Tình thế đối lập của Vietnam Airlines và Vietjet

Tình hình hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HVN) và Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC) đang cho thấy những bức tranh đối lập.
Sputnik
Trong khi Vietnam Airlines tiếp tục bị Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 36.400 tỷ, vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ thì Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại đạt kết quả kinh doanh tích cực nhờ hàng không phục hồi, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Vietnam Airlines tiếp tục bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét, được kiểm toán bởi công ty Deloitte.
Tại báo cáo lần này, Vietnam Airlines tiếp tục bị Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 36.400 tỷ, vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ.
Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê.
Phía kiểm toán cho hay, đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vượt tài sản sản ngắn hạn 36.425 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đã lên tới hơn 14.850 tỷ đồng.
Như Sputnik đã đưa tin, trước đợt công bố này, các lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của hãng bay này cũng được Deloitte Việt Nam đưa ra tại báo cáo kiểm toán năm 2021.
Trong kỳ hoạt động, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ, cao gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng cao và nhiều đường bay quốc tế chưa được mở lại, Vietnam Airlines vẫn lỗ khoảng 5.100 tỷ, giảm hơn 3.000 tỷ so với kỳ này năm ngoái. Luỹ kế đến 30/6, hãng hàng không quốc gia của Việt Nam đã lỗ khoảng 28.900 tỷ đồng
Vietnam Airlines bị phạt 170 triệu đồng do các vi phạm về chứng khoán
“Những điều kiện này cùng với khoản nợ trên 36.425 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của hãng”, Deloitte Việt Nam lo ngại.

Vietnam Airlines xoay xở như thế nào?

Phía Vietnam Airlines cho hay, để đối phó với khó khăn hiện tại, HĐQT và ban giám đốc Vietnam Airlines thường xuyên đánh giá ảnh hưởng và triển khai các giải pháp đối phó khủng hoảng.
Về nguồn vốn, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024. Ngoài ra, công ty đang đàm phán thêm với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đến giữa năm, tổng hạn mức Vietnam Airlines đã ký với các nhà băng khoảng hơn 18.500 tỷ đồng, trong đó phần chưa sử dụng khoảng 10.300 tỷ. Cùng với đó, Vietnam Airlines cũng đang tìm kiếm các nguồn thu khác gồm thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay và các khoản đầu tư tài chính.
Hiện tại, công ty đã bán được 1 tàu bay, bán quyền mua và thuê lại 1 động cơ tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào Cambodia Air và thu về một phần số tiền hơn 860 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đàm phán để huỷ nhận 4 tàu bay Boeing B787 và Airbus A320. 5 tàu bay mới cũng đang được thoả thuận để nhận vào cuối năm 2022, 2023 thay vì 2020, 2021 như thoả thuận ban đầu.
Vietnam Arlines cũng tính đến tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lãi lớn

Kiểm toán nói Vietjet “kinh doanh tích cực”

Ở tình thế đối lập và khả quan hơn nhiều, báo cáo tài chính bán niên 2022 sau kiểm toán của Công ty cổ phần hàng không Vietjet (HoSE: VJC) cho thấy bức tranh sáng sủa hơn hẳn.
Báo cáo nêu doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 14.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80,33 tỷ đồng, lần lượt tăng 197% và 135% so với cùng kỳ 2021 và tăng so với báo cáo tự lập và so với cùng kỳ 2021.
Với kết quả kinh doanh hợp nhất, kiểm toán cũng ghi nhận doanh thu đạt 15.934,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 19% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất điều chỉnh giảm, do lợi nhuận một giao dịch thương mại tàu bay hoãn lại, chuyển ghi nhận sang kỳ sau 275 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 của Vietjet ghi nhận kết quả tích cực nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Đối với hoạt động vận chuyển hành khách, Vietjet đã thực hiện gần 33 nghìn chuyến bay và vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng lần lượt 135% và 200% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hoá, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt hơn 11 nghìn tấn.
Vietjet cũng mở các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ với 17 đường bay, mang thị trường 1,4 tỷ dân về với các thành phố của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc…, kết nối với các thành phố lớn nhất Ấn Độ.
Hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đạt được thỏa thuận với Boeing và Airbus về tái cấu trúc hợp đồng, với những hỗ trợ từ nhà sản xuất và những chương trình đầu tư vào Việt Nam trong dịch vụ, đào tạo và sản xuất.
Tính đến ngày 30/6/2022, Vietjet có tổng tài sản là 62.669 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chỉ ở mức 1,09 lần, chỉ số thanh khoản hiện hành đạt 1,49, nằm trong nhóm có chỉ số tốt trong ngành hàng không thế giới.
Thảo luận