Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức Vũ Quang Minh, dù Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ có khoảng 24 tiếng đồng hồ tại Berlin, nhưng chuyến thăm ngắn này được kỳ vọng rất hiệu quả với lịch trình các hoạt động quan trọng dày đặc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm Đức
Thông cáo báo chí ngày 23 tháng 9 của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Áo.
Theo đó, chuyến thăm CHLB Đức của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn diễn ra theo lời mời của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.
“Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 26-27/9 và Cộng hòa Áo từ ngày 28-29/9”, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Chuyến thăm không chỉ được kỳ vọng tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược Việt - Đức hơn nữa mà còn nhằm trao đổi về tình hình khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm, trong đó, có những vấn đề nóng trên chính trường quốc tế như xung đột Nga - Ukraina, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, hợp tác Việt Nam – EU, Đức – ASEAN, duy trì hoà bình, ổn định ở châu Âu, khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cũng như toàn thế giới.
Nhân dịp chuyến thăm này, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh đã có một số thông tin đáng chú ý với báo TG&VN liên quan đến những nội dung trọng tâm của chuyến thăm, cũng như những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Đức.
Nói về ý nghĩa chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đi CHLB Đức, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết, việc người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam thăm Berlin lần này trong bối cảnh hai nước đã có hơn 11 năm triển khai rất thành công quan hệ Đối tác Chiến lược và đang xây dựng Kế hoạch Hành động để thực hiện các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2022-2024, giai đoạn then chốt tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2025).
Theo Đại sứ, cả Việt Nam và Đức đang chuẩn bị cho một số chuyến thăm được mong đợi từ lâu của lãnh đạo cấp cao hai nước sau một thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh, cũng như một loạt các Hội nghị quan trọng như Đối thoại Chiến lược và Hội nghị Ủy ban Hợp tác Kinh tế song phương thường niên.
Cùng với đó, đây cũng sẽ là chuyến thăm và tiếp xúc cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Đức sau khi hai nước có Chính phủ mới, bao gồm cả hai Bộ trưởng Ngoại giao.
Ông Vũ Quang Minh cũng nhấn mạnh, chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đến Đức diễn ra trong bối cảnh cả hai nước, khu vực châu Á – Thái Bình dương, châu Âu và toàn thế giới đang đứng trước rất nhiều thách thức to lớn và chưa từng có, như xung đột ở Ukraina, các xung đột vũ trang ở châu Âu và trên thế giới, khủng hoảng của hệ thống đa phương, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, tác động lâu dài của dịch bệnh… đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác vì phát triển bền vững của mỗi dân tộc.
“Mặc dù Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ có khoảng 24 tiếng đồng hồ tại Berlin, nhưng chuyến thăm ngắn và rất hiệu quả này đầy ắp các hoạt động quan trọng”, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết và khẳng định, hơn bao giờ hết, Việt Nam và Đức nhận thức rõ sự cần thiết tăng cường những mối quan hệ đối tác tin cậy và hiệu quả.
Lịch trình 24h ở Berlin của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam
Thông tin cụ thể hơn về chuyến thăm ngắn của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với ‘chỉ khoảng 24 tiếng tại Berlin với nhiều hoạt động quan trọng’, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết, dự kiến Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có hội đàm chính thức với Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock.
Theo kế hoạch, người đứng đầu Bộ Ngoại Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng sẽ tiếp kiến Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch Thượng viện Bodo Ramelow, gặp Quốc vụ khanh Nghị viện Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Michael Kellner. Theo Đại sứ Việt Nam tại Đức, trong các cuộc gặp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các lãnh đạo Đức sẽ trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
“Trong đó có tình hình triển khai các định hướng chính sách của Đức tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trên cơ sở một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cũng như triển vọng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược đang triển khai tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian tới”, Đại sứ Vũ Quang Minh thông tin.
Đặc biệt, hai bên sẽ tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, công nghiệp chế biến, y tế, dược phẩm, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió và điện mặt trời, sản xuất hydrogen xanh và nhiều lĩnh vực kinh tế phát triển quan trọng khác.
Việt Nam và Đức cũng sẽ cùng nhau xử lý các vướng mắc trong giải ngân và triển khai ODA của Đức dành cho Việt Nam, thúc đẩy thực hiện các dự án hải đăng, như Đại học Việt Đức, tuyến Metro số hai ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đại sứ nhấn mạnh, đây cũng là những chủ đề quan trọng được hai bên thảo luận trong 24 tiếng đồng hồ thăm Berlin của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Ông Vũ Quang Minh cho biết thêm, trong chương trình chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ dành thời gian tới thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin và đại diện các cơ quan bên cạnh Sứ quán. Bộ trưởng Sơn cũng sẽ chứng kiến Lễ trao một số bức tranh giá trị của các họa sĩ Ban vận động Ngoại giao Văn hóa tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Nhấn mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là một trọng tâm của nền ngoại giao toàn diện, do đó, theo Đại sứ Minh, nhân chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao và một số Giấy khen cho các tổ chức và cá nhân Việt kiều tiêu biểu có đóng góp tích cực cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh và thiên tai ở Việt Nam thời gian qua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng sẽ có buổi làm việc với Lãnh đạo Ban Sáng lập Liên đoàn Người Việt Nam toàn Liên bang Đức vừa được Cộng đồng người Việt bầu ra để tiến hành các công tác trù bị thành lập Liên đoàn thời gian tới.
Cũng trong chuyến thăm Đức của mình, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Đoàn sẽ thăm và làm việc tại Frankfurt, bang Hessen và có buổi làm việc với Lãnh đạo bang Hessen, là bang có nhiều quan hệ hợp tác nhiều mặt rất chặt chẽ với Việt Nam.
“Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các bang của CHLB Đức thời gian qua đã có nhiều bước phát triển rất ngoạn mục, đi vào chiều sâu với tính thực tiễn và hiệu quả cao”, Đại sứ nói.
Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định, lãnh đạo Cấp cao của Đức và các bộ ngành dành thời gian đón tiếp và làm việc với Đoàn rất chu đáo, thể hiện sự trọng thị cao đối với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói riêng và sự coi trọng đối với quan hệ hữu nghị và hợp tác mang tầm quan trọng chiến lược nói chung giữa hai nước.
Quan hệ Việt Nam – CHLB Đức là bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau
Trên nền tảng Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết, kể từ năm 2011 khi hai nước thiết lập Đối tác Chiến lược, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn gấp đôi, đạt trên 11,2 tỷ USD. Thậm chí, theo thống kê của Đức thì con số này lên tới 17,11 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020.
Tính hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã đạt trên 6,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2021.
“Thương mại hai nước không ngừng tăng trưởng bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch, là một tín hiệu rất khả quan nằm trong xu hướng chung của kim ngạch Việt Nam-EU sau hai năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, đồng thời phản ánh vai trò đầu tầu của Đức trong thương mại của EU với Việt Nam”, Đại sứ Vũ Quang Minh nhắc lại.
Về đầu tư, tính đến 31/5 năm nay Đức có 426 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 2,31 tỷ USD. Việt Nam có 36 dự án đầu tư sang Đức, với tổng vốn đăng ký là 283,3 triệu USD. Trong năm tháng đầu năm nay, Đức có thêm 10 dự án mới với 5,12 triệu USD và Việt Nam thêm một dự án lớn với số vốn 34,6 triệu USD.
Đại sứ phân tích, trong bối cảnh hai nước nói riêng và thế giới nói chung đang nhanh chóng vượt ra khỏi đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế ở Việt Nam có tốc độ cao hơn trung bình của khu vực và thế giới, thị trường hai nước kể cả về thương mại và đầu tư có xu thế tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, các doanh nghiệp Đức, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ - xương sống của nền kinh tế Đức - đang có xu thế đa dạng hóa đầu tư, kinh doanh.
Theo Đại sứ, các nhà đầu tư Đức tránh không tập trung vào một hai đối tác để giảm rủi ro do các biến động chính trị, an ninh và kinh tế thế giới có thể mang lại, rút kinh nghiệm từ các tác động tiêu cực của xung đột ở Ukraina hiện nay tới kinh tế khu vực và thế giới.
“Do đó, Việt Nam được giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư Đức đánh giá là một đối tác đáng tin cậy, thị trường hấp dẫn hàng đầu để chuyển dịch đầu tư, thương mại hoặc tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại”, Đại sứ nói và cho biết, từ nay tới cuối năm, có rất nhiều đoàn doanh nghiệp Đức đã và đang được tổ chức đi khảo sát thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, cũng theo Đại sứ Vũ Quang Minh, quan hệ Việt - Đức mang tính bổ sung cho nhau, mang tính cơ cấu và truyền thống giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Đức trong bối cảnh mới lại càng thể hiện là một cơ sở rất thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi vì phát triển bền vững.
Ông Minh cho hay, Đức ước tính từ nay đến 2030 có thể thiếu hụt hàng trăm ngàn lao động có tay nghề, trong khi đó lao động Việt Nam dồi dào, học nhanh, cần cù và chịu khó, được các doanh nghiệp Đức đánh giá cao. Hai nước đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề và đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức.
Đức ủng hộ G7 chọn Việt Nam là một đối tác toàn cầu
Cùng với đó, Việt Nam cũng vẫn có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, dồi dào ánh nắng mặt trời và sức gió, có bờ biển dài, dễ tiếp cận, do đó có điều kiện thuận lợi để hợp tác với các công ty năng lượng Đức có công nghệ hiện đại để phát triển năng lượng sạch và tái tạo như điện gió, điện mặt trời, hoặc sản xuất hydrogen.
Do tác động của khủng hoảng năng lượng vì xung đột ở Ukraina và cắt giảm lượng khí đốt cung cấp từ Nga, Đức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch, phát triển mạnh mẽ các công nghệ mới trong lĩnh vực này, bao gồm cả công nghệ sản xuất và sử dụng hydrogen.
“Bối cảnh như vậy tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới to lớn giữa hai nước trong lĩnh vực này, đặc biệt khi vừa qua Đức ủng hộ G7 chọn Việt Nam là một đối tác toàn cầu trong chuyển đổi năng lượng công bằng”, Đại sứ Minh nhấn mạnh.
Sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua ở Đức của công nghệ xanh, công nghệ số, công nghệ chế tạo máy móc, thiết bị cũng là cơ hộ lớn trong hợp tác giữa hai nước về đầu tư và chuyển giao công nghệ. Mặt khác, các chính sách phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường, cùng cam kết tại COP26 của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác với Đức trong các lĩnh vực nêu trên.
Cũng theo Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức, hai bên đang lên kế hoạch cho một số chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo hai nước trong thời gian sắp tới, tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
“Có thể khẳng định, lúc này là cơ hội vàng để hai nước tranh thủ đẩy mạnh hợp tác, đưa mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới, không chỉ về chính trị, an ninh mà đặc biệt là về kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, dạy nghề, hợp tác lao động”, Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định.