Lào thể hiện quyết tâm mở đường kết nối với Việt Nam

Việt Nam là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Lào. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, Lào xếp thứ nhất.
Sputnik
Quan hệ Việt Nam – Lào rất đặc biệt, tuy nhiên, hợp tác thương mại và đầu tư chưa xứng với tiềm năng. Theo các chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất chính là vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, logistics vì “đường đi đến đâu, kinh tế phát triển tới đó”. Doanh nghiệp kỳ vọng Việt Nam sớm có đường nối sang Lào thông thoáng hơn.

Việt Nam là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Lào

Sáng 31/8, chương trình giao lưu, trao đổi "Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam-Lào" do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Tạp chí Mekong ASEAN và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội tổ chức đã diễn ra thành công.
Sự kiện nhận được sự quan tâm đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 – 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2022).
Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Lào hiện là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan). Điều đáng lưu ý là, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020.
Chính phủ Việt Nam-Lào muốn đẩy mạnh hợp tác tư pháp giữa hai nước
Theo ông Võ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 8 tháng đầu năm 2022, có 3 dự án cấp mới và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký là 65,92 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

“Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới”, - đại diện Bộ KH&ĐT cho hay.

Trong khi đó, theo ông Souphanh Hadaoheuang, Tổng lãnh sự Lào tại Đà Nẵng, khi bàn về quan hệ Việt – Lào hay tiềm năng hợp tác song phương đã khẳng định, Việt Nam hiện là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như thủy điện, khoáng sản, nông nghiệp, dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào không chỉ tính tới lợi nhuận kinh tế mà còn chú trọng xây dựng các dự án hỗ trợ nâng cao đời sống sinh hoạt người dân như trường học, bệnh viện, hệ thống thủy lợi”, - ông Souphanh Hadaoheuang bày tỏ.

Lào luôn muốn kết nối với Việt Nam

Phát biểu tại cuộc giao lưu, bà Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cho biết, mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời. Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015.
Bà Sonechan cho hay, Chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và nước ngoài dựa theo Luật Xúc tiến Đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác của Lào trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài đến đầu tư tại Lào.
Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam. Giữa tháng 4/2022, hai Bộ Công Thương Lào - Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ 12 tại Vientiane. Qua đó khẳng định hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào-Việt Nam.
Tại sao Việt Nam nên lo lắng về khủng hoảng kinh tế của Lào
Tham tán Sonechan Phoutthavong nhấn mạnh Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam, cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau.

“Nếu Việt Nam có đường nối sang Lào thông thoáng hơn”

Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch hàng hóa giữa Lào-Việt Nam tăng trưởng khá, đạt hơn 948 triệu USD, tăng 54,14% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Lào với Việt Nam liên tục phát triển. Về cơ bản, doanh nghiệp hai bên tận dụng tốt ưu đãi của các hiệp định. Bằng chứng là trong 7-8 năm vừa qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực và đều cao hơn 10% mỗi năm. Vào năm 2021, con số này thậm chí còn trên 33%.
“Lào là thị trường trường đầu tư nước ngoài số một của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 5,2 tỷ USD”, - ông Hưng nói.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, ở một số khu vực cụ thể, các doanh nghiệp Việt lại chưa tận dụng hết các ưu đãi “cực kỳ đặc biệt và chưa từng có”. Nguyên nhân một phần do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm vững thông tin về các ưu đãi này. Phần khác một số doanh nghiệp còn chưa hiểu đúng ưu đãi của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào, đặc biệt là về sản phẩm đường. Cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam với ASEAN về đường nhập khẩu từ Lào là không hạn ngạch và hưởng thuế suất ưu đãi 5%. Tuy nhiên, theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, thuế chỉ bằng một nửa với cam kết cùng ASEAN nhưng có điều kiện tùy theo phân loại đường.
Lào ngưỡng mộ trình độ xây dựng của Việt Nam
“Nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn cho rằng nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam là được hưởng thuế 2,5%. Nhiều lô hàng đường về tới Hải quan Việt Nam mới nhận ra sai sót, gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, - đại diện Bộ Công Thương phân tích.
Thách thức khác là khi hàng Việt Nam xuất khẩu sang Lào là chi phí vận chuyển cao do quãng đường vận chuyển dài và điều kiện đường xá chưa tốt. Trong khi đó, Việt Nam còn phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khác có ưu thế địa lý gần hơn và chi phí thấp hơn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc CTCP mía đường Thành Thành Công, Biên Hòa đồng thuận rằng, các chính sách lớn như ưu đãi thuế quan cơ bản tốt, tuy nhiên thực tế, thủ tục nhập khẩu qua Lào và vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian. Theo đại diện doanh nghiệp, vấn đề lớn nữa là con người, lao động. Hiện theo quy định của Nhà nước Lào thì các công ty chỉ được phép sử dụng 10% lao động Việt Nam. Quy định này đưa doanh nghiệp vào thế khó để có thể phát triển nhanh.
“Doanh nghiệp rất muốn sử dụng người Lào nhưng quá trình tuyển vẫn không đủ”, - ông Ngữ bày tỏ.
Vượt Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Lào
Cùng với đó, ông Nguyễn Thanh Ngữ cho rằng, hiện kim ngạch thương mại từ Việt Nam sang Lào mới đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các nước có quan hệ thương mại với Lào, còn khiêm tốn so với tiềm lực giữa hai bên. Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào Nguyễn Duy Trung cũng cho rằng, cả doanh nghiệp hai phía đều chưa tiến tới sự tiệm cận triệt để các cơ hội dành cho mình.
“Nếu Việt Nam có con đường nối sang Lào thông thoáng hơn có lẽ sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Lào”, - ông Nguyễn Duy Trung tin tưởng.

Giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông Việt - Lào

Để nâng tầm hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào, Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam chỉ rõ, đầu tiên phải giải quyết vấn đề về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, giao thương du lịch giữa hai nước.
Tiếp theo là về vấn đề đào tạo nhân lực. Theo bà Sonechan, hiện nay, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào đào tạo nhân lực cho Lào vì nhân lực Lào tuy rẻ nhưng chất lượng chưa cao. Vì vậy, Lào rất mong Việt Nam đẩy mạnh đầu tư đào tạo nhân lực Lào nhiều hơn nữa.Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề để nâng cao kỹ năng cho lao động tại chỗ ở Lào.
Ông Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh, Việt Nam và Lào cần giải quyết điểm nghẽn về giao thông.
“Do đường đi đến đâu kinh tế phát triển đến đó, nên cần thực hiện thật nhanh dự án cao tốc Hà Nội-Vientiane”, - chuyên gia lưu ý.
Việt Nam đầu tư hàng trăm triệu đô la vào điện và khoáng sản của Lào
Vấn đề thứ hai cần giải quyết nằm ở khó khăn trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục. Thứ ba, theo đại diện Bộ Công Thương là hai bên cần giải quyết vấn đề về nguồn nhân lực. Chính phủ Lào có thể nghiên cứu để nới rộng tỉ lệ lao động nước ngoài trong các dự án nước ngoài lên cao hơn 10%.
Đối với các doanh nghiệp, cần kiên trì, có chiến lược và có quyết tâm cũng như tầm nhìn. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư xây dựng thương hiệu Việt Nam tại Lào và hệ thống phân phối.
Được biết, hàng năm, Việt Nam cấp trên 1.100 suất học bổng cho sinh viên Lào, chưa kể lượng lớn học bổng từ các tỉnh, địa phương, học viện, hay cả diện tự túc đều tăng lên theo từng năm. Đáng chú ý, Lào cũng là nước có lượng sinh viên, học viên được Việt Nam đào tạo nhiều nhất trong số các nước cấp học bổng cho Chính phủ Lào.
Thảo luận