Bên cạnh đó, theo SSI, Ngân hàng Nhà nước dự kiến có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD trong thời gian tới khi tâm điểm thị trường tuần qua xoay quanh cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu nhất là tuyên bố đóng cửa vô thời hạn đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) của Liên bang Nga.
Việt Nam ấn định tiền VND ở mức thấp kỷ lục khi USD tăng giá
Việt Nam hiện đang áp đặt tỷ giá tham chiếu cho tiền đồng (VND) ở mức thấp kỷ lục, từ đó khiến đồng tiền nước này suy yếu hơn nữa trong bối cảnh đồng đô la tăng giá.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ấn định tỷ giá ở mức 23.281 đồng/USD vào thứ Năm, mức thấp nhất kể từ năm 2005, theo Bloomberg. Số liệu được ghi nhận sau khi tiền đồng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm vào phiên giao dịch trước.
Đồng Việt Nam đang trên đà giảm trong tháng thứ 8 liên tiếp khi đồng đô la đẩy các đồng tiền của thị trường mới nổi xuống mức thấp mới. Đồng won của Hàn Quốc, vốn nhạy cảm với rủi ro, đang tiến đến mốc 1400 won đổi 1 USD và được theo dõi chặt chẽ, trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang nghiêng về mức 7 RMB đổi 1 USD.
“Hiện tiền đồng đang quá mạnh đối với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Điều đó nói lên rằng, Việt Nam quan tâm đến tăng trưởng nhập khẩu và kiểm soát lạm phát nên sẽ không cho phép đà giảm giá quá mức”, Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao của Natixis SA tại Hồng Kông, cho biết.
Chuyên gia này cũng dự báo tiền đồng sẽ tiếp cận mức 24.000 đồng/USD. Đồng tiền này đã tăng 0,1% lên 23,585/USD vào thứ Năm sau khi giảm xuống 23,615 vào thứ Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện vẫn cho phép tiền đồng giao dịch trong biên độ 3% ở mỗi bên của tỷ giá tham chiếu, dựa trên 8 loại tiền tệ và được ấn định hàng ngày.
USD lên mốc kỷ lục trong 2 năm qua
Ngày 8/9, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đã tiếp tục tăng 20 đồng so với phiên liền trước, lên mức 23.281 VND/USD.
Với biên độ 3%, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại không được thấp hơn giá sàn 22.582 đồng, đồng thời không vượt quá 23.979 đồng.
Cũng trong phiên sáng nay, giá USD tại các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lên. Xét trong 2 phiên gần đây, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng trung bình 60 đồng, dao động quanh mức trên 23.700 VND/USD. Đây là mốc cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Đến đầu giờ chiều hôm nay, giá USD đã hạ nhiệt chút ít nhưng dao động vẫn quanh mốc 23.700 VND/USD. Chẳng hạn, giá USD niêm yết tại Vietcombank ở mức 23.410 - 23.690 VND/USD; giá USD niêm yết tại BIDV ở mức 23.390 - 23.690 VND/USD.
Tại Eximbank, giá USD mua bán tương ứng ở mức 23.380 - 23.630 VND/USD, trong khi Techcombank niêm yết ở mức 23.379 - 23.670 VND/USD. Đặc biệt, giá USD tại Sacombank vẫn được neo ở mốc cao, gần chạm ngưỡng 24.000 VND/USD.
Giá USD trên thị trường ngân hàng tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng giá bán USD thêm 300 đồng lên 23.700 đồng và để trống giá mua (được niêm yết 22.550 đồng ở các phiên trước) trong phiên 7/9. Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD trong vòng 2 tháng qua, như Sputnik đã thông tin.
Giá USD tăng mạnh ở các ngân hàng khiến chênh lệch giá với thị trường tự do được thu hẹp. Trên thị trường tự do, tỷ giá VND/USD có giảm so với phiên trước, ở mức 24.090 (mua vào) - 24.140 (bán ra).
Giá đồng đô la Mỹ tăng lên sẽ ảnh hưởng đến những mặt hàng được giao dịch bằng USD. Hiện nay, có khoảng 60-70% hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam yêu cầu thanh toán bằng đồng USD.
Việc VND mất giá sẽ tạo áp lực chi phí đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hoá thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, trái ngược với nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Nga đóng Nord Stream 1 và tác động từ khủng hoảng năng lượng châu Âu
Theo đánh giá của SSI Research, việc đường ống Nord Stream 1 bị Nga tuyên bố đóng cửa vô thời hạn hồi cuối tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông ở châu Âu. Nó cũng làm lu mờ các số liệu về thị trường lao động Mỹ được công bố tuần trước.
Những nguy cơ về khủng hoảng năng lượng châu Âu đã khiến đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh của mình. Chỉ số DXY đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua (tăng 0.7% so với tuần trước).
So với đồng USD, các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm. Các đồng tiền ở châu Á như KRW (đồng won Hàn Quốc), THB (đồng baht Thái) và TWD (đồng đô la Đài Loan) đều ghi nhận mức giảm mạnh.
Nói về số liệu kinh tế ở thị trường Mỹ, một số thông tin tích cực có thểt kể đến như: khảo sát về chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ 95,7 điểm trong tháng 7 lên 103,2 điểm trong tháng 8, cao hơn nhiều so với kỳ vọng.
Trong khi đó, báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp ghi nhận, đã có 315.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 8, cao hơn mức dự báo là 295.000. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 3,7% so với mức dự báo 3,5%. Bên cạnh đó, triển vọng tăng lãi suất của Fed trong kỳ họp tháng 9 một lần nữa có sự thay đổi.
Dự báo về khả năng Fed tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng 9 đã tăng lên 40% (từ mức 25% trong tuần trước đó – sau phát biểu của chủ tịch Fed ở hội nghị Jackson Hole).
Dù có một số thông tin tích cực về đồng VND thời gian qua, liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư 2,4 tỷ USD), diễn biến tỷ giá vẫn bị ảnh hưởng trước xu hướng mạnh lên của đồng đô la Mỹ.
Theo các chuyên gia SSI, Ngân hàng Nhà nước rất có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD trong thời gian tới.
So với hồi tháng 7, một điểm tích cực hiện nay là diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, cũng như chênh lệch với thị trường niêm yết không quá lớn.
Việt Nam quyết tâm ổn định thị trường tiền tệ
Tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 7/9 cho thấy, chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt của Việt Nam cùng với các chính sách của các bộ, ngành được triển khai tích cực, nhanh chóng, hiệu quả đã góp phần ổn định tỷ giá, đảm bảo cán cân thương mại, kiểm soát được tín dụng, thanh khoản của nền kinh tế góp phần kiểm soát lạm phát chung.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng dự báo, trong 4 tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, địa - chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường.
Theo đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng, tình hình cạnh tranh chiến lược, tăng cường các chính sách bảo hộ, phòng vệ thương mại và hạn chế xuất nhập khẩu một số mặt hàng thương mại giữa các nước đang diễn ra ngày càng phức tạp, do đó, Chính phủ yêu cầu cần thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường tiền tệ.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục vụ tăng trưởng.
“Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao tình hình trong nước và thế giới, đánh giá tác động chính sách về tỷ giá và tín dụng đối với cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung”, Chính phủ lưu ý.