Apple, Google, Facebook đã nộp hàng chục triệu USD tiền thuế cho Việt Nam

Đến nay, các doanh nghiệp lớn hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam như Google, Facebook, Apple,… đã nộp vào ngân sách nhà nước hàng chục triệu USD tiền thuế.
Sputnik
Việc triển khai công thông tin điện tử đã giúp hoạt động truy, thu thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài trở nên dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và minh bạch.

Các ông lớn làm nghĩa vụ thuế với Việt Nam

Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Bằng Thắng cho biết, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp, tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài làm nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
Tổng cục Thuế đã đôn đốc các nhà cung cấp của nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Apple… đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp của nước ngoài.
Việc đôn đốc, vận độc được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (nước có nhà cung cấp đang hoạt động tại Việt Nam), một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte.
Theo ông Thắng, từ khi mở Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp của nước ngoài đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và đăng ký thuế cho nhiều nhà cung cấp lớn từ nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Netflix… Số tiền thuế nộp ngân sách nhà nước lên đến hàng chục triệu USD.
Trước đây, cơ chế thu thuế nhà thầu nước ngoài cũ đòi hỏi các nhà cung cấp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới phải ủy quyền cho các tổ chức trong nước đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho họ.
Thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam năm 2022 bùng nổ
Hiện nay, nhờ vận hành cổng thông tin điện tử, các nhà cung cấp nước ngoài có thể thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch nhất, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam

Ngoài việc tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài, việc triển khai cổng thông tin điện tử còn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân trong nước.
Nó cũng góp phần khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Theo ông Thắng, Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu ở ASEAN áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp của nước ngoài, sử dụng cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Để quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả, không chỉ có cần cơ quan trực tiếp quản lý là Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng dịch vụ.
“Chúng tôi cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp, chung tay của nhiều bộ, ngành có liên quan”, ông Thắng nói với Thời báo Tài chính Việt Nam.
Ông Nguyễn Bằng Thắng nhấn mạnh, các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… cần phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ trong vấn đề liên quan đến các nội dung dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Thảo luận