIC), cùng với Vinhomes (VHM) vừa công bố cho thấy mức lương và thù lao của lãnh đạo chủ chốt Vingroup và Vinhomes.
Sputnik
Theo đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, người giàu nhất Việt Nam nhận thù lao 0 đồng, theo xếp hạng của Forbes, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng cũng có biến động.

Vingroup công bố mức thù lao của ông Phạm Nhật Vượng

Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm vừa được Vingroup và Vinhomes công bố cho thấy, ông Phạm Nhật Vượng cùng nhiều thành viên HĐQT Vingroup không nhận thù lao.
Theo đó, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay, Vingroup và Vinhomes đã chi trả thù lao cho HĐQT vào khoảng 24,1 tỷ đồng và Ban Tổng giám đốc ở mức 24,8 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú có số tài sản lớn nhất theo xếp hạng của Forbes cũng như Bloomberg, Chủ tịch Vingroup không nhận bất kỳ đồng thù lao nào.
Đáng chú ý, không chỉ ông Phạm Nhật Vượng nhận mức thù lao 0 đồng mà nhiều thành viên khác của HĐQT Vingroup cũng không nhận thù lao. Điều đáng nói nhất là, ông Phạm Nhật Vượng dù là với tư cách Chủ tịch HĐQT Vingroup hay thành viên HĐQT Vinhomes thì cũng không nhận thù lao cả trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2021 lẫn năm nay 2022.
Như đã biết, Hội đồng quản trị của Vingroup hiện có 9 thành viên. Trong đó có một Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, 4 thành viên HĐQT độc lập.
Mức thù lao được đề cập trong báo cáo soát xét vừa công bố trong 6 tháng đầu năm nay chỉ rơi vào khoảng 5 tỷ đồng.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT), bà Nguyễn Diệu Linh (Phó Chủ tịch) và thành viên HĐQT ông Yoo Ji-han (vừa được bầu làm thành viên HĐQT độc lập) không nhận thù lao.
Một số cá nhân còn lại nhận thù lao dao động từ mức hươn 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ VNĐ.
Người nhận thù lao cao nhất là vợ ông Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương và Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương, em vợ ông Vượng) với mức 1.017 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy, mức lương chi cho Ban Tổng giám đốc Vingroup trong 6 tháng đầu năm là 19,6 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.
Riêng lương của Tổng Giám đốc Vingroup – CEO Nguyễn Việt Quang là khoảng 6,2 tỷ đồng, tăng 9%. Tính cả thù lao 929 triệu đồng, ông Quang nhận được khoảng 7,1 tỷ đồng từu Vingroup trong nửa đầu năm nay. Nửa đầu năm 2021, ông Quang nhận khoảng 5,6 tỷ đồng.
Đối với Vinhomes, ngoài ông Phạm Nhật Vượng, một thành viên HĐQT khác cũng không nhận thù lao là ông Asish Jaiprakask Shastry.
Tài sản giảm mạnh, vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu top 10 sàn chứng khoán Việt
Trong khi đó, 7 thành viên còn lại nhận từ 458 triệu đồng tới 1,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tương ứng con số tổng là gần 4,8 tỷ đồng.
Riêng đối với ban điều hành Vinhomes, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hằng nhận mức thù lao khoảng gần 6 tỷ đồng, các thành viên khác nhận hơn 14 tỷ đồng.
Theo thông tin trên báo Người đồng hành, việc các doanh nghiệp thuyết minh thù lao của các thành viên HĐQT và lương Tổng Giám đốc thay vì để mức tổng cộng có thể là do quy định từ 1/1/2022, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao từng thành viên HĐQT, tiền lương Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp và báo cáo đại hội cổ đông tại các cuộc họp thường niên.

Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng

Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đang nắm 2,16 tỷ cổ phiếu VIC của Vingroup (trong số này có 1,17 tỷ cổ phiếu gián tiếp sở hữu thông qua nắm đến 92,88% cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam).
Tính theo giá trị cổ phiếu VIC, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng hiện vào khoảng 6,6 tỷ USD, còn theo đánh giá xếp hạng của Forbes thì khối tài sản của ông Vượng giảm khá sâu chỉ còn khoảng 4,9 tỷ USD, giảm 107 triệu USD, đứng thứ 411 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất hành tinh 2022 và 551 theo xếp hạng thời gian thực. Cuối năm ngoái, khối tài sản của ông Vượng đạt tới 7,4 tỷ USD.
Thông tin về thù lao của người giàu nhất Việt Nam gây chú ý khi trong sáng nay, tập đoàn Vingroup đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 với nhiều vấn đề đáng chú ý về tình hình kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong đó, Vingroup cho biết, doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm 2022 giảm nhưng tài sản doanh nghiệp lại tăng lên.
Cụ thể, theo báo cáo soát xét mà Vingroup công bố, nửa đầu năm 2022 này, Vingroup có tổng doanh thu thuần hợp nhất là hơn 31.600 tỷ đồng, giảm đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Vingroup lý giải doanh thu sụt giảm chủ yếu vì các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao vào cuối năm.
Tuy nhiên, các lĩnh vực kinh doanh còn lại của Vingroup đều có tăng trưởng tốt như kinh doanh khách sạn, vui chơi giải trí tăng 80%, y tế giáo dục tăng 44% và 14%.
Trừ giá vốn, chi phí, thuế, Vingroup lãi ròng sau thuế chỉ đạt 1.065 tỷ đồng. Chốt đến cuối tháng 6, khối tài sản của Vingroup đạt xấp xỉ 528.960 tỷ đồng, tăng 23% so với mức chốt thời điểm ngày 31/12/2021.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính bán niên 2022 của Vingroup cũng cho thấy tổng nghĩa vụ trả nợ của Vingroup vào khoảng 396.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Vingroup, trong số này, số tiền khách hàng và các đối tác trả trước để mua sản phẩm, nhất là bất động sản, đã đạt xấp xỉ 134.100 tỷ đồng (tức về bản chất đây là doanh thu trong tương lai của Vinhomes).
Doanh nghiệp của tỷ phú Vượng cũng còn các khoản phải trả ngắn hạn khác nhưng chưa đến hạn thanh toán như nợ nhà cung cấp, thuế, các khoản chi phí xây dựng trích trước. Tuy vậy, Vingroup cho rằng, đây là các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động thường xuyên của tập đoàn và về cơ bản đã được cân đối với các khoản phải thu là hơn 111.800 tỷ đồng.
Tổng nợ vay (gồm vay ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng, trái phiếu) của Vingroup hiện nằm trong khoảng hơn 166.580 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng đứng sau công ty năng lượng VN đầu tư hơn 173 triệu USD ra nước ngoài?
Lượng tiền mặt và tương đương của Vingroup hiện rơi vào khoảng 42.200 tỷ đồng. Theo Vingroup, xét nợ vay thuần (nợ vay sau khi trừ đi tiền và tương đương tiền) trên tổng tài sản của doanh nghiệp thì mức nợ vẫn khá thấp – 0,24 lần.
Như đã biết, ông Phạm Nhật Vượng sinh ra tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp đại học Địa chất Moskva, Nga với bằng cử nhân Kỹ thuật Kinh tế Địa chất và bắt đầu khởi nghiệp trên đất Ukraina bằng việc kinh doanh mì ăn liền.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được Forbes công nhận lần đầu vào năm 2013 với tài sản 1,7 tỷ đô la Mỹ khi đó.
Trong năm qua, ông Phạm Nhật Vượng luôn có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới và người giàu nhất Việt Nam.
Thảo luận