Trong khi Việt Nam và Nhật Bản cho rằng bão Noru mạnh nhất cấp 14-15 khi gần bờ, thì các đài khí tượng thuỷ văn của Mỹ và Hong Kong lại cho rằng hình thái này có thể tăng cấp thành siêu bão. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khẳng định Việt Namkhông loại trừ bất kỳ kịch bản nào.
Trước khi bão Noru đổ bộ, người dân Đà Nẵng đã đổ xô đến siêu thị, chợ, mua đồ, gom hàng, dự trữ thực phẩm. Do lượng khách tăng đột biến ở các siêu thị khiến xuất hiện tình trạng nhiều gian/quầy trống trơn, hàng loạt mặt hàng nhu yếu phẩm “cháy hàng”.
Kịch bản dự báo diễn biến bão Noru
Chiều 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia của Việt Nam cho biết ảnh hưởng của bão số 4 (tức bão Noru), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, trong khi đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Lúc 13h, tâm bão Noru cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi 270 km về phía đông. Sức gió duy trì mạnh nhất cấp 14-15, giật trên cấp 17 trong những giờ qua.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng nhận định trong 12 giờ tới, bão giữ cường độ trên và đi vào vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Lúc 1h sáng 28/9, sức gió mạnh nhất vẫn ở cấp 14-15.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn của Hong Kong cho rằng, Noru hiện đang ở cấp ‘siêu bão’ vào lúc 13h ngày 27/9 với sức gió mạnh nhất 195 km/h, tương đương cấp 16, giật trên cấp 17. Cường độ này tương đương với sức gió cực đại của siêu bão khi áp sát đất liền Philippines ngày 24/9.
Mô hình dự báo cũng cho thấy đến trưa 28/9, sau 6 tiếng kể từ khi tâm bão vào đất liền Trung Trung Bộ, hình thái này vẫn có thể duy trì cường độ mạnh nhất lên tới 155 km/h, tương đương cấp 13-14.
Đông đảo người dân vào siêu thị mua thực phẩm để sử dụng trong tương lai ở Đà Nẵng
Nhận định này cũng tương tự kịch bản mà cơ quan khí tượng Trung Quốc và cơ quan dự báo Hải quân Mỹ đưa ra. Theo đó, các mô hình này dự báo thời điểm tâm bão tiếp cận đất liền Trung Trung Bộ rạng sáng 28/9, sức gió cực đại vẫn đạt cấp 14-15.
Kịch bản của Mỹ và Trung Quốc là tương đối cực đoan so với dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, đài Nhật Bản cho rằng sức gió mạnh nhất Noru có thể đạt được dao động cấp 14-15, vào khoảng 162 km/h và chiều 27/9 là thời điểm bão mạnh nhất.
Cùng với đó, với cường độ trên, bão tiến vào vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi và chịu ma sát nên có thể giảm xuống cấp 12-13 khi tiếp cận đất liền khu vực này.
Lý giải về khác biệt trong đánh giá hình thái bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, giải thích rằng, mô hình của Việt Nam tính cường độ bão theo sức gió trung bình trong 2 phút, trong khi mô hình của Trung Quốc hay Hong Kong tính theo sức gió trong một phút.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, mô hình dự báo của Trung Quốc thường nhận định cường độ bão cao hơn 1-2 cấp so với mô hình trong khu vực. Nhưng với cơn bão này, chúng tôi không loại trừ bất kỳ kịch bản nào”, - lãnh đạo cơ quan khí tượng thuỷ văn của Việt Nam khẳng định.
Điểm bất thường của bão Noru
Trên Inquirer, chuyên gia dự báo khí tượng của Cục Quản lý Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) Ana Clauren cho biết, bão Noru đang mạnh lên nhanh chóng và được coi là “siêu bão” vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố nhiệt độ bề mặt biển cao.
Theo bà Clauren, trong khí tượng học, thời kỳ bão nhiệt đới mạnh lên nhanh chóng xảy ra khi sức gió duy trì tối đa của bão tăng hơn 65 km/h trong vòng 24 giờ. Trong trường hợp của bão Noru, mức tăng của sức gió duy trì tối đa là 90 km/h trong 24 giờ.
“Việc bão nhiệt đới nhanh chóng mạnh lên hiếm khi xảy ra, nhưng đây không phải là lần đầu”, - bà Claren nói và lưu ý thêm rằng, điều này thường xảy ra khi một cơn bão nhiệt đới sắp đổ bộ vào đất liền và điều kiện môi trường thuận lợi để cường độ bão tăng lên và hoạt động mạnh hơn nữa.
Phân tích về yếu tố bất thường bão mạnh lên khi nhiệt độ bề mặt biển cao, bão sẽ càng nhận được nhiều năng lượng và đây cũng chính là nguyên nhân bão mạnh lên nhanh chóng, gây nguy hiểm. Cùng với đó, khi gió đứt chiều dọc khi hoàn lưu của bão chỉ ở một khu vực, cũng sẽ khiến bão tăng cường độ.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, bão Noru khả năng lưu gió mạnh trên đất liền trong 10-12 tiếng, liên tục từ đêm 27 đến trưa 28/9.
Khu vực đất liền khả năng ghi nhận gió mạnh nhất là ven biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vùng gần tâm bão ở các địa phương này có thể có gió mạnh cấp 12-14, giật cấp 15.
Từ chiều nay 27/9, mưa lớn được dự báo trút xuống các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Đợt mưa này chỉ kéo dài đến hết ngày 28/9 nhưng với lượng rất lớn, lên tới 300-400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm.
Ngoài ra, mưa lớn lan ra khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai với lượng phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 28/9, mưa có xu hướng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và phía nam Đồng bằng Bắc Bộ.
Đà Nẵng: Người dân đổ xô mua hàng trước khi bão Noru đổ bộ
UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất dừng họp chợ trên địa bàn thành phố từ 12h ngày 27/9 để chủ động phòng tránh bão số 4, tức bão Noru.
Từ chiều ngày 26/9 đến sáng 27/9, bên cạnh việc gia cố nhà cửa, người dân Đà Nẵng đã đổ đến các siêu thị, chợ để mua hàng thiết yếu dự trữ cho những ngày mưa bão.
Nhiều người dân đã đến các chợ như chợ Cồn (Hải Châu), chợ Hòa Minh, Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) để mua các mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau củ dự trữ khi bão đổ bộ.
So với bình thường, lượng khách hàng đã tăng khoảng 50%. Một số siêu thị đã “cháy hàng” các mặt hàng như rau xanh, thịt, mì tôm, trứng, sữa…
"Có thời điểm hơn 30 người vây quanh quầy để mua cho bằng được", - bà Hoa, một tiểu thương ở chợ Cồn, cho báo Đầu tư biết.
Ngoài thực phẩm tươi sống, nhiều người cũng mua đồ khô đề phòng mất điện dài ngày như cá khô, mực khô, xúc xích, bánh mì,…Dù vậy, giá cả các mặt hàng vẫn bình ổn, không có dấu hiệu lợi dụng thiên tai để "chặt chém".
Chị Hà My (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết, từ tối hôm qua, các chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn gần như đã hết sạch rau và đồ khô.
“Nghe dự báo bão tôi tranh thủ mua ít đồ dự trữ nhưng phải đến sáng nay mới mua được ít rau. Mặc dù lượng người mua rất đông nhưng giá thực phẩm vẫn bình ổn, chỉ có rau là tăng hơn ngày thường một ít”, - chị My cho biết.
Các cửa hàng bán vật liệu xây dựng cũng có rất đông khách đến mua dây cáp, dây thép về gia cố nhà. Ngoài ra, người dân còn mua các túi nylon cỡ lớn để chứa nước nhằm che chắn các vị trí xung yếu trên mái tôn...
Không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, nâng giá
Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban quản lý Chợ Đống Đa (Đà Nẵng), đơn vị đã tăng cường kiểm tra và nếu phát hiện trường hợp hộ kinh doanh nào có hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý thì sẽ lập biên bản và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý.
Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, các siêu thị, đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm, các chợ trên địa bàn có tổng lượng hàng hóa dự trữ phòng chống thiên tai hơn 82 tỷ đồng, với hơn 56.000 thùng mì ăn liền, hơn 2.700 tấn gạo và hơn 800 tấn lương thực thực phẩm khác…
Đơn vị này cũng đã lên kịch bản hỗ trợ cho hơn 100.000 người dân ở những khu vực phải sơ tán với các mặt hàng thiết yếu trong 3 ngày.
Sở đã đề nghị các quận, huyện chỉ đạo Ban Quản lý chợ và các đơn vị tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, tiểu thương tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, không lợi dụng để đầu cơ, găm hàng, nâng giá.
Sở cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tăng cường dự trữ hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm theo kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai năm 2022.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến hay khan hiếm hàng hóa, có giải pháp điều động nguồn cung từ các tỉnh, thành khác nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa liên tục, kịp thời.
Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng chịu trách nhiệm chỉ đạo ban quản lý các chợ tập trung tuyên truyền, vận động tiểu thương tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm.