Việt Nam gây chú ý khi nêu trường hợp quan chức được lựa chọn có thể ‘ra đi trong danh dự’

Theo Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật có nêu trường hợp cán bộ được lựa chọn có thể ra đi trong danh dự.
Sputnik
Theo đó, Bộ Chính trị khuyến cáo cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức.
Nếu không từ chức, cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Tự nguyện từ chức và sự ra đi trong danh dự

Ngày 8/9, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Theo đó, xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương phân công, bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Tờ trình số 02-TTr/BTCTW, ngày 10/8/2022), Bộ Chính trị đã nêu ra một kết luận.
Trong đó, đáng chú ý như việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Điều này, theo lý giải của Thông báo số 20 là “nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”.
Mục đích tiếp theo là nhằm kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
“Thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện”, Kết luận nhấn mạnh.
Qua đó, góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý sau khi nghỉ hưu làm lãnh đạo doanh nghiệp cần điều kiện gì?
Đáng chú ý nhất trong Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị chính là việc khuyến khích cán bộ đã từng bị kỷ luật và có hạn chế về năng lực cũng như uy tín giảm sút có thể lựa chọn việc ra đi ‘trong danh dự’.
“Khuyến khích cán bộ đã từng bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức”, Bộ Chính trị nêu rõ.
Ở trường hợp ngược lại, nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Người dân sẽ ủng hộ

Đây là quan điểm mới hết sức đáng chú ý, khi đề cập đến khía cạnh quan trọng của bộ máy công quyền đó là văn hoá từ chức.
Thực tế, ở Việt Nam, với đạo lý của người “làm quan”, thể hiện tính liêm sỉ, trọng danh dự, như cách mà các lãnh đạo đất nước vẫn hay nhắc nhở - danh dự của người Cộng sản là quan trọng nhất, thì chính sách mới này quy định rất rõ ràng và phù hợp.
Khi người cán bộ đã từng bị kỷ luật nặng, lại hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao (thậm chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định như trước đó) thì việc từ chức là cần thiết.
Lựa chọn từ chức vừa để giữ lại danh dự cho bản thân vừa là để cơ hội phục vụ nhân dân cho những người thực sự có tài có đức, có tâm có tầm khác.
Điểm mới này, chắc chắn, sẽ được người dân đồng tình ủng hộ.

Bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm

Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng như sau:
Thứ nhất, cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.
Thứ hai, cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau: Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm: Cán bộ là Uỷ viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể; Cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.
Đối với trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên: Cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như trên.
Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.
“Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương”, kết luận nhấn mạnh.
Xử lý dứt điểm vụ Việt Á: Tiền Giang khai trừ thêm hàng loạt cán bộ
Bộ Chính trị cũng giao Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Thông báo kết luận này bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Cùng với đó là tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
“Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương căn cứ Thông báo kết luận này cụ thể hoá và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị”, Bộ Chính trị nêu rõ.
Thảo luận