Trước đó, tại cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, bà Jenkins cho biết, Mỹ mong muốn hợp tác với Việt Nam về năng lượng hàng không vì mục đích hoà bình.
Thực tế, Việt Nam và Mỹ đã ký thoả thuận thoả thuận về hạt nhân (Hiệp định 123), cho phép các công ty Hoa Kỳ thâm nhập vào thị trường Việt Nam để phát triển điện hạt nhân, thậm chí là mở đường cho Washington có thể xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân cùng thông tin nghiên cứu, vật liệu và thiết bị tới Việt Nam.
Hàn gắn vết thương sau chiến tranh
Ngày 9/9, Đại sứ Bonnie D. Jenkins, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách lĩnh vực kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế đã có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị, tiếp tục khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Thông tin từ TTXVN cho biết, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ, chào xã giao với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Bà Bonnie Denise Jenkins cũng đã ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trình bày về một số kết quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở địa phương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm và làm việc tại Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả bom mìn
© Ảnh : TTXVN - Lê Thị Thanh Thủy
Ông Hoàng Nam cho biết, Quảng Trị là địa phương đầu tiên đón tiếp các tổ chức phi chính phủ tổ chức các hoạt động hàn gắn vết thương sau chiến tranh, khắc phục hậu quả bom mìn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, việc giải phóng bom mìn trên đất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và sản xuất của người dân.
“Đến nay, các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn đã mang lại hiệu quả tốt, giải phóng nhiều diện tích đất sạch để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất, tỷ lệ tai nạn bom mìn giảm mạnh qua các năm”, - ông Nam thông tin với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 là địa phương đầu tiên trong cả nước an toàn về bom mìn. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, theo lời Phó Chủ tịch Hoàng Nam.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ các dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: MAG, NPA, PTVN, Golden West, CRS...
Ông Nam cũng đề cập đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ tỉnh nâng cao năng lực điều phối công tác rà phá bom mìn, để tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô mô hình điều phối rà phá bom mìn hiệu quả, triển khai các dự án hỗ trợ người khuyết tật, người bị tác động do chất độc màu da cam.
Mỹ hỗ trợ Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho thấy, đây là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau chiến tranh Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Việt Nam năm 2017 cũng xác định Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc với 81,36% diện tích bị ô nhiễm ở tất cả 141 xã, phường, thị trấn. Từ năm 1996 - 7/2022, tỉnh Quảng Trị đã vận động được tổng giá trị viện trợ trên 146,4 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đến nay, tổng số diện tích rà phá đạt 275,85 triệu m2.
Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật xây dựng trường học, trạm y tế, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm và làm việc tại Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả bom mìn
© Ảnh : TTXVN - Lê Thị Thanh Thủy
Đáng chú ý, ngân sách cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn ước tính khoảng 91,1 triệu USD.
Cùng với đó, các dự án lớn trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh hiện tại đang triển khai như liên lạc cộng đồng và rà phá vật liệu chưa nổ tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2025; phục hồi Môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW) - chương trình khảo sát và rà phá bom, mìn tại tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2022; rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra còn có chương trình phát triển năng lực cho Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị QTMAC giai đoạn 2022 - 2025…
Thứ trưởng Mỹ bấm nút hủy nổ bom mìn tại Quảng Trị
Chia sẻ với lãnh đạo Quảng Trị, Thứ trưởng Bonnie Denise Jenkins đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Trị đã và đang làm được trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ.
Bà Jenkins bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn trong tương lai, đồng thời đánh giá cao vai trò to lớn của phụ nữ trong công việc xử lý, rà phá bom mìn trên địa bàn.
Trong khuôn khổ chương trình, Đại sứ Bonnie Denise Jenkins cùng đoàn công tác đã đến thăm hiện trường xử lý bom mìn tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong,thăm Văn phòng tổ chức Peace Trees Vietnam /Hoa Kỳ và trồng cây lưu niệm; làm việc tại Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm và làm việc tại Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả bom mìn
© Ảnh : TTXVN - Lê Thị Thanh Thủy
Đặc biệt, đích thân Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bonnie Jenkins đã nhấn nút kích hoạt quá trình hủy nổ một số đầu đạn sót lại sau chiến tranh ngay trong chuyến thăm tỉnh Quảng Trị.
Được biết, các vật liệu nổ được tiêu hủy lần này gồm một quả đạn cối 82 mm, một đầu đạn pháo 37 mm và hai quả lựu đạn cỡ 40 mm.
Mỹ muốn hợp tác về năng lượng hạt nhân với Việt Nam vì mục đích hoà bình
Trước đó, sáng 8/9, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Bonnie D. Jenkins thăm Việt Nam.
Phát biểu với bà Jenkins, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.
“Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, sẵn sàng cùng Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”, - Thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm và làm việc tại Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả bom mìn
© Ảnh : TTXVN - Lê Thị Thanh Thủy
Cùng với đó, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Thứ trưởng Bonnie Jenkins chia sẻ, Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.
Bà Jenkins cũng bày tỏ ấn tượng trước những bước tiến trong quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực đạt được sau 27 năm bình thường hóa quan hệ, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trao đổi với Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, bà Bonnie Jenkins đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế và phòng chống dịch bệnh, an ninh hàng không, năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của mình, Thứ trưởng Bonnie Jenkins còn có các cuộc gặp, làm việc với Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, giao lưu với sinh viên Học viện Ngoại giao và thăm một số địa phương (như tại tỉnh Quảng Trị) để thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hiệp định “mở đường” để Mỹ cấp phép xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam
Riêng đối với lĩnh vực hạt nhân, Việt - Mỹ đã xây dựng nền tảng hợp tác từ khá lâu. Ngày 20/8/2007, hai bên ký Thỏa thuận giữa Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (US DOE) và Bộ Khoa học và Công nghệ về việc trao đổi thông tin và hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đến ngày 25/6/2008: Ký Thỏa thuận giữa Uỷ ban Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (US NRC) và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN và hai bên đã ký gia hạn ngày 9/05/2013.
Ngày 30/03/2010, ký biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, là bước chuẩn bị cho việc đàm phán Hiệp định 123.
Ngày 22/7/2014, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam.
Hiệp định hợp tác hạt nhân Việt – Mỹ, hay còn gọi là Hiệp định 123, theo các chuyên gia, là để mở đường cho việc Mỹ cấp phép xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân cùng thông tin nghiên cứu, vật liệu và thiết bị tới Việt Nam, có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ đảm bảo phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.