Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để trở thành đất nước thịnh vượng với GDP bình quân đầu người trên 18.000 USD hay giàu có như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm và còn cả chặng đường dài phải đi.
“Fabricado no Vietname”
Theo The Economist, Việt Nam, một trong những thị trường mới nổi hàng đầu thế giới, đang nổi lên như một bên chiến thắng trong kỷ nguyên phi toàn cầu hoá.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia giàu có thịnh vượng và phát triển với thu nhập cao vào năm 2045 vẫn sẽ là một nhiệm vụ to lớn với Việt Nam.
Để hiểu được vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, The Economist đã dẫn chứng sản phẩm điện tử được sản xuất tại Việt Nam – điện thoại Samsung của Brazil với mặt sau dán mẫu tem toàn cầu hóa quen thuộc được khắc dòng chữ Bồ Đào Nha – “Fabricado no Vietname – Made in Vietnam - Sản xuất tại Việt Nam”.
Thông điệp đó – Made in Vietnam - Sản xuất tại Việt Nam - đã được thể hiện trên ngày càng nhiều sản phẩm với đủ các thứ tiếng khác nhau kể từ khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào cơ cấu nền kinh tế vào cuối những năm 1980 sau chính sách Đổi mới (1986).
Kể từ năm 2000, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia châu Á nào như Trung Quốc, với tốc độ trung bình 6,2% mỗi năm.
Việt Nam đã thu hút các công ty nước ngoài lớn, bắt đầu từ nhà sản xuất hàng may mặc như Nike và Adidas và giờ đây quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục khẳng định sự bùng nổ trong lĩnh vực điện tử - chuỗi hàng hóa có giá trị cao hơn tạo ra việc làm được trả lương cao hơn cho những người lao động có kỹ năng tốt hơn.
Năm 2020, các mặt hàng linh kiện điện tử chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng từ 14% vào năm 2010.
“Bên thắng cuộc”
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2018, mang lợi lợi ích không nhỏ cho Việt Nam.
Trong năm 2019, Việt Nam đã sản xuất gần một nửa trong tổng số 31 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang các nước châu Á có nguồn nhân công giá rẻ khác.
Thêm vào đó là căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa các siêu cường, những hạn chế về cuộc chiến Covid-19 khốc liệt ở Trung Quốc cùng với chi phí lao động ngày càng tăng của đất nước tỷ dân này, có thể dễ dàng hiểu tại sao nhiều công ty lớn đang chuyển sang Việt Nam.
Các nhà cung cấp lớn nhất của Apple, Foxconn và Pegatron, những công ty chuyên sản xuất Apple Watch, MacBook cùng nhiều thiết bị khác đang xây dựng một loạt nhà máy lớn tại Việt Nam và có vẻ cũng sẽ sớm gia nhập hàng ngũ các nhà tuyển dụng lớn nhất của đất nước.
Trong khi đó, các tên tuổi lớn khác đang chuyển dịch dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam bao gồm Dell và HP (máy tính xách tay), Google (điện thoại) và Microsoft (thiết bị chơi game).
The Economist đánh giá, việc ngày càng nhiều công ty công nghệ lên kế hoạch sản xuất ở Việt Nam có thể giúp kinh tế quốc gia này tăng trưởng cao hơn và giúp cho hàng triệu người Việt Nam trở nên giàu có hơn trong tương lai.
“Tất cả những điều đó có thể dẫn đến tăng trưởng cao hơn và làm cho hàng triệu người Việt Nam trở nên giàu có hơn”, - The Economist khẳng định.
Điều này cũng sẽ làm tăng niềm tin vào chiến lược lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đưa đất nước vươn lên kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975.
Việt Nam có nhiều lợi thế
Chính phủ muốn Việt Nam trở nên giàu có hơn, thịnh vượng hơn với GDP bình quân đầu người vượt mốc 18.000 USD, tăng cao vượt trội so với mức thu nhập 2.800 USD hiện tại vào năm 2045 tới đây.
Việt Nam cũng hy vọng sẽ làm được điều kỳ tích này một phần bằng cách chuyển từ hàng may mặc giá rẻ, chuỗi giá trị thấp, sang hàng điện tử phức tạp đòi hỏi đầu tư và lao động có tay nghề cao.
“Việt Nam nắm nhiều lợi thế”, - ấn bản khẳng định.
Lực lượng lao động của Việt Nam vẫn dồi dào, trẻ trung cần cù, lanh lợi trong khi dân số Trung Quốc già đi và nguồn lao động cũng đang dần thu hẹp lại.
Việt Nam còn là một thành viên đầy nhiệt huyết của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép hàng hoá nước này tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường quốc gia khác theo thoả thuận đã ký.
Nhắc rằng lãnh đạo Việt Nam cũng ít nói về Covid-19 hơn so với Trung Quốc, The Ecomist khẳng định, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn biên giới vào tháng Ba, tạo điều kiện cho thông quan kinh tế, du lịch, trao đổi thương mại, trong khi Trung Quốc kiên trì bền bỉ với chính sách Covid-19 của mình.
Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu người cũng có những điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, chẳng hạn như hơn 3.000 km đường bờ biển. Điều quan trọng hơn nữa là, Việt Nam nằm ngay bên ngưỡng cửa của Trung Quốc. Nhờ tăng đầu tư chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng nâng cao hệ thống đường cao tốc, cụm công nghiệp - trung tâm sản xuất thiết bị điện tử của Việt Nam chỉ cách Thâm Quyến, thủ đô công nghệ của Trung Quốc, 12 giờ lái xe.
“Bạn không cần phải đổi mới chuỗi cung ứng của mình ở đây. Thế mạnh sở trường của Chính phủ Việt Nam trong việc giữ mối quan hệ thân thiết cân bằng với cả Trung Quốc và Mỹ rất có giá trị đối với doanh nghiệp nước ngoài”, - theo một đại diện ban quản lý khu công nghiệp.
Để giàu có như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều việc phải làm nếu các nhà máy của Việt Nam muốn tiến xa hơn trong chuỗi giá trị.
Theo The Economist đánh giá, cơ sở sản xuất của Việt Nam “vẫn nông hơn nhiều công” so với Trung Quốc.
Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn mua nhiều bộ phận cấu thành trong nước sản xuất hơn vì nhanh và thuận tiện hơn so với việc tìm nguồn cung ứng qua bên kia biên giới nhưng không được. Theo The Economist, nếu so với Trung Quốc, các cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Do đó các công ty nước ngoài rất khó để tìm mua các nguyên liệu sản xuất ở trong nước.
Công Ty Cổ Phần Hanpo Vina mà ông Tô Ngọc Phương tự hào không chỉ minh họa cho những gì Việt Nam đã đạt được mà còn cả những giới hạn của thành công hiện nay.
Đây là một trong những nhà cung cấp phụ tùng hiếm hoi cho doanh nghiệp sản xuất quan trọng của nước ngoài. Tuy nhiên, các mảnh nhựa được Công ty Cổ phần Hanpo Vina sản xuất chỉ là một trong những thứ đơn giản nhất cấu thành điện thoại Galaxy của Samsung.
Hơn nữa, máy ép nhựa của công ty được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Sản phẩm nhựa mà họ đúc thành nhựa cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Ông Tô Ngọc Phương cho biết, hàng Việt Nam hiện chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng của Samsung yêu cầu.
Loại công việc vốn nằm ở cấp thấp hơn của chuỗi giá trị điện tử với mức lương thấp hơn và dễ dàng hơn cho các quốc gia khác có lao động phổ thông như Việt Nam.
Việt Nam cũng không thể sao chép đơn giản kịch bản thành công của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đã không còn được ưa chuộng như trước. Các thị trường lớn đang tìm kiếm cứ điểm mới để tái cấu trúc sản xuất.
Đầu tư nước ngoài đúng là giúp ích cho Việt Nam nhưng sẽ cần thời gian để cho thấy kết quả dài hơi. Năm tới, Samsung sẽ mở một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại thủ đô Hà Nội.
Samsung cũng đang xem xét việc thành lập các nhà máy bán dẫn trong nước. Vào tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước Đông Nam Á dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN với Tổng thống Joe Biden tại Washington. Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhân chuyến đi để ghé qua trụ sở nhiều Big Tech tại Thung lũng Silicon như Apple, Google và Intel.
Theo The Economist, thị phần lao động ở Việt Nam rất dồi dào nhưng những nhà quản lý tài năng thì rất hiếm. Chuyên viên, kỹ thuật viên lành nghề cũng vậy.
Nhấn mạnh Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư vào chương trình đào tạo đại học và dạy nghề, ông Michael Vũ Nguyễn, Giám đốc quốc gia của Boeing tại Việt Nam, tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ cũng có một số bộ phận được cung ứng lắp ráp tại Việt Nam, đã đề nghị những doanh nghiệp như Boeing có thể hợp tác chặt chẽ với các trường đại học để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.
“Nếu muốn trở nên giàu có như Trung Quốc, hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam sẽ phải đầu tư không chỉ vào cơ sở hạ tầng mà còn cả con người – lực lượng lao động chính yếu của mình”, - The Economist kết luận.