Theo kết luận sơ bộ trước đó của DOC, nếu sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam đúng là hàng “made in Vietnam”, không phải hàng Trung Quốc gắn mác Việt, thì sẽ không phải chịu các đòn thuế quan trừng phạt như với hàng “made in China”.
Mỹ gia hạn kết luận điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá gỗ dán từ Việt Nam
Ngày 13/9, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông tin cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Thực tế đây đã là lần thứ tư Bộ Thương mại Mỹ quyết định gia hạn kết luận điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá gỗ dán từ Việt Nam. Trước đó, chính quyền Biden – Harris cho rằng, đồ gỗ Việt Nam dùng hàng “made in China” hoặc “tiếp tay cho Trung Quốc lẩn tránh các đòn thuế quan khi xuất hàng vào Mỹ.
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trước đó đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam theo cáo buộc sản phẩm sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc, nhóm hàng Mỹ đang áp thuế phòng vệ thương mại biểu hiện cho thái độ nghi ngờ của Hoa Kỳ.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 31/1/2023.
Tránh để Việt Nam thành “bình phong” che giấu hàng Trung Quốc
Cần lưu ý rằng, trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam, Mỹ là đối tác thương mại thứ hai đạt được mốc 100 tỷ USD (sau Trung Quốc). Là đối tác thương mại quan trọng của Washington, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ năm 2021 lên đến là 91 tỷ (USD) theo báo cáo của Mỹ và 113 tỷ USD (theo báo cáo của Việt Nam).
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch cả nước.
Đồng thời, để đạt được mức xuất siêu kỷ lục sang Hoa Kỳ như vậy, Việt Nam phải nhập siêu 46 tỷ đô la hàng từ Trung Quốc và 34 tỷ đô la hàng từ Hàn Quốc. Do đó, phía Mỹ có thể cho rằng Việt Nam đã trở thành bình phong che giấu nguồn gốc thật của hàng hóa Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm xâm nhập vào thị trường Mỹ né các đòn thuế quan.
Để hướng đến tăng trưởng trao đổi thương mại bền vững, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ Mỹ các nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và thậm chí là hàng nông sản.
Thái độ đối lập giữa “hàng Trung Quốc” và “hàng Việt Nam”
Kết luận sơ bộ của phía Mỹ cũng cho thấy thái độ đối xử khác biệt rõ rệt giữa hàng Trung Quốc và hàng Việt Nam.
Trước đó, hôm 25 tháng 7 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc nêu rõ nếu nhà chức trách Mỹ phát hiện sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ mà có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc thì (sản phẩm gỗ Việt) sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp”, Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Căn cứ kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17/6 /2020 (ngày công báo khởi xướng điều tra) đối với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam (trừ các doanh nghiệp mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá là không hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra) cũng như các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh.
Theo đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần hoàn thành tờ khai tự chứng nhận dành cho nhà xuất khẩu và cung cấp một bản sao cùng các tài liệu chứng minh (hóa đơn, đơn đặt hàng, biên bản sản xuất…) cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, đồng thời nhà nhập khẩu phải hoàn thành tờ khai tự xác nhận dành cho nhà nhập khẩu trước ngày vận chuyển hàng hóa.
Phía Mỹ lưu ý, các tờ khai và tài liệu chứng minh cần được duy trì trong khoảng thời gian 5 năm kể từ ngày nhập cảnh hàng hóa hoặc 03 năm sau khi kết thúc vụ kiện liên quan đến hàng hóa nhập cảnh tại tòa án Hoa Kỳ (nếu có), tùy thời gian nào dài hơn và sẵn sàng cung cấp cho DOC/CBP khi được yêu cầu.
Riêng đối với các lô hàng nhập khẩu từ ngày 17/6/2020 đến ngày 28/8/2022 (30 ngày kể từ ngày công báo kết luận sơ bộ), Bộ Thương mại Hoa Kỳ gia hạn thời gian hoàn thiện tờ khai, tài liệu chứng minh đến ngày 1/12/2022 (thay vì đến ngày 12/9/2022 như trong kết luận sơ bộ).
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hiện số lượng các doanh nghiệp được tham gia tự xác nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.
Trước đó, trong đánh giá chung của mình về hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng, quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ “đạt tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng”.
Bất chấp đại dịch Covid-19 gây gián đoạn tê liệt chuỗi cung ứng, xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt nhất là thương chiến Mỹ - Trung, tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam còn Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.
Đặc biệt, ngoài xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư Mỹ cũng đã mở rộng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.
Như Sputnik đã đưa tin, nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu bên cạnh Trung Quốc.
Cùng với đó, hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như General Electric (GE), Google, Intel, Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Wal-Mart, Nike, Amazon, P&G, Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Apple cùng các đối tác lắp ráp của mình cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất Macbook và Apple Watch lần đầu tiên tại Việt Nam.