Tại sao lao động Việt Nam có mức lương thấp chỉ bằng một nửa so với Thái Lan?

Nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản chỉ ra lý do vì sao mức lương người lao động Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Thái Lan.
Sputnik
Trong tương lai dài hạn, khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế, Việt Nam sẽ phải tìm ra giải pháp nâng cao năng suất và tay nghề cho người lao động.

Lương lao động Việt chỉ bằng nửa Thái Lan

Vừa qua, trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành khảo sát có tên “Thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam”.
Dự án khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ để đánh giá tương quan chất lượng nguồn nhân lực nội địa cũng như mức thu nhập của lao động tại mỗi quốc gia.
Kết quả cho thấy, lao động Trung Quốc làm việc tại các công ty Nhật Bản được hưởng mức lương cao nhất với 493 USD/tháng (khoảng 11,5 triệu đồng), tiếp đó là Thái Lan với 446 USD (tương đương 10,4 triệu đồng).
Trong khi đó, lao động Việt Nam có mức thu nhập chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar và tương đương với Phillippines là 236 USD (5,5 triệu đồng). Mức lương này chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan.
Về nguyên nhân, VnExpress dẫn báo cáo của JICA cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất. Tuy vậy, mức thu nhập của lao động Việt vẫn thấp do chủ yếu tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, lao động Trung Quốc, Thái Lan vẫn chiếm ưu thế so với Việt Nam ở những ngành đòi hỏi trình độ cao.
Theo đó, trong 5 ngành chủ yếu mà Nhật Bản chọn đầu tư vào các nước châu Á, Việt Nam chỉ chiếm ưu thế ở lĩnh vực bán lẻ và sản xuất đại trà. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật thường mở rộng đầu tư vào Trung Quốc ở các lĩnh vực như nghiên cứu, chế tạo; sản xuất sản phẩm giá trị cao và logistic. Những ngành này đem lại giá trị gia tăng cao hơn, từ đó cải thiện thu nhập cho người lao động.
Trong khảo sát năm 2019 đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, có đến 40,9% doanh nghiệp chọn đầu tư vào Việt Nam do chi phí lao động thấp, thị trường lao động trẻ, dồi dào. Trong khi đó, chó có chưa đến 20% công ty đánh giá cao nguồn nhân lực người Việt.
Việt Nam kích hoạt gói vay 20.000 tỷ giúp người lao động xoá tín dụng đen

Khuyến nghị

Thời gian tới, JICA sẽ phối hợp với các cơ quan Việt Nam tăng cường cung cấp nhân lực chất lượng cao thông qua giáo dục đại học và nghề nghiệp. Một số ngành ưu tiên mà JICA khuyến nghị gồm: cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thông tin và số hóa; môi trường và công nghệ xanh; chăm sóc sức khỏe; xây dựng dân dụng và giảm dần đầu tư nhân lực vào ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, JICA cũng đưa ra các khuyến nghị cho từng địa phương có nguồn vốn FDI lớn từ Nhật Bản. Ví dụ, tại TP.HCM, JICA khuyến nghị thúc đẩy quốc tế hóa chương trình giáo dục đại học, tập trung vào các ngành: Y tế - nhân lực chăm sóc, điều dưỡng.
Trong khi đó, Hải Phòng nên tập trung vào ngành cơ khí chế tạo - công nghiệp hỗ trợ. Còn với Đà Nẵng, địa phương này nên chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho định hướng phát triển thành phố thông minh, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Cần Thơ thì được khuyến nghị tăng cường nhân lực chất lượng cao cho phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Đồng Nai nên tập trung phát triển nhân lực ngành hàng không, đi liền với sự hình thành của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Cũng theo kết quả khảo sát của JICA, Việt Nam sẽ sớm mất lợi thế so sánh hiện tại về lao động giá rẻ, do ảnh hưởng của già hóa và chi phí lao động tăng.
Số liệu cho thấy, trong năm 2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam là 74,4%, khá cao so với 60,5% (thế giới) và 67,2% (Đông Nam Á và Thái Bình Dương).
Với con số này, nguồn cung lao động của Việt Nam sẽ vẫn ổn định trong ngắn hạn và trung hạn, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên, trong tương lai dài hạn, thách thức đặt ra cho Việt Nam là nguồn dự trữ lao động hạn chế để thúc đẩy tổng cung. Năm 2015, Việt Nam ở trong "thời kỳ dân số vàng", với 70% dân số ở độ tuổi từ 15 đến 64 (độ tuổi lao động hợp pháp). Đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ già đi "cực kỳ nhanh", chỉ còn 60% dân số trong độ tuổi lao động với một phần dân số trên 60 tuổi.
Nếu không thể cải thiện tăng trưởng năng suất và tỷ lệ tham gia thị trường lao động, nạn già hóa dân số sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm hơn đáng kể, đồng thời làm tăng khả năng thiếu lao động.
Khi mà đội ngũ lao động giảm, tiền lương chắc chắn vẫn sẽ tăng. Do vậy, "Việt Nam sẽ mất lợi thế so sánh hiện tại về lao động giá rẻ trong các ngành đòi hỏi kỹ năng thấp và thâm dụng lao động".
Đây cũng là nguy cơ đã được cảnh báo từ lâu. Năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của lao động giá rẻ của Việt Nam. Với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, bán lẻ, việc tự động hoá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ lao động tay nghề thấp.
Theo JICA, tăng năng suất lao động là vấn đề nan giải. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch sản xuất hàng hóa sử dụng nhiều lao động từ các nước phát triển đang tiến dần sang các nước đang phát triển để tận dụng chênh lệch chi phí nhân công.
Với sự cạnh tranh ngày càng cao giữa nhiều nước trong các chuỗi giá trị toàn cầu và sự gia tăng tự động hóa, giao dịch thương mại dựa trên chi phí nhân công thấp là không bền vững.
So với Ấn Độ hay Trung Quốc, quy mô lực lượng lao động của Việt Nam cũng nhỏ hơn nhiều. Do vậy, lợi thế này chỉ là tương đối. Chính vì thế, điều kiện đầu tiên để tăng sức cạnh tranh là phải nâng cao năng suất lao động và lao động trình độ cao.
Tuy vậy, việc cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam không phải là vấn đề đơn giản. Có 3 khó khăn chính trong việc nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam.
Trước hết, chuyển dịch lao động kém năng suất từ nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là yếu tố chính của tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đóng góp vào tăng trưởng năng suất từ quá trình chuyển đổi này nay đã không còn.
Việt Nam chi thêm 1.155 tỉ đồng hỗ trợ người lao động
Khó khăn thứ hai là về quy mô doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp hộ gia đình với quy mô siêu nhỏ và nhỏ, thiếu phương tiện kinh tế để đầu tư và cải tiến công nghệ, thiết bị, tổ chức hoặc sản xuất.
Cuối cùng là kỹ năng của người lao động. Năm 2020, lực lượng lao động tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chiếm 61,2% tổng số lao động. Trong khi đó, số lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%. Trình độ học vấn thấp đã khiến nhân công Việt Nam bị đánh giá là có năng suất lao động thấp nhất khu vực.
“Việt Nam cần cải thiện công tác giáo dục và đào tạo cho lực lượng lao động vì mục tiêu tăng năng suất lao động. Từ đó có thể dẫn đến việc cải thiện hiệu suất công nghiệp và nói chung là để tăng khả năng cạnh tranh của đất nước, hội nhập toàn cầu”, JICA đưa ra khuyến nghị.
Thảo luận