Hôm qua, Gazprom thông báo rằng "Dòng chảy Bắc", trước đó đã bị dừng trong 3 ngày để bảo trì theo lịch trình, không thể hoạt động trở lại do rò rỉ dầu tại tổ máy Trent 60 duy nhất đang hoạt động.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, ông Lin Boqiang, nói với Global Times hôm thứ Bảy rằng vào thời điểm nguồn cung cấp khí đốt từ đường ống của Nga rơi tự do, EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, mang lại lợi nhuận chưa từng có cho các nhà cung cấp khí đốt của Mỹ.
“Điều này trước đây là không thể tưởng tượng được vì giá LNG của Mỹ rõ ràng cao hơn nhiều so với giá khí đốt đường ống của Nga do chi phí vận chuyển, nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng Ukraina đã biến điều đó thành hiện thực khi EU quyết tâm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào khí đốt của Nga” - chuyên gia Lin Boqiang phân tích.
Nói cách khác, "bối cảnh năng lượng toàn cầu đang trải qua một cuộc tái cấu trúc đáng kể do các yếu tố địa chính trị, đi kèm với giá cả tăng vọt và thiếu hụt nguồn cung" , ông Lin Boqiang nói thêm.
Theo ông, giá năng lượng sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi hoàn thành quá trình tái cơ cấu, điều này sẽ gây thêm áp lực lên sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Ngay cả khi nhập khẩu LNG đắt đỏ từ Mỹ, EU vẫn khó tránh được lạm phát tăng vọt, thiếu điện và gián đoạn sản xuất trong mùa đông tới, khi nhu cầu năng lượng thường tăng mạnh” - ông Lin Boqiang cho biết.